Nhà ở xã hội và nỗi lo đầu cơ

Cập nhật 31/01/2010 09:55

Nhu cầu thực sự đối với nhà có giá dưới 1 tỷ đồng một căn tại các thành phố lớn được đánh giá là rất cao nhưng cung có hạn nên nhà ở xã hội được nhiều khách hàng nhắm đến. Tuy nhiên, việc tiếp cận với đầu mối...

Nhu cầu thực sự đối với nhà có giá dưới 1 tỷ đồng một căn tại các thành phố lớn được đánh giá là rất cao nhưng cung có hạn nên nhà ở xã hội được nhiều khách hàng nhắm đến. Tuy nhiên, việc tiếp cận với đầu mối bán hàng không dễ vì cơ chế bán không rõ ràng.

Hà Nội tiếp nhận 800 căn hộ đầu tiên của quỹ nhà ở xã hội tại khu Việt Hưng tháng 12/2009 và đang chuẩn bị cho 5 dự án nhà ở xã hội tiếp theo tại khu đô thị mới Sài Đồng, xã Ngũ Hiệp, xã Kim Chung, và huyện Chương Mỹ với tổng số căn hộ là 4.900. Tổng công công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị và Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng cũng chính thức công bố triển khai các dự án tương tự tại Thủ đô.

Cơ chế chưa thống nhất

Theo thông tư của Bộ Xây dựng, người muốn mua, thuê nhà ở xã hội phải nộp đơn cho chủ đầu tư, đơn vị này sẽ xem xét và nộp danh sách cho Sở Xây dựng để kiểm tra. Sau 15 ngày, nếu Sở không có trả lời thì chủ đầu tư được phép bán. Tuy nhiên, trong Dự thảo quy chế cho thuê - thuê mua nhà ở xã hộitrên địa bàn Hà Nội đang gửi các sở, ngành lấy ý kiến, Sở Xây dựng thành phố lại có qui chế: người có nhu cầu thuê hay mua nhà xã hội sẽ làm đơn theo mẫu, có xác nhận của nơi làm việc về thu nhập, xác nhận của địa phương về điều kiện ở, số lượng người trong hộ và nộp đơn tại Sở Xây dựng. Cơ quan này sẽ phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt hồ sơ.


Nhu cầu về nhà ở xã hội chỉ cao tại các thành phố lớn. Ảnh: Đức Long.

Trước thắc mắc của dư luận về việc “lấn sân” doanh nghiệp này, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, hiện tại cung thấp hơn cầu rất nhiều nên Sở xét duyệt để đảm bảo công bằng, tránh cơ chế xin - cho. Tuy nhiên, Sở chưa giải thích được sẽ duyệt như thế nào để đảm bảo công bằng nếu tất cả hồ sơ đều hợp lệ và đạt thang điểm tối ưu 100. Khi được hỏi làm thế nào để có thể mua nhà xã hội, lãnh đạo một doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cho hay, muốn tiếp cận với dự án của ông thì không có cách nào khác phải quen với Sở Xây dựng.

Trong khi quy chế bán nhà chưa được ban hành, trên thị trường đã có thông tin người có nhu cầu có thể mua lại nhà ở giá rẻ với diện tích dưới 45 m2 tại khu Việt Hưng hoặc khu đô thị mới Dịch Vọng. Ngoài yêu cầu hồ sơ hợp lệ, tiền chênh lệch cho mỗi suất này là 200 triệu đồng. Có người đã tham gia hình thức mua bán này và hoàn tất hồ sơ từ tháng 11/2009. Như vậy, nếu thông tin này chuẩn xác thì ngay cả việc Sở Xây dựng xét duyệt cũng vẫn nảy sinh cơ chế xin - cho.

Làm thế nào để bán đúng đối tượng?

Tại hội thảo về nhà xã hội vừa được tổ chức tại Hà Nội, có câu hỏi dành cho Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam "Làm thế nào để tránh việc nhà xã hội được phân phối không đúng đối tượng và mua đi bán lại?". Ông Nam trả lời: "Điều kiện để được mua nhà xã hội đã có quy định và trong thông tư hướng dẫn cũng nói rõ sau 10 năm, người mua nhà xã hội mới được phép bán và phải bán lại cho Nhà nước, chủ đầu tư theo giá thỏa thuận hai bên. Nhà ở dạng này sẽ chưa được cấp “sổ đỏ”. Người mua nhà đất hiện nay thường có tâm lý chắc chắn và nếu không có “sổ đỏ” sẽ ít người quan tâm. Mặt khác, nếu ai cố tình mua bán nhà mà bị phát hiện thì sẽ bị Nhà nước tịch thu nhà".

Đề cập đến việc đơn vị nào được xét duyệt hồ sơ mua nhà, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà (Bộ Xây dựng), nói: "Nhà xã hội do Nhà nước đầu tư từ vốn ngân sách thì Sở Xây dựng có thể bán. Còn loại nhà do doanh nghiệp đầu tư thì doanh nghiệp phải được chủ động bán theo quy định của Nhà nước". Ông Hà cho rằng, phải tin doanh nghiệp và đề ra cơ chế hậu kiểm chặt chẽ. Không thể nói là doanh nghiệp bán dễ phát sinh tiêu cực hơn Nhà nước bán, bởi một số cá nhân đại diện Nhà nước cũng có thể gian lận... Về nguyên tắc, Sở Xây dựng không thể “ôm” hết mà chỉ đề ra tiêu chuẩn, điểm ưu tiên để bán nhà xã hội.

Trên thực tế, chỉ có nhà xã hội tại Hà Nội, TP HCM và một số thành phố lớn khác đắt giá. Với những tòa nhà dành cho người thu nhập thấp tại các địa phương khác như tòa nhà 11 tầng tại Vĩnh Phúc của Vinaconex Xuân Mai, doanh nghiệp còn phải chủ động tìm khách mua. Nhiều người dân cho rằng, nhu cầu nhà xã hội tại các thành phố quá lớn, nên cung luôn thấp hơn cầu. Do vậy, việc xét duyệt người được mua nhà phải có phương thức công khai và công bằng cho tất cả đối tượng đáp ứng đủ điều kiện, nếu không sẽ phát sinh hiện tượng “chạy chọt”, mua đi, bán lại hưởng tiền chênh lệch. Nhiều ý kiến cho rằng, phương thức công bằng nhất là tổ chức gắp thăm công khai chọn người mua nhà xã hội. Đồng thời, người nộp đơn ngay từ đầu phải nộp một khoản tiền bảo lãnh nhất định trước khi gắp thăm công khai để tránh trường hợp đăng kỹ giữ chỗ, bán suất.

Cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cả khách hàng đều thống nhất về nguyên tắc bán nhà xã hội. “Không có lý do gì doanh nghiệp không được chủ động bán nhà, quan trọng là công tác tổ chức bán và hậu kiểm thôi”, lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng ở Hà Nội nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt