“Giả sử các tầng bằng nhau nhưng nhà này xây bốn tầng, nhà kia ít tiền hơn chỉ xây hai tầng thì cũng lố nhố thôi”. Một tuyến đường cả trăm căn nhà màu sắc khác nhau thì phải lấy màu nào làm chuẩn?
Một khu đô thị mới với màu sắc mặt tiền tương đồng tại Phú Mỹ Hưng. Ảnh: HTD |
“Giả sử các tầng bằng nhau nhưng nhà này xây bốn tầng, nhà kia ít tiền hơn chỉ xây hai tầng thì cũng lố nhố thôi”. Một tuyến đường cả trăm căn nhà màu sắc khác nhau thì phải lấy màu nào làm chuẩn?
Sắp xếp lại trật tự đô thị là điều cần ủng hộ nhưng quy định phải cụ thể, câu từ phải rõ ràng, tránh nhiều cách hiểu.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, Bộ Xây dựng đang dự thảo nghị định về quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, trong đó có quy định nhà mặt phố xây sau phải tương đồng với nhà xây trước về màu sắc, cao độ nền, chiều cao tầng. Sau khi đăng bài, Báo nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc, trong đó nêu băn khoăn về sự hợp lý và tính khả thi của quy định.
Ngày 8-10, Pháp Luật TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm với khách mời là một số chuyên gia về kiến trúc, cán bộ quản lý nhằm góp ý kiến trả lời cho câu hỏi: "Nhà ở đô thị làm sao cho tương đồng?"
Suy đi thì nhiều cái khó
Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Trường Lưu (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) nêu một loạt cái khó khi thực hiện quy định tương đồng về cốt nền, tầng cao và màu sắc. “Cốt nền xưa nay thành phố vẫn chưa giao, có quận nào dám nói đường này, đường kia đã được giao cốt nền đâu, vậy tương đồng sẽ như thế nào? Chưa kể là có những con đường mà từ đầu đường đến cuối đường, cốt nền đã chênh nhau 1,5 m!” - ông nói.
KTS Lưu tiếp tục đặt câu hỏi: Quy định tương đồng về chiều cao tầng là từng tầng bằng nhau hay là cả chiều cao công trình phải y như nhau? “Giả sử các tầng bằng nhau nhưng nhà này xây bốn tầng, nhà kia ít tiền hơn chỉ xây hai tầng thì cũng lố nhố thôi” - ông nhận xét.
Trưởng phòng Cấp phép xây dựng (Sở Xây dựng), ông Trần Quốc Tuấn, cho biết những quy định trên không mới, chỉ có điều chưa thực hiện được. Ông dẫn chứng: Giấy phép xây dựng quy định phải ghi cốt nền nhưng thực tế thì thường là không ghi. Nếu có ghi thì cũng chỉ là ghi cho có, thậm chí đánh đố vì không có cốt nền chuẩn. Quy định về chiều cao các tầng phải bằng nhau cũng đã có quy định. Ví dụ đã thống nhất tầng một là 3,5 m nhưng thực tế dân vẫn xây thấp hơn hoặc cao hơn. Hơn chục năm trước, thành phố từng có ý định thực hiện ban công các nhà phải có cao độ bằng nhau nhưng cũng không làm được.
Riêng quy định về màu sắc công trình, ông Tuấn nhận xét nếu buộc phải tương đồng là vô phương. “Con đường Nguyễn Tri Phương trước mặt Báo đây có vài trăm căn nhà với vài chục màu sắc khác nhau, biết lấy nhà nào, màu nào làm chuẩn?” - ông Tuấn ví dụ.
“Hiện trạng đã lộn xộn, ngổn ngang như các khu đô thị hiện hữu thì buộc nhà xây sau giống nhà xây trước về màu sắc, chiều cao, cốt nền là rất khó” - bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú, bổ sung thêm.
Các khách mời đang thảo luận về quy định nhà mặt phố phải tương đồng nhau. Ảnh: Như Thủy. |
Tính lại, không hẳn bó tay
“Tương đồng không có nghĩa là y hệt nhau, mà là sự phù hợp, hài hòa. Thực hiện được điều này là cả một tiến trình, không phải một ngày là xong. Hơn nữa, phải có quy định và quyết tâm thực hiện thì về lâu dài, có thể 10, 20 năm nữa, bộ mặt đô thị mới có thể đẹp đẽ được. Không có điểm bắt đầu thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi”. Phát biểu của ông Trương Trung Kiên - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch khu trung tâm (Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP) được nhiều chuyên gia đồng tình. “Tuy nhiên, quy định phải được thể hiện chính xác, câu chữ không mơ hồ để cơ quan quản lý lẫn người dân thực hiện được dễ dàng, tránh suy diễn nhiều cách hiểu” - ông Phạm Phú Tâm, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, góp ý thêm.
Vấn đề là giải pháp nào?
KTS Đoàn Ngọc Hiệp, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý đô thị (Trường đại học Kiến trúc), cho rằng để bộ mặt đô thị được đẹp đẽ, hài hòa thì cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch chi tiết 1/500 và thực hiện cho đúng. “Bởi trong quy hoạch này đã có quy định về không gian kiến trúc như thế nào rồi” - ông Hiệp nói.
KTS Nguyễn Trường Lưu cho biết một kinh nghiệm của nước ngoài mà ta có thể tham khảo. “Ở nước ngoài, với một tuyến phố, cơ quan quản lý sẽ cho chừng 10 đến 20 màu trung tính, tùy ý người dân chọn. Nếu họ muốn chơi màu khác thì phải được sự đồng ý của cả tuyến phố đó” - ông Lưu nói.
“Ta cũng có thể lấy những căn nhà mẫu trên tuyến đường Lũy Bán Bích như quận Tân Phú đang thực hiện làm điểm mở đầu, dần dần tiến đến những căn nhà, dãy phố khác. Cứ thế, sau thời gian ta sẽ có những khu phố đẹp” - ông Trương Trung Kiên hiến kế.
Có nhà mẫu, khỏi xin giấy phép
Thí điểm thực hiện tuyến đường thương mại dịch vụ cho đường Lũy Bán Bích, cuối tháng 9 vừa qua, quận Tân Phú đã ban hành nhiều mẫu nhà với các màu sắc, kiểu dáng cho từng khúc đường rồi cho dân biểu quyết chọn theo đa số. “Có nhà mẫu rồi, sau này dân khỏi xin phép xây dựng nữa, cứ theo các quy chuẩn đó thôi” - bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Tân Phú, chia sẻ kinh nghiệm.
Ông Lê Đình Tri, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch-Kiến trúc, Bộ Xây dựng (đơn vị chủ trì soạn thảo nghị định):
Nhà là của mình nhưng mặt phố là của cộng đồng
Tương đồng về màu sắc có nghĩa là nhà trên cùng dãy phố thì cần phải theo cùng tông màu. Vì vậy, nhà xây sau có thể chọn gam màu khác nhưng cùng tông màu để phát triển lên cho đẹp hơn chứ không phải là theo cái màu xấu đã có trước đó.
Về cốt nền nhà thì mọi nhà đều phải bằng ngang nhau. Có nghĩa là chiều cao của nền nhà ngang nhau so với mặt vỉa hè. Điều này đương nhiên là bắt buộc.
Theo dự thảo nghị định, chiều cao các tầng của nhà xây sau cũng phải tương đương với nhà đã xây trước đó. Tuy nhiên, tới đây nội dung này có thể được chỉnh sửa lại theo hướng chỉ giới hạn chiều cao tầng một phải tương đương. Lên tầng cao hơn thì chiều cao giữa các tầng của các nhà có thể được thay đổi nhiều.
Như vậy, chiều cao của nền nhà, chiều cao của tầng một và màu sắc ở các nhà trên cùng tuyến phố phải có sự thống nhất với nhau. Nhà nước khuyến khích người dân làm nhà mặt phố như thế. Người dân nên hiểu rằng ngôi nhà là của mình nhưng mặt phố là của cộng đồng. Quản lý đô thị phải thống nhất.
Quy định này chỉ áp dụng cho nhà mặt phố được xây theo quy hoạch chi tiết 1/500 đã được phê duyệt để thực hiện các dự án. Đó là nhà xây trong những tuyến phố mới, trục đường mới. Quy định này không áp dụng cho những tuyến phố cũ. Những ngôi nhà đã có trên những tuyến phố cũ, phố cổ vốn đa dạng, phong phú và có cả sự hỗn độn thì chúng ta phải chấp nhận nó.
Cần lưu ý, nghị định của Chính phủ chỉ đưa ra quy định chung, khuyến khích sự tương đồng, hài hòa đối với nhà xây trên từng tuyến phố. Còn ở địa phương, chính quyền đô thị sẽ tùy theo tính chất, quy mô đô thị và tình hình thực tế để có quy định cụ thể cho phù hợp theo từng tuyến phố. Ví dụ, tuyến phố thương mại thì không thể khoác lên nó một màu trầm mà phải tạo sự bắt mắt bằng màu sắc sáng và sinh động...
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP