Nhà siêu mỏng tràn lan do 'mạnh ai, nấy làm'

Cập nhật 17/02/2014 10:03

Tiếp sau tuyến đường Kim Liên mới, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, thành phố Hà Nội đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mở rộng tuyến đường Trường Chinh, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Voi Phục - Hoàng Cầu... Liệu sau khi mở ra, tại các tuyến đường “đắt nhất hành tinh” này có tiếp tục tràn lan nhà siêu mỏng, siêu méo?

Nhà siêu mỏng trên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Minh Tuấn Nhà siêu mỏng trên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu. Ảnh: Minh Tuấn

Tiếp sau tuyến đường Kim Liên mới, Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, thành phố Hà Nội đang đầu tư hàng ngàn tỷ đồng mở rộng tuyến đường Trường Chinh, Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái, Voi Phục - Hoàng Cầu... Liệu sau khi mở ra, tại các tuyến đường “đắt nhất hành tinh” này có tiếp tục tràn lan nhà siêu mỏng, siêu méo?

Mặc dù việc thi công xây dựng và mở rộng tuyến đường vành đai 2 nối từ Ngã tư Sở đến Ngã tư Vọng (đường Trường Chinh) mới bắt đầu nhưng chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội – (Ban trọng điểm) khẳng định đã phối hợp với UBND quận Đống Đa và Thanh Xuân để lập phương án xử lý dứt điểm khoảng 100 trường hợp có diện tích đất không đủ kích thước xây dựng, có thể phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo sau khi mở rộng đường.

“Chúng tôi đang cố gắng để trên tuyến đường Trường Chinh mở rộng sẽ không xảy ra tình trạng nhà siêu mỏng”-ông Việt nói.

Giải thích về tình trạng nhà siêu mỏng mọc tràn lan hai bên tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu vừa xảy ra, ông Nguyễn Văn Việt, Phó giám đốc Ban trọng điểm thừa nhận nguyên nhân tình trạng này là do phối hợp giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, thiếu sâu sát.

Hiện chủ đầu tư và quận Đống Đa đã thống nhất được phương án xử lý 58 nhà siêu mỏng. Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND phường Ô Chợ Dừa, nguyên nhân chính để phát sinh nhà siêu mỏng, siêu méo dọc hai bên tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu là tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự chỉ đạo, phối hợp thống nhất đối với các chủ đầu tư.

Ban quản lý các dự án trọng điểm cho biết, tổng mức đầu tư của tuyến đường vành đai 2 từ Ngã tư Sở đến Ngã tư Vọng lên đến 2.560 tỷ đồng. Trong đó, chi cho giải phóng mặt bằng là 2.022 tỷ đồng, chi cho phần xây lắp là 312 tỷ đồng. Đến nay, phần tuyến đường đi qua quận Thanh Xuân và Đống Đa đã cơ bản phê duyệt xong phương án giải phóng mặt bằng liên quan 636 hộ dân.

Ông Việt cho rằng, tiến độ xây dựng tuyến đường bị ảnh hưởng do thiếu trầm trọng nhà tái định cư. Tổng quỹ nhà tái định cư cần cho tuyến này là 600 căn hộ, riêng trong quý I/2014 cần 200 căn hộ. Tuy nhiên, thành phố mới bố trí được 130 căn.

Cũng theo ông Việt, khó khăn cho việc quản lý xây dựng trên nhiều tuyến đường mới mở đó là thiết kế hai bên tuyến phố chưa có. Ngoài ra, việc chậm ban hành Quy chế quản lý công trình cao tầng đã ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng tuyến phố, việc cấp phép xây dựng...

UBND phường Ô Chợ Dừa cho biết, để phát sinh nhà siêu mỏng siêu méo gây ra nhiều áp lực với chính quyền địa phương. Việc xử lý, thu hồi các diện tích đất không đủ kích thước xây dựng hai bên đường phải được thực hiện ngay khi lên phương án giải phóng mặt bằng làm đường.

DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong