Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM bàn các giải pháp, định hướng cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá trong xây dựng...
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM bàn các giải pháp, định hướng cơ chế, chính sách để tạo bước đột phá trong xây dựng ký túc xá cho sinh viên, nhà ở cho công nhân lao động và người có thu nhập thấp.
Thủ tướng chỉ đạo: "TP.HCM cần tạo bước đột phá trong việc xây dựng ký túc xá cho sinh viên và nhà ở cho công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp". Những cơ chế, chính sách mà Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thực hiện, đã mở ra triển vọng cho chương trình phát triển nhà ở xã hội trở thành hiện thực.
Vì sao nói hoài nhưng không làm được?
Đã có quá nhiều hội nghị, hội thảo bàn về chuyện xây nhà cho người có thu nhập thấp nhưng chưa thực hiện được. Đây là một vấn đề đầy thách thức, bởi vì người lao động thu nhập thấp ở VN sống còn chưa đủ thì làm sao mua được nhà ở? Hiện có khoảng 1/3 trong tổng số hai triệu cán bộ công nhân viên chưa có chỗ ở ổn định.
Riêng đối với TP.HCM, theo một nghiên cứu của Liên minh Hợp tác xã đến năm 2010, cần phải có một quỹ nhà ở khoảng 70.000 căn hộ để cung cấp chỗ ở cho đối tượng là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang, giáo viên... Đây là những đối tượng nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, với thu nhập như hiện tại không thể nào tạo dựng được một chỗ ở. Một triệu công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, có đến 90% phải thuê nhà trọ tồi tàn.
Điều kiện sống trong những khu nhà trọ rẻ tiền này rất thấp, mất vệ sinh, không an toàn. Riêng TP.HCM có 334.000 công nhân có nhu cầu thuê nhà. Riêng đối với ký túc xá cho sinh viên, mặc dù được đánh giá là tình hình khá hơn nhưng số lượng ký túc xá mới chỉ đáp ứng chưa được 30% nhu cầu...
Chương trình phát triển nhà ở xã hội bao gồm nhà cho người thu nhập thấp, chỗ lưu trú cho công nhân sinh viên đã được hô hào từ nhiều năm nay, thế nhưng trên thực tế vẫn không khởi động được là mấy. Từ trước đến nay, DN không mặn với việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở cho người thu nhập thấp. Bởi vì, vốn đầu tư dự án bất động sản rất lớn, trong lúc nhóm đối tượng thu nhập thấp lại không có khả năng thanh toán nhanh, thất bại là điều thấy rõ.
Nhà nước kêu gọi nhiều nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể và hiệu quả thì DN vẫn đứng ngoài để chờ đợi. Người ta nói DN quay lưng với người nghèo là không đúng, bởi DN kinh doanh để lãi chứ không phải để lỗ. Chính vì thế mà cộng đồng DN lên tiếng: "Chúng tôi không xin tiền, chỉ xin cơ chế". Cơ chế thoáng sẽ tháo gỡ cho DN kinh doanh hiệu quả và tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, trong đó có nhà ở cho người có thu nhập thấp. Cụ thể là chính sách tài chính, cho vay bù lãi suất; chính sách miễn giảm thuế, chính sách tạo quỹ đất và đầu tư hạ tầng ở các khu đất xây nhà xã hội.
Cần chính sách hơn cần tiền
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, đối với chương trình nhà ở xã hội, Nhà nước phải thể hiện vai trò chính. Cụ thể, đối với việc xây dựng chỗ lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên thì dứt khoát phải bằng nguồn lực của Nhà nước. Riêng đối với người có thu nhập thấp thì nên xã hội hóa bằng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn DN tham gia.
Trở lại với buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với TP.HCM chiều ngày 14-3, Thủ tướng đồng ý kiến nghị của thành phố là được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất 1,5 lần; được miễn giảm tiền sử dụng đất 3 năm đầu khi triển khai dự án; được áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 0% đối với các hợp đồng thuê nhà ở; trường hợp DN thuê nhà ở cho công nhân (không thu tiền) được tính chi phí thuê nhà ở vào chi phí sản xuất.
Trên thực tế, đây không phải là những đề xuất mới đối với TP.HCM. Trước đây, những chính sách này đã được đề cập trong Chỉ thị 07 về phát triển nhà ở xã hội. Sau đó, khi Luật Đất đai 2003 và Nghị định 181 ra đời, một số chính sách trong chỉ thị 07 đã không còn phù hợp. Từ đó, chương trình phát triển nhà ở xã hội bị khai tử.
Theo các chuyên gia bất động sản, những chính sách kể trên (đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý) thì đã đủ điều kiện cho chương trình phát triển nhà ở xã hội của TP.HCM khởi động. Với những chính sách này, bảo đảm giá thành của mỗi mét vuông căn hộ chung cư, ký túc xá cho sinh viên sẽ có giá thành từ 4 đến 5 triệu, thấp hơn rất nhiều so với hiện nay và việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội sẽ ít tốn kém hơn. Đồng thời, những chính sách này sẽ tạo ra sức hút các DN tham gia chương trình phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, hỗ trợ phía sản xuất sản phẩm mới chỉ là kích cung, chính sách hỗ trợ cho người mua sẽ là kích cầu. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho người nghèo chưa có nhà ở bằng nhiều hình thức như trợ giá, cho vay dài hạn với lãi suất thấp. Khi đầu ra được giải quyết thì DN mới mạnh dạn đầu tư, sản phẩm sẽ đa dạng và sự cạnh tranh sẽ là yếu tố nâng cao chất lượng và giảm giá thành.
Bên cạnh việc cho cơ chế chính sách, tại buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính ưu tiên tập trung bố trí cho TP.HCM 4.000 tỉ đồng từ nguồn trái phiếu chính phủ để TP.HCM xây dựng 12.000 căn hộ, cung cấp chỗ ở cho 100.000 sinh viên.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động