Hiện tại, không chỉ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, mà nhiều gói vay nhà ở xã hội khác đang tắc nghẽn, cần được khơi thông để phát triển loại hình nhà ở quan trọng và đang có nhu cầu rất lớn này.
Nguồn cung nhà ở xã hội đang rất khan hiếm. Ảnh: Dũng Minh
Tréo ngoe quy định đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội
“Tôi đang làm công nhân tại một khu công nghiệp ở Vĩnh Phúc và thường xuyên phải tăng ca, trung bình mỗi tháng khoảng 100 giờ để có thu nhập hơn 16 triệu đồng/tháng. Thời gian tăng ca đôi khi khá khắc nghiệt, phải làm việc liên tục từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Với mức lương này, tôi thuộc diện đóng thuế thu nhập cá nhân dù không nhiều, do đó không thuộc đối tượng được phép mua nhà ở xã hội theo quy định hiện hành. Thế nhưng, mức thu nhập này cũng chẳng đủ để mua nhà thương mại trả góp”. Đây là phản ánh của một độc giả Báo Đầu tư Chứng khoán về những bất cập khi triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội hiện nay.
Thực tế, ngay từ thời điểm ban hành gói tín dụng này thời điểm đầu tháng 4/2023, ngoài câu chuyện lãi vay còn cao (chỉ thấp hơn 2%/năm so với lãi suất vay thương mại cũng tương đối cao vào thời điểm đó), ông Nguyễn Hoàng Nam - Tổng giám đốc G-Homes đã chỉ ra rằng, vướng mắc trong việc liệt kê 10 nhóm đối tượng được tiếp cận gói vay nhà ở xã hội không đảm bảo bao quát mọi đối tượng yếu thế trong xã hội.
Lấy dẫn chứng, ông Nam cho biết, có trường hợp một bác sĩ trẻ - người đúng nghĩa đang công tác trong lĩnh vực vì xã hội, nhưng lại không thể tiếp cận gói vay mua nhà ở xã hội chỉ vì mới ký hợp đồng và chưa thuộc đối tượng “cán bộ, công chức, viên chức” nên không cơ quan nào dám xác nhận cho vị bác sĩ trẻ này đủ điều kiện vay.
Hay trường hợp của một anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, dù thuộc diện “người có công với cách mạng” - đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng hồ sơ vẫn bị loại do trước đây từng đi thuê nhà ở xã hội, bởi theo quy định tại Điều 51 - Luật Nhà ở năm 2013, những đối tượng được mua nhà ở xã hội phải đáp ứng điều kiện “chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức”.
Trên đây chỉ là một vài trong nhiều trường hợp tréo ngoe liên quan tới quy định về các nhóm đối tượng được tiếp cận nhà ở xã hội hiện hành. Mới đây, vào đầu tháng 11/2023, Sở Xây dựng TP.HCM - địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn - đã gửi công văn lên UBND Thành phố đề nghị hướng hỗ trợ khi tiêu chí “chưa có nhà ở thuộc sở hữu hộ gia đình” làm các thế hệ cùng đăng ký thường trú tại một địa chỉ không đáp ứng được điều kiện mua nhà xã hội.
Sở này diễn giải, thực tế, một hộ gia đình có thể gồm nhiều thế hệ cùng chung sống, nhiều trường hợp là anh em, người thân… cùng đăng ký cư trú cùng một địa chỉ. Như vậy, quy định “chưa có nhà ở thuộc sở hữu của hộ gia đình” khiến nhiều người, nhiều thế hệ cùng đăng ký thường trú tại một địa chỉ khó được hưởng chính sách về nhà ở xã hội.
Trước đó không lâu, tại buổi giám sát của HĐND TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư Thủ Thiêm (Thủ Thiêm Group) - chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cho công nhân thuê ở phường Thạnh Mỹ Lợi, TP. Thủ Đức than “ế” cả nghìn căn hộ khi dự án có đến 1.040 căn cho thuê, nhưng đến nay chỉ có vài chục trường hợp được phê duyệt.
Đại diện chủ đầu tư này cho biết, nhiều người dân liên hệ Công ty tìm hiểu dự án, nhưng có rất ít hồ sơ đạt yêu cầu, lý do bởi người thuê phải đáp ứng điều kiện về nhà ở, cư trú và thu nhập theo quy định, đồng thời cần chứng minh đang làm việc tại các doanh nghiệp có trụ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn TP. Thủ Đức.
Câu chuyện cũng diễn ra tương tự ở Bình Dương khi bà Ðặng Thị Kim Oanh - Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng giám đốc Kim Oanh Group, đơn vị đang có 2/4 dự án nhà ở xã hội được UBND tỉnh đề xuất được vay ưu đãi theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh cho biết, những dự án này chưa bán được căn nào dù nhiều người hỏi mua.
“Lý do bởi hiện tại chưa biết đối tượng nào được chọn để mua theo các yêu cầu của Nhà nước đưa ra. Chưa kể, điều kiện đưa ra quá nhiều, không chỉ người mua thấy khó, mà doanh nghiệp cũng thấy rối”, bà Oanh nói và cho biết thêm, Kim Oanh Group có sẵn quỹ đất và rất muốn làm nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu đang rất lớn hiện nay, nhưng do thủ tục quá nhiêu khê nên không thể đẩy nhanh.
“Những nút thắt trên sớm gỡ ngày nào thì càng có lợi cho người thu nhập thấp muốn mua nhà ở xã hội ngày ấy, đồng thời sớm giải bài toán nguồn cung nhà giá rẻ cho thị trường”, bà Oanh nhấn mạnh.
Mở rộng đối tượng vay: Yêu cầu bức thiết
Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, ngoài gói 120.000 tỷ đồng, hiện có một số nguồn cho vay nhà ở xã hội khác, chẳng hạn Quỹ Phát triển nhà ở TP.HCM đang cho vay lãi suất 4,7%/năm, thời hạn 20 năm, với mức vay tối đa 900 triệu đồng. Tuy nhiên, nguồn vay này chỉ dành cho người hưởng lương từ ngân sách, các nhóm khác không thể tiếp cận.
Tương tự, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng cho người mua nhà ở xã hội vay tối đa 700 triệu đồng, lãi suất 4,8%/năm, thời hạn vay 25 năm, nhưng điều kiện vay rất khó khăn. Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2016-2020, Thành phố có 18.000 người có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội, song chỉ 310 khách hàng thuộc diện này được vay với tổng số tiền giải ngân 150 tỷ đồng.
Tại báo cáo mới nhất vừa được gửi tới Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất xem xét mở rộng đối tượng được vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, bao gồm chủ đầu tư và người mua thuộc các dự án nhà ở thương mại có giá bán không vượt quá 3 tỷ đồng/căn và có ưu tiên cho người mua căn nhà đầu tiên, bởi theo ông Châu, lãi suất của gói tín dụng này “chưa phải là lãi suất ưu đãi đúng nghĩa” vì chỉ thấp hơn 1,5-2%/năm so với gói vay thương mại thông thường và cao hơn đáng kể so với lãi suất của các gói vay nhà ở xã hội trước đây, chưa kể lãi suất được điều chỉnh 6 tháng một lần và thời hạn ưu đãi ngắn (chỉ trong 5 năm) gây bất an cho người vay.
Để đạt mục tiêu xây tối thiểu 1 triệu căn nhà xã hội giai đoạn 2021-2030 theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, HoREA đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng gói tín dụng ưu đãi nhà ở xã hội 110.000 tỷ đồng. Trong đó, lãi suất vay ưu đãi nhà ở xã hội là 4,8-5%/năm áp dụng cho năm 2023 và thời hạn vay tối đa 25 năm (tương tự gói 30.000 tỷ đồng trước đây). Đồng thời, gói này sẽ dành khoảng 50% cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi, còn lại là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Trên thực tế, ý tưởng ban đầu của gói 110.000 tỷ đồng này từng được Bộ Xây dựng dự kiến đề xuất Chính phủ, Quốc hội hồi tháng 2/2023, lấy từ nguồn tái cấp vốn cấp cho các ngân hàng thương mại cho vay, trước khi rút lại sau góp ý của Ngân hàng Nhà nước cho biết nguồn tái cấp vốn thời điểm đó tương đối khó khăn.
Ở một giải pháp khác, nhằm thúc đẩy giải ngân gói 120.000 tỷ đồng, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài mở rộng đối tượng cho vay, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc gia hạn hiệu lực thi hành của Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thêm 12 tháng (đến ngày 31/10/2024) để tăng thêm nguồn cung tiền cho các tổ chức tín dụng, mà vẫn bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Từ đó, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng hơn dư địa cho vay đối với khách hàng có nhu cầu ở thực.
DiaOcOnline.vn – Theo ĐTCK