Bộ Xây dựng vừa hoàn thành dự thảo Quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư (TĐC) để trình Chính phủ. Đây là khung chính sách được các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM, nơi có nhu cầu rất lớn về nhà TĐC mong đợi.
Bộ Xây dựng vừa hoàn thành dự thảo Quy định về phát triển và quản lý nhà ở tái định cư (TĐC) để trình Chính phủ. Đây là khung chính sách được các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM, nơi có nhu cầu rất lớn về nhà TĐC mong đợi.
Cho phép mua nhà ở thương mại làm nhà TĐC
Theo dự thảo, việc phát triển nhà ở TĐC được thực hiện theo ba hình thức gồm: Đầu tư xây dựng trực tiếp; đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC. Với việc mua nhà ở thương mại để bố trí TĐC, không những chính quyền bớt phần vất vả trong việc đầu tư xây dựng dự án, chủ đầu tư chủ động hơn về quỹ nhà, mà còn xóa được "mặc cảm", sự so sánh của người dân về nhà TĐC. Theo dự thảo, căn cứ kế hoạch phân bổ số lượng nhà TĐC được cấp có thẩm quyền lựa chọn có thể mua nhà ở thương mại trong các dự án khu đô thị mới để bố trí TĐC theo quy định.
Chủ đầu tư khu TĐC, công trình nhà ở TĐC được giao trách nhiệm chuẩn bị quỹ nhà ở TĐC, lập phương án mua nhà ở thương mại làm nhà ở TĐC, nhưng phải nêu rõ địa điểm mua, số lượng, dự kiến giá mua, tiến độ bàn giao, trình UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt. Giá mua nhà ở thương mại làm nhà ở TĐC do những tổ chức có nhà, đất cần bán, chuyển nhượng đề xuất theo nguyên tắc: Trường hợp đất xây dựng nhà ở do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc đất do Nhà nước đã bồi thường thì giá mua nhà ở bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 15%. Trường hợp đất xây dựng nhà ở do chủ đầu tư tự bồi thường, giá mua nhà ở bao gồm chi phí bồi thường, GPMB, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 10%. Trường hợp chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì giá mua nhà ở bao gồm cả tiền sử dụng đất. Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức thẩm định phương án mua nhà ở thương mại làm nhà ở tái định cư, giá mua nhà ở, trình UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt.
Một góc Khu đô thị Nam Trung Yên. Ảnh: Hải Linh |
Quản như nhà thương mại
Không chỉ cho phép mua nhà ở thương mại làm nhà TĐC, dự thảo còn đưa ra quy định về việc quản lý vận hành, khai thác nhà TĐC phải đảm bảo các nội dung theo quy định của pháp luật về quản lý sử dụng nhà chung cư thương mại và quy định pháp luật liên quan.
Về nguyên tắc, chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý vận hành nhà chung cư đó (thông qua bộ phận trực thuộc của mình hoặc ký hợp đồng thuê doanh nghiệp có chức năng quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện). Trường hợp mua nhà ở thương mại để bố trí cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thì doanh nghiệp đang quản lý vận hành nhà ở đó thực hiện quản lý vận hành nhà ở TĐC. Theo nội dung dự thảo, các hộ gia đình, cá nhân TĐC còn được ưu tiên thuê một phần diện tích kinh doanh, dịch vụ trong nhà chung cư thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch (nếu có nhu cầu) nhằm tạo công ăn, việc làm cho các hộ gia đình, cá nhân TĐC.
UBND cấp tỉnh, TP nơi có nhà ở TĐC có trách nhiệm giải quyết khiếu nại về các khoản phí liên quan quản lý, vận hành khai thác nhà ở. Thời hạn giải quyết tối đa là hai tháng, kể từ ngày nhận được đề nghị của của một trong hai bên. Quyết định giải quyết của UBND cấp tỉnh, TP là quyết định giải quyết cuối cùng.
Mặc dù có địa phương đưa ra đề xuất khác, nhưng Bộ Xây dựng bảo lưu quan điểm, diện tích mỗi căn hộ TĐC sẽ không quá 60m2 và được hoàn thiện theo cấp, hạng nhà ở, nhưng không thấp hơn 30m2 .
DiaOcOnline.vn - Theo Kinh tế Đô thị