Nhà ống - thất bại hoành tráng - của đô thị mới

Cập nhật 03/09/2007 15:00

Ngày mới về thủ đô giải phóng, tôi lần đầu được đi ăn quán ở phố Hàng Buồm. Vào cái nhà sâu hút nực mùi sào nấu như chui vào ống cơm lam. Cũng thấy hay hay vì nó khác ...

Ngày mới về thủ đô giải phóng, tôi lần đầu được đi ăn quán ở phố Hàng Buồm. Vào cái nhà sâu hút nực mùi sào nấu như chui vào ống cơm lam. Cũng thấy hay hay vì nó khác hẳn mọi kiểu nhà, kiểu ở khác, bất tiện vô cùng.

  Có lẽ nhà ống là đặc sản kiến trúc của nhà buôn bán nhỏ ở phố thị (Thăng Long, Hội An, Phố Hiến) cách nay 4-5 thế kỷ. Nó có mặt tiền để bán hàng, gian tiếp khách, các gian ở, sân trời với vườn nhỏ để thở, khu ở, khu vệ sinh, bếp và nhà kho để nhập hàng ở sau cùng. Mặt sau có khi ra sông tiện việc chuyên chở.

Những ngôi nhà ống cổ ta đều một lầu, được thông gió và lấy ánh sáng, xử lý vật liệu tài tình, bố cục sinh ra từ nhu cầu thiết thực của gia chủ nên rất hợp lý. Đúng là một di sản kiến trúc. Ở các phố buôn bán nhỏ các đô thị TK 20 (Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng...), ta cũng thấy có các nhà ống hai ba lầu có nội thất kiểu Châu Âu. Nghĩa là dân ta rất ít người, chỉ có một phần vạn, phần triệu dân ta quen ở nhà ống.

Đùng một cái với 20 năm kinh tế thị trường, nhà ống bùng phát như một đại dịch. Có nhẽ tới 60-70% dân đô thị ở nhà ống. Chẳng ai hiểu tại sao. Nền cứ bán 4/16-20m và thế là câu hỏi tại sao kia trở nên ngớ ngẩn. Nước ta là một kình ngư khổng lồ đang ra biển lớn, doạ sẽ hoá rồng. Đường sá mọc ra hàng ngày. Nếu đường là bộ xương của đất nước với hàng vạn nhánh thì hàng triệu triệu ngôi nhà ống hai bên là triệu triệu gai đôi hành khổ cơ thể kinh tế và dân sinh. Ai bắt ta phải thế?

Một nhà sử học hỏi: Sao giữa đồi, ngoài cánh đồng cũng nhà ống hả ông? Bêtông hoá đường nông thôn cũng sinh ra nhà ống luôn! Khu CN mở tới đâu nhà ống vây xung quanh lập tức. Thị trấn, thị xã đều nhất loạt ống hoá cả. Anh nào nghĩ ra cái nền 4/16-20m đáng gọi là sư tổ của nền kiến trúc "manh mún" của VN. Thế hệ đầu ra phố cứ mặc nhiên coi nhà ống là cách ở bắt buộc. Các phòng thẳng một hàng; xe máy có thể phóng qua; gió lùa một lối; ánh sáng hai đầu, ở giữa tối om. Chả thấy có gì là bất tiện cả! Nguyên Chủ tịch Hội KTS ngồi xe với tôi ở Vũng Tàu reo lên:

Đây có một blốc nhà liên kế kìa! Các blốc nhà liên kế được KTS thiết kế đàng hoàng, trệt là các cửa hàng, khu công cộng, dịch vụ, các lầu là các văn phòng, căn hộ tiện nghi. Cứ vài blốc đến một ngã tư ngăn nắp. Hẻm, ngách chỉ hãn hữu. Đó là dạng nhà thông thường của các đô thị. Hiệu quả thu thuế, kinh doanh và sinh sống văn minh cao gấp hàng chục, hàng trăm lần nhà ống. Thế mà ở ta nó lại là sự lạ thì có phải ta đang làm chuyện ngược đời không!

Đất là tài sản quốc gia nhưng lại cho tư nhân thuê manh mún. Lãng phí vô chừng trong khi thành phố nào cũng kêu thiếu đất. Tham nhũng các kiểu cũng sinh ra từ cái sự chia lô, bán nền, xây nhà ống tủn mủn quá thể này.

Ôi, thời công nghiệp hoá, đô thị hoá của đất nước tôi quả là thời "ống hoá". Nếu ta chậm hoá rồng thì một cớ là bệnh gai đôi nhà ống này đây.

Theo Lao Động