Nhà ở xã hội, sẽ có cuộc bứt phá mới

Cập nhật 06/01/2011 11:40

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, ngay khi ra đời, các chính sách về phát triển nhà ở cho đối tượng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, đặc biệt là từ phía chính quyền các địa phương và docnh nghiệp (DN)...


Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Vsip - Bình Dương
Năm 2010, phân khúc nhà ở cho những người có thu nhập trung bình và thấp trở thành dấu ấn trên thị trường bất động sản (BĐS) với hàng loạt dự án.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, ngay khi ra đời, các chính sách về phát triển nhà ở cho đối tượng xã hội đã nhận được sự hưởng ứng của toàn xã hội, đặc biệt là từ phía chính quyền các địa phương và docnh nghiệp (DN). Với những kết quả đầu tư và kinh doanh ấn tượng trong năm 2010, đồng thời có thêm nhiều cơ chế thông thoáng và khích lệ thị trường, trong năm 2011, phân khúc thị trường này hứa hẹn sẽ có một cuộc bứt phá mới.

Sôi động

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, trong một thời gian ngắn đã có khoảng 190 dự án nhà thu nhập thấp với số vốn gần 30.000 tỷ đồng được đăng ký với quy mô trên 7 triệu m2 nhà ở, tương đương 170.000 căn hộ. Trong đó, có khoảng 37 dự án đã được khởi công xây dựng với số vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng, góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 64.000 người. Các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp (KCN) cũng đã có 24 dự án được khởi công với số vốn đầu tư trên 2.600 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ góp phần giải quyết chỗ ở cho khoảng 125.000 lao động tại các KCN. Nhà ở dành cho sinh viên đã có 94 dự án được khởi công tại 28 tỉnh, thành phố với tổng số vốn trái phiếu chính phủ 5.500 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, các dự án này sẽ đáp ứng chỗ ở cho 180.000 sinh viên trên cả nước...

Vấn đề xây dựng nhà ở xã hội thực sự trở nên sôi động trong cả nước trong năm 2010. Nhiều địa phương đã nỗ lực thúc đẩy tạo lập quỹ nhà cho người thu nhập thấp, công nhân lao động, học sinh, sinh viên như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Bình Dương, Thanh Hóa... Riêng tại Hà Nội, các dự án nhà thu nhập thấp được khởi công đã có quy mô khoảng 25.000 căn hộ, trong đó một số dự án như Ngô Thì Nhậm, Việt Hưng đã bắt đầu bán nhà...

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Thành phố đã đưa mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đáp ứng 60% sinh viên có nhu cầu được thuê nhà trong KTX; 50% công nhân tại các KCN có nhu cầu được giải quyết nhà ở; cơ bản giải quyết chỗ ở cho người thu nhập thấp khu vực đô thị có nhu cầu bức xúc về nhà ở với khoảng 15.500 căn hộ, tương ứng với khoảng 1,5 triệu m2.

Tại TP. HCM, 8.300 căn nhà ở xã hội cũng đã được xây dựng, tương đương hơn 1,2 triệu m2 sàn, góp phần giải quyết khó khăn về nhà ở cho các đối tượng là cán bộ, công nhân viên, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân…

TP. Đã Nẵng cũng đã triển khai xây dựng được 127 khối nhà chung cư, dự kiến bố trí 11.332 căn hộ, trong đó 66 khối nhà với 2.859 căn đã xây dựng xong và đưa vào sử dụng, còn 61 khối nhà với 8.473 căn hộ đang được khẩn trương thi công và hoàn tất hồ sơ để khởi công xây dựng.

Doanh nghiệp thiếu vốn và đất

Tuy nhiên, theo ông Nam, khó khăn, thách thức đối với lĩnh vực này là không hề nhỏ. Vấn đề khó khăn nhất để triển khai các dự án hiện nay là thiếu vốn. Thực tế, đến thời điểm này, nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp đã thực hiện gần xong phần thô mà chưa nhận được đồng vốn ưu đãi nào. Thủ tục rườm rà, thời gian thẩm định kéo dài với những quy định khắt khe về tài sản thế chấp, đảm bảo tín dụng…, khiến nhiều DN chưa được vay vốn ưu đãi.

Một vấn đề nữa, theo phản ánh của ông Đặng Hoàng Huy, Tổng giám đốc CTCP Bê tông Xuân Mai là các DN gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận quỹ đất sạch để triển khai dự án.

Để giải quyết vấn đề này, ông Nam cho biết, thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương phải có quy hoạch rạch ròi, đâu là đất nhà ở thương mại, đâu là đất nhà ở xã hội và tỷ lệ phải thích đáng; có cơ chế khuyến khích chủ đầu tư các KCN chủ động bố trí quỹ đất sạch ngay tại các KCN để xây dựng nhà ở cho công nhân…

Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật thống nhất và cụ thể, nhằm giải quyết những bất cập. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục nắm bắt tình hình để đề xuất với Chính phủ có chính sách phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các nhà đầu tư để tăng nguồn cung nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán