Nhà thu nhập thấp và những “ưu đãi” trên giấy?

Cập nhật 26/12/2011 13:10

Không thể phủ nhận chính sách xây dựng nhà bán cho những đối tượng thu nhập thấp nhằm bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp (NTNT), kể cả chủ đầu tư lẫn người đủ tiêu chuẩn mua nhà dạng này đều mệt mỏi với những chính sách "ưu đãi" trên giấy!?


Khu nhà cho người thu nhập thấp ở Sài Đồng (Long Biên)
Không thể phủ nhận chính sách xây dựng nhà bán cho những đối tượng thu nhập thấp nhằm bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện các dự án nhà thu nhập thấp (NTNT), kể cả chủ đầu tư lẫn người đủ tiêu chuẩn mua nhà dạng này đều mệt mỏi với những chính sách "ưu đãi" trên giấy!?

Từ khi thực hiện chương trình làm NTNT năm 2009, Bộ Xây dựng kỳ vọng sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở cho người dân nội thành chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2009-2015 có 189 dự án, quy mô 166.390 căn hộ, đáp ứng khoảng 700.000 người. Riêng 2 năm 2009-2010, các doanh nghiệp (DN) đã đăng ký 150 dự án, quy mô xây dựng 5.659.740m2 sàn, số vốn đầu tư 22.738 tỷ đồng, hoàn thành 152.372 căn hộ, đáp ứng 640.000 người...

Tuy nhiên, theo Bộ Xây dựng, đến nay mới có 39 dự án được khởi công xây dựng, với tổng mức đầu tư khoảng 3.878 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 785.500m2 đáp ứng khoảng 66.900 người thu nhập thấp (trong số 39 dự án này, hiện mới có 1.714 căn hộ hoàn thành, đáp ứng khoảng 6.800 người).

Riêng tại Hà Nội, chỉ duy nhất dự án NTNT Ngô Thì Nhậm được đưa vào sử dụng từ tháng 4-2011 với 328 căn. Còn 4 dự án đang triển khai là Kiến Hưng (quận Hà Đông), Sài Đồng (quận Long Biên), Đại Mỗ (huyện Từ Liêm), Đặng Xá (Gia Lâm) với tổng số 3.300 căn hộ.

Đại diện Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 5 (Handico 5) - chủ đầu tư NTNT cho biết, trong tổng số 420 căn NTNT tại Sài Đồng của công ty, đến nay chỉ có 100 khách hàng đóng tiền. Hiện công trình đã xây được đến tầng 9/17 tầng, nhưng mới chỉ thu được từ khách hàng khoảng 80 tỷ đồng, trong khi DN đã bỏ ra đầu tư 100 tỷ đồng. Hiện đang trong giai đoạn đóng tiền đợt 2 nhưng nhiều khách hàng biện đủ lý do, nào là người nhà mới mất, bệnh tật, ốm đau chưa chịu đến đóng tiền. Số tiền DN thu được từ khách hàng không nhiều, trong khi dự án vẫn phải triển khai. Nếu cứ tiếp tục, DN không biết tìm đâu ra vốn làm tiếp.

Công ty CP Xây dựng số 3 (Handico 3) chủ đầu tư 2 tòa NTNT tại Sài Đồng cũng đang "đọng" hàng chục tỷ đồng đã đầu tư vì chỉ có 260/420 hồ sơ đăng ký mua, nhưng chỉ có một nửa trong số đó đóng tiền... Tại dự án Đặng Xá do Tổng Cty Viglacera làm chủ đầu tư với 946 căn hộ, dù đã chào bán đến lần thứ 4, mới chỉ có 609 khách hàng đến ký hợp đồng mua. NTNT Kiến Hưng có 864 căn dù đã bán hết, nhưng đến nay nhiều khách hàng đang xin rút lại tiền và hồ sơ. Còn dự án tại Đại Mỗ với 124 căn đang trong giai đoạn bốc thăm bán nhà đợt 1.

Thực tế trên cho thấy, với chương trình xây NTNT, hầu hết các DN đều phải tự "bơi". Bởi, khi các chính sách ưu đãi của Nhà nước không được thực hiện đầy đủ, như miễn thuế (thu nhập DN, VAT), vay vốn ưu đãi... khiến nhiều DN phải tự thân vận động, tìm cách gỡ khó cho mình. Đại diện một DN đang đầu tư xây dựng NTNT cho biết, chính sách đưa ra DN nào cũng hào hứng hưởng ứng, nhưng cơ quan chức năng liên quan lại không thực hiện theo đúng những gì đề ra nên DN không đủ sức theo. Mặc dù các DN đều phải tự huy động vốn từ nhiều nguồn để triển khai dự án, nhưng nay vẫn rất khó khăn. Và nếu không bán được nhà, số khách hàng ít ỏi còn lại chậm đóng tiền, chắc DN chỉ còn cách xin tạm dừng dự án.

Về vấn đề này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Sở đã nhiều lần họp với các ngành chức năng để bàn cách tháo gỡ khó khăn cho DN làm NTNT. Thành phố cũng tìm phương án để giải quyết vốn cho các DN làm NTNT. Đặc biệt, Sở đã kiến nghị lãnh đạo thành phố mở rộng đối tượng cư trú dài hạn (KT3, có đóng BHXH từ 1 năm trở lên) được mua NTNT và giảm thời gian được chuyển nhượng căn hộ từ 10 năm xuống 5 năm cho khách hàng, nhưng UBND TP vẫn chưa cho ý kiến.

Từ thực tế này có thể thấy, những "ưu đãi" trên giấy của NTNT nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, đồng thời dẫn đến những hệ lụy khôn lường cho các nhà đầu tư. Mặc dù các DN đều khẳng định sẽ hỗ trợ hết sức cho khách hàng bằng khả năng của mình, nhưng NH nên mở rộng cửa để cho nhiều người nghèo có cơ hội mua nhà.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán