Nhà Quốc hội nên là ngôi đình của quốc gia

Cập nhật 28/09/2007 09:00

Mỗi một quốc gia, một dân tộc, một vùng miền đều có một văn hóa riêng đặc trưng cho quốc gia ấy, dân tộc ấy, vùng miền ấy....

Mỗi một quốc gia, một dân tộc, một vùng miền đều có một văn hóa riêng đặc trưng cho quốc gia ấy, dân tộc ấy, vùng miền ấy.

Đặc trưng cho một quốc gia, một dân tộc không có gì tiêu biểu hơn là bản sắc văn hóa của quốc gia đó, dân tộc đó. Trong các loại hình văn hóa vật thể thì công trình kiến trúc có lẽ là sản phẩm văn hóa lâu đời nhất.

Các công trình tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam có thể kể đến 3 dạng công trình chính đó là chùa tháp, đền miếu và đặc biệt nhất, thuần Việt nhất, đó là đình làng. Đình làng nguyên là nơi thờ theo phong tục tín ngưỡng trong xã hội Việt Nam cổ đại.

Vì vậy nó thường được xếp vào thể loại công trình phục vụ cho tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, đình làng còn là một công trình thuộc thể loại kiến trúc công cộng dân dụng do tính chất phục vụ đa chức năng của nó.

Ngoài chức năng là nơi thờ Thành hoàng làng, đình làng còn là trung tâm hành chính, quản trị phục vụ cho mọi hoạt động thuộc về cộng đồng làng xã; là nơi làm việc của Hội đồng kì mục trước đây (trong thời phong kiến); là nơi hội họp của dân làng... Đây cũng là nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của làng.

Đình làng không những có giá trị về mặt kiến trúc cao, là kiến trúc thuần Việt nhất của dân tộc, mà còn là kho tàng hết sức giá trị về mặt điêu khắc dân gian. Đây là thế giới cho nền nghệ thuật điêu khắc dân gian phát triển mạnh mẽ. Trên các vì kèo, tất cả các đầu bẩy, đầu dư, đố, xà kẻ, ván gió, ván nong (dong)... là nơi các nghệ sĩ điêu khắc dân gian chạm khắc các đề tài tái hiện cuộc sống và lao động của con người, cảnh sắc thiên nhiên giàu tính dân gian và phong phú, sinh động.

Chính vì vậy, các điêu khắc đình làng còn có giá trị to lớn trong việc nghiên cứu về cuộc sống vật chất, tinh thần của người Việt Nam trước đây. Nó có giá trị lịch sử sâu sắc đại diện cho bản sắc văn hóa của một loại công trình kiến trúc Việt nam.

Đình làng Đình Bảng là một trong những công trình tiêu biểu như vậy. Qua các giá trị vô giá của kiến trúc đình làng nêu trên ta có thể có thêm một góc nhìn khác về các công trình sẽ là đại diện cho nền kiến trúc Quốc gia mà một trong số đó là Nhà Quốc hội.

Trong kỳ thi phương án kiến trúc Nhà Quốc hội, có 17 phương án dự thi được chấm điểm và đem ra triển lãm. Điều đáng mừng là các ý tưởng táo bạo của nền kiến trúc hiện đại đã lên ngôi (tuy chưa phải hoàn toàn của người Việt Nam nghiên cứu, vì cuộc thi này có 07 phương án là của người nước ngoài). Điều đáng buồn là như một số nhà phê bình kiến trúc nhận định rằng không còn phương án "hoài cổ" nữa. Không hoài cổ nữa có nghĩa là đã quên đi bản sắc văn hoá của dân tộc, quên đi lịch sử của dân tộc và quên đi chính mình.

Tại sao nơi hội họp lớn nhất của quốc gia lại không thể là "ngôi đình Quốc gia". Và tại sao nó không thể có hình thức như những ngôi đình đã được quốc gia xếp hạng (?). Xếp hạng để mà xem, để mà nhớ, hay xếp hạng để các thế hệ sau tiếp bước mà phát huy, phát triển bản sắc riêng của dân tộc mình, của quốc gia mình. Nhà Quốc hội Campuchia sẽ được đưa vào sử dụng trong năm 2008 là công trình để chúng ta cùng suy ngẫm.

Cái thành công nhất của phương án giải A là phương án bảo tồn gần 4 ha khu di tích khảo cổ A, B, C, D của 5 thời kỳ văn hoá lịch sử của dân tộc: Đại La, Lý, Trần, Lê, Nguyễn. Cái chưa thành công nhất của phương án giải A là chưa khai thác cái tinh tuý nhất, cái bản sắc của các công trình kiến trúc còn nằm trong lòng đất của 5 thời kỳ văn hóa ấy, song hình thức kiến trúc của nó còn tồn tại trong hàng ngàn di sản kiến trúc - văn hóa - lịch sử đã được quốc gia xếp hạng trên mặt đất để mà đúc kết, phát huy, phát triển và đưa vào kiến trúc ngoại thất của công trình.

Hãy lấy cái tinh tuý của phương án giải A nâng tầm lên, song kiến trúc bên ngoài phải được tổ chức thi tiếp để có bản sắc kiến trúc điển hình nhất của văn hoá Việt Nam - ngôi đình vĩ đại của quốc gia ở đầu thế kỷ XXI - để cùng 9 quốc gia Đông Nam Á khác tạo nên bản sắc đặc trưng của khu vực.

>> Phương án L787 đạt giải A cuộc thi thiết kế Nhà Quốc hội - vẫn chưa thỏa mãn

Theo Kinh Tế & Đô Thị