Tại buổi giao lưu trực tuyến “Nhà ở xã hội - Cơ hội cho người nghèo” hôm 20/8/2013, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, nhu cầu nhà ở xã hội là rất lớn, nên hiện nay không có chuyện dư thừa loại hình phân khúc này.
Ước mơ nhà ở xã hội không có thật ! Nguồn Internet
|
“Mòn mỏi” chờ nhà giá thấp
Theo các chuyên gia, so với các phân khúc khác trên thị trường bất động sản (BĐS) thì phân khúc nhà ở thu nhập thấp vẫn được người dân quan tâm và tìm mua nhiều nhất.
Điều này lại một lần nữa được Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định hôm 20/8/2012, theo điều tra khảo sát của Bộ Xây dựng và Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố thì nhu cầu nhà thu nhập thấp là rất lớn.
Ví dụ, riêng tại các khu vực đô thị đã có khoảng 1.750.000 người có khó khăn về nhà ở, khoảng 1,7 triệu công nhân ở khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Cụ thể, tại Hà Nội, theo tổng hợp số liệu của Bộ Xây dựng, thì nhu cầu có khoảng 110.000 căn trong khi đó nguồn cung tổng của các dự án nhà ở xã hội cộng lại mới được khoảng 15.000 căn. Tại TP. Hồ Chí Minh có 134.000 căn, Bình Dương là 104.000 căn, Đồng Nai là 95.000 căn. Khó khăn cơ bản nhất là thiếu nguồn cung, Bộ Xây dựng và chính quyền các cấp đang tập trung vào giải quyết khó khăn về trình tự thủ tục hành chính để tăng nguồn cung về nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, theo quy định hiện hành, người mua các dự án nhà ở xã hội được phép bán, chuyển nhượng cho người khác sau 10 năm sử dụng, nhưng sắp tới quy định này sẽ giảm xuống còn sau 5 năm. Trước mắt, những ai chuyển nhượng trái pháp luật sẽ bị xử lý theo quy định tại Luật Nhà ở…
“Xây dựng nhà ở xã hội trong thời điểm hiện nay và trong tương lai là hết sức cần thiết bởi nhu cầu thực tế về nhà ở của người dân còn rất lớn”, ông Tạ Văn Tố - Phó Tổng giám đốc CEO Group, nói thêm.
Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu bức thiết về nhà ở hiện nay, đại diện Bộ Xây dựng cho hay, chúng ta cần xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Theo dự báo của Bộ Xây dựng nhu cầu về nhà ở của công nhân khu công nghiệp tăng thêm khoảng 200.000 căn hộ.
…nhưng vẫn chỉ là “ước mơ”!
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người dân sinh sống và làm việc tại các thành phố lớn trên cả nước, đặc biệt TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội chưa có nhà ở và phải đi thuê nhà chiếm đa số.
Anh Nguyễn Tiến Hùng, người đi thuê nhà gần 10 năm ở Hà Nội chia sẻ, mấy năm trở lại đây, Nhà nước đã bắt đầu chú trọng vào xây dựng các dự án nhà ở thu nhập thấp, nhà ở xã hội giá rẻ để cung ứng cho những người có mức thu nhập trung bình. Đây là một chủ trương an sinh xã hội tốt.
“Những tưởng sẽ có nhà ở sau khi các dự án nhà ở xã hội được chủ đầu tư công bố mở bán, nhưng ai ngờ giá bán vẫn ở mức quá cao và thủ tục pháp lý để mua được nhà khá phức tạp”, anh Hùng bức xúc.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu chúng ta chỉ trông chờ vào tiết kiệm từ tiền lương thì khó mua được nhà, do đó, nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho người dân vay mua nhà với lãi suất thấp.
“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy việc phát triển nhà ở cho thuê với giá thấp phù hợp với các hộ gia đình quá khó khăn về thu nhập”, Thứ trưởng nhận định.
Nhiều người cho rằng, chủ trương chính sách khuyến khích doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội là đúng, nhưng đồng hành với việc đó thì cơ chế, chính sách vay vốn rẻ để người dân có thể mua được nhà mới là điều cần giải quyết và tháo gỡ.
Để hạ giá thành nhà ở xã hội, các chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư phải nghiên cứu áp dụng công nghệ, giải pháp kỹ thuật, lựa chọn vật liệu, trang thiết bị phù hợp để có giá thành hợp lý nhất mà vẫn đầy đủ tiện ích cho khách hàng.
“Hiện nay, thu nhập của đại đa số người dân ở nước ta còn thấp trong khi đó giá bán các dự án nhà ở tại các TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội còn quá cao mà người dân không có đủ khả năng để chi trả. Có lẽ “mong mỏi” sở hữu nhà ở của người nghèo sẽ vẫn chỉ ước mơ không có thật”, Giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Nội cho biết.
DiaOcOnline.vn - Theo Tạp chí Tài chính