Đại diện lãnh đạo quận Đống Đa (Hà Nội) khẳng định những ngôi nhà, thửa đất mỏng, méo phổ biến ở tuyến Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu có thể được cấp sổ đỏ nếu đồng ý hợp khối với mảnh đất bên cạnh. Trường hợp không hợp khối, có thể được cấp nếu chỉ làm ki ốt bán hàng.
Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo phổ biến dọc hai tuyến đường ngã năm Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu cũng như biện pháp xử lý của các cơ quan chức năng quận Đống Đa, Hà Nội. Tuyến đường này sẽ thông xe từ hôm nay, 15.1.
Tuyến phố “đắt nhất hành tinh” nhan nhản nhà siêu mỏng siêu méo - Ảnh: Lê Quân
|
Trao đổi với PV, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt, cho biết quận đang phối hợp với chủ đầu tư để thu hồi, không cho xây dựng các căn nhà thuộc diện siêu mỏng, siêu méo. Số còn lại đủ điều kiện được cấp phép xây dựng thì người dân vẫn đang làm thủ tục, một số đã có phép nhưng phải đảm bảo xây không quá 3 tầng theo chỉ đạo của TP.
“Với những căn xây vượt tầng, quận yêu cầu các phường xử lý, phải đình chỉ nếu đã xây dựng đến tầng thứ 5, nếu cố tình vi phạm sẽ bị cưỡng chế dừng thi công, cắt điện cắt nước”, ông Việt quả quyết.
Riêng việc người dân có nhà mặt đường xây ồ ạt không theo quy hoạch, chuẩn kiến trúc, gây mất mỹ quan, lem nhem, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết rất khó xử lý vì “gạo đã nấu thành cơm”.
Ông Trần Việt Trung, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa, chịu trách nhiệm về vấn đề giải phóng mặt bằng tuyến đường mới này cho biết thêm, những trường hợp nhà bị cắt xén khi lấy đất làm đường còn dư, chủ đầu tư và chính quyền đang rà soát, tập hợp để kiến nghị thu hồi.
“Có những trường hợp tôi ra quyết định đền bù luôn, tuy nhiên không phải lúc nào cũng được do đến nay đã sang năm mới nên bị vướng hệ số đền bù của năm 2014, phải báo cáo xin ý kiến UBND TP”, ông Trung nói.
Cũng theo ông Trung, những ngôi nhà, thửa đất mỏng méo trên có thể vẫn được cấp sổ đỏ nếu đồng ý hợp khối với mảnh đất bên cạnh. Trường hợp không hợp khối, có thể được cấp sổ, nếu chỉ làm ki ốt bán hàng.
“Quận đang tổng hợp, làm báo cáo về vấn đề này để trình xin ý kiến TP. Khi đó, trường hợp nào được hay không được cấp sẽ có chỉ thị cụ thể”, ông Trung nói.
Trao đổi với Báo, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho rằng để triệt tiêu nhà siêu mỏng, siêu méo khi mở đường mới, giống như tuyến đường Hoàng Cầu - ngã năm Ô Chợ Dừa, cần phải xác định luôn những trường hợp sẽ phải hợp khối, thu hồi rồi làm quỹ đất phát triển cây xanh… nhưng phải có phương án ngay trong khi lập dự án mở đường và quản lý chặt.
“Đó là vận động người dân còn ít đất ở mặt phố thỏa thuận dồn đổi, hợp khối tạo thành ô thửa vuông vức, nhà không mỏng, méo. Hoặc nhà nước hay chủ đầu tư sẽ phải bỏ tiền ra mua rồi làm ki ốt, trồng cây xanh, quy hoạch sao cho đẹp mắt. Nếu để 'gạo nấu thành cơm' như tuyến đường này thì rất khó xử lý”, ông Nghiêm nói.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, góp ý: Đây là bài học mà lẽ ra Hà Nội phải rút kinh nghiệm khi làm đường Xã Đàn.
“Ở ta, việc lập dự án làm đường chỉ biết làm đường, hai bên của đơn vị khác nhau nên tồn tại tình trạng 'thập nhị sứ quân', mỗi ngành nghề chỉ biết việc của mình, không có tổng chỉ huy tổng quát, dẫn tới thiếu đồng bộ là dễ hiểu”, ông Liêm nhận định.
Cũng theo ông Liêm, một số nước làm theo cách hai bên mặt phố đều là sở hữu của nhà nước rồi xây nhà, ki ốt lên cho thuê hoặc lập, thực hiện đúng quy hoạch nên mặt phố rất đẹp.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên