Không ít ý kiến cảnh báo đã được đưa ra khi sự phát triển nhà ở xã hội trở nên ồ ạt. Và dường như, những cảnh báo này đang dần trở thành hiện thực khi chính bản thân nhà ở xã hội đang tự đánh mất ưu thế của mình, với những bất cập về chất lượng và tiến độ thi công.
Không ít ý kiến cảnh báo đã được đưa ra khi sự phát triển nhà ở xã hội trở nên ồ ạt. Và dường như, những cảnh báo này đang dần trở thành hiện thực khi chính bản thân nhà ở xã hội đang tự đánh mất ưu thế của mình, với những bất cập về chất lượng và tiến độ thi công.
Mờ mịt tiến độ
Tòa nhà N010A và N012-3 thuộc dự án nhà thu nhập thấp ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) thuộc chủ đầu tư là CTCP Xây dựng số 3 Hà Nội (Hanco3) đang làm nóng dư luận, không chỉ vì đã quá thời hạn bàn giao nhà 3 tháng, mà còn vì chủ đầu tư đột nhiên… dừng thi công, công trình dở dang.
Bà Trần Ngọc Minh, đại diện Hanco3 cho biết, việc chậm tiến độ là do phải bổ sung một số hạng mục về phòng cháy chữa cháy đồng thời, thay đổi loại vật liệu để nâng cao chất lượng. Hiện dự án đã hoàn thiện sơn nội thất, hệ thống điện, đang tiến hành lắp đặt cửa và hệ thống PCCC. Chủ đầu tư đang đẩy mạnh tiến độ triển khai dự án và cam kết bàn giao nhà chậm nhất vào ngày 31-12-2013.
Nhưng theo người dân, rõ ràng đây chỉ là cái cớ "đẹp” được chủ đầu tư đưa ra, vì việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy phải được đảm bảo ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt dự án. Vấn đề tài chính, xem ra mới là khó khăn lớn của DN hiện nay, khi mới có 70% người mua nhà đóng tiền đúng tiến độ.
Lo lắng của người dân không phải không có lý khi cuối tháng 7 vừa qua, dự án nhà ở xã hội tại 143 Trần Phú (Q.Hà Đông, Hà Nội) của chủ đầu tư là CTCP Đầu tư và Phát triển sông Đà cũng đã tránh việc bị người dân trả lại nhà bằng cách ký thỏa thuận đặt cọc cùng với việc nộp hồ sơ mua căn hộ, trên cơ sở tự nguyện từ 30-70 triệu đồng. Dự án này trước đó cũng đã "khởi công ảo” từ cuối tháng 7-2013 với lời cam kết sẽ hoàn thành vào quý 4-2015 nhưng xem ra, mục đích vẫn để hút khách là chính. Bởi thời điểm đó, dù dự án đã khởi công nhưng vẫn chưa hoàn thiện thủ tục chuyển đổi cũng như chưa được cấp phép xây dựng. Nhiều hồ sơ mua nhà, vì thế, cũng lặng lẽ rút lui.
Dự án nhà ở xã hội tây nam Linh Đàm thì lại vướng về bàn giao mặt bằng giữa chủ đầu tư BIC Việt Nam và công ty HUC. Nên dù khởi công đã gần 4 tháng, nhưng việc triển khai vẫn dậm chân tại chỗ. Và bao giờ người dân có nhà… thì đang thành câu hỏi treo lơ lửng chưa có lời đáp!
Quay trở lại một dự án khác. Dự án nhà ở thu nhập thấp Kiến Hưng (Hà Đông) của chủ đầu tư là CTCP Bê tông Xuân Mai (Vinaconex Xuân Mai), đã bàn giao nhà từ đầu năm 2013 và đưa vào sử dụng 3 tòa chung cư cao 19 tầng, với hơn 860 căn hộ. Thế nhưng lượng người đến ở chưa đạt 80%. Chưa kể, đã có tới 30 trường hợp khách hàng chấp nhận bồi thường để trả lại nhà, 7 trường hợp đã thanh lý xong hợp đồng. 120 trường hợp khác chưa đóng tiền nhà cũng như chưa nhận giao nhà. Được biết, dự án này cũng bị người dân phản ánh về chất lượng không đảm bảo.
Trước đó, dự án nhà thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm) của chủ đầu tư Viglacera cũng gặp vấn đề chất lượng ngay khi giao nhà không lâu. Khách hàng muốn trả lại nhà cũng không được do những vướng mắc về thủ tục.
Giá và chất lượng nhà
Một trong những lý do mà chủ đầu tư chậm thi công cũng như người dân trả lại nhà khá giống nhau, đều là do sự khó khăn chung về tài chính. Song, dường như điều này mới chỉ là mặt ngoài của vấn đề.
Trên thực tế, theo phản ánh, nguyên nhân chính khiến người dân trả lại nhà là vấn đề chất lượng, giá cả của nhà ở.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, không có gì lạ với thực trạng trả nhà như hiện nay. Nguyên nhân đơn giản là chủ đầu tư không xem xét kỹ việc quy hoạch dự án. Những dự án này chỉ phù hợp với số ít người dân sống xung quanh, trong khi người dân sống trong nội thành khó có thể chọn mua những căn hộ kiểu này. Một dự án nhà ở thu nhập thấp mà triển khai tận Quốc Oai thì ai sẽ là người mua?
Nghịch lý ở đây là, lãnh đạo Bộ Xây dựng thì cho rằng, thiếu nguồn cung nhà ở xã hội là nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Như vậy, nói chính xác hơn thì, nguyên nhân chính ở đây phải là thiếu hụt nhà ở xã hội phù hợp với nhu cầu người dân. Cầu thì còn nhiều nhưng cung thì chưa ổn. Từ nay tới năm 2015, hàng loạt dự án nhà ở xã hội sẽ được đưa ra thị trường. Nếu chủ đầu tư không nhanh chóng sửa đổi tư duy phong trào, đảm bảo chất lượng dự án thì khả năng tồn kho phân khúc này, rõ ràng đã hoàn toàn hiện hữu.