Nhà thương mại khó thành tái định cư

Cập nhật 30/12/2013 08:25

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt tồn kho căn hộ chung cư và bổ sung cho nguồn nhà tái định cư đang thiếu, trong năm 2013, Hà Nội đã triển khai chính sách mua nhà thương mại để làm nhà tái định cư. Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp nào tham gia.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt tồn kho căn hộ chung cư và bổ sung cho nguồn nhà tái định cư đang thiếu, trong năm 2013, Hà Nội đã triển khai chính sách mua nhà thương mại để làm nhà tái định cư. Nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thu hút được doanh nghiệp nào tham gia.

Dù ế, chung cư thương mại Hà Nội vẫn không muốn biến thành nhà ở tái định cư

Ế cũng không mặn mà

Theo tính toán, năm 2015 UBND TP Hà Nội cần 25.000 căn hộ tái định cư. Thời điểm hiện tại TP Hà Nội đang có 144 dự án chung cư tái định cư với tổng quỹ đất khoảng 1.153ha. Trong đó, 42 dự án với tổng quỹ đất khoảng 167ha đang được triển khai xây dựng, tuy nhiên tiến độ rất chậm. Vì vậy, hiện Hà Nội mới có khoảng 14.000 căn hộ tái định cư, tức tới năm 2015, thành phố cần thêm khoảng 11.000 căn hộ, riêng trong năm 2013 cần khoảng 6.600 căn phục vụ cho mục đích tái định cư.

Nhà tái định cư thiếu, trong khi Hà Nội đang tồn kho một lượng lớn chung cư thương mại. Tính đến tháng 12/2013, Hà Nội vẫn còn tồn hơn 6.060 căn hộ chung cư thương mại. Để cân đối nguồn cung - cầu căn hộ chung cư trên thị trường, từ tháng 4/2013, Hà Nội đã triển khai thực hiện cơ chế, chính sách mua lại quỹ nhà thương mại để chuyển sang nhà tái định cư và giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối thực hiện. Nguyên tắc chuyển đổi nhà thương mại sang tái định cư là: Đối với dự án đang trong giai đoạn xây dựng, thì thành phố sẽ rà soát, điều chỉnh lại cơ cấu diện tích căn hộ lớn hơn 90m2 cho phù hợp nhu cầu, và khả năng tài chính của đối tượng mua tái định cư, còn phần còn lại sẽ được lấy từ quỹ nhà 30% và 50% của các dự án khu đô thị, khu nhà ở. Còn về chi phí mua nhà tái định cư thì sẽ được ứng trước từ kinh phí giải phóng mặt bằng.

Sau khi thành phố đồng ý chủ trương trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã gửi văn bản đến hầu hết chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, đề nghị đăng ký chuyển đổi dự án thành nhà tái định cư bán cho thành phố, kèm theo giá bán. Tuy nhiên, đến tháng 12/2013, chưa thấy chủ đầu tư nào đăng ký tham gia, dù nhà ở thương mại vẫn đang ế và liên tục giảm giá.

Ai bù lỗ cho doanh nghiệp?

Giám đốc một dự án nhà thương mại ở Hà Đông chia sẻ: Dù rất ủng hộ cơ chế, chính sách chuyển đổi nhà thương mại sang nhà tái định cư, nhưng tôi không mặn mà đăng ký tham gia vì không hiểu Nhà nước sẽ bỏ mức tiền như thế nào để mua lại nhà thương mại làm tái định cư, vì thực chất nhà thương mại do không được ưu đãi về tiền đất, các loại thuế... nên luôn cao giá hơn nhà tái định cư; Giờ nếu bán cho Nhà nước để làm nhà tái định cư thì giá phải rẻ mới phù hợp, vậy ai sẽ bù lỗ cho doanh nghiệp, căn cứ nào để đảm bảo lợi ích hợp lý của doanh nghiệp?.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đức, người từng chủ động đề xuất giải pháp chuyển nhà thương mại sang nhà tái định cư cho rằng, có 2 hai nguyên nhân chủ yếu khiến chủ đầu tư không hào hứng tham gia chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà tái định cư. Thứ nhất, Nhà nước và chủ đầu tư không thỏa thuận được giá mua - bán phù hợp, mà cụ thể là chất lượng nhà thương mại cao hơn nhà tái định cư, nên giá bán cũng cao hơn so với giá nhà tái định cư. Thứ hai, dự án nhà thương mại thường có cơ cấu diện tích lớn, trong khi tiêu chuẩn nhà tái định cư không đòi hỏi diện tích lớn, nên hai bên cũng khó bán-mua.

Ông Nguyễn Thế Điệp cho rằng, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà tái định cư, doanh nghiệp có thể chấp nhận bán giá rẻ cho Nhà nước, nhưng bù lại Nhà nước phải có những ưu đãi về chính sách, thủ tục. “Tựu chung là cần sự dung hòa giữa hai bên về giá cả, lợi ích trong tiến trình hoạt động, đầu tư xây dựng, phát triển dự án”- ông Điệp nói.

DiaOcOnline.vn - Theo GTVT