Tại TPHCM, có hơn 100 dự án xây dựng nhà xã hội (nhà ở cho sinh viên, nhà cho công nhân và người thu nhập thấp) nhưng mới có hai dự án có thể giao nhà cho người có nhu cầu...
Người thu nhập thấp vẫn thích ở chung cư cũ nát tại trung tâm TPHCM hơn nhà ở xã hội ngoại thành - Ảnh: Hà Phan. |
Tại TPHCM, có hơn 100 dự án xây dựng nhà xã hội (nhà ở cho sinh viên, nhà cho công nhân và người thu nhập thấp) nhưng mới có hai dự án có thể giao nhà cho người có nhu cầu vào năm 2010. Số còn lại mới chỉ ở giai đoạn khởi động hoặc đăng ký rồi để đó…
Doanh nghiệp còn gặp khó
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành (TP HCM) lý giải nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp (DN) địa ốc tại TP HCM chưa sẵn sàng cho các dự án nhà xã hội là còn khá nhiều rào cản.
Nếu Vinaconex có thể xây những khu nhà xã hội có giá mỗi căn dưới 200 triệu đồng (khoảng bốn triệu đồng/m2) tại Hà Nội thì cho đến nay chưa có DN nào tại TPHCM đưa ra giá dưới 6 - 7 triệu đồng/m2.
Ông Đực cho rằng với giá đất, nhân công, vật liệu, chi phí khác, tại TP HCM cộng lại thì không thể nào xây nhà xã hội dưới bảy triệu đồng/m2.
Nhiều DN vừa qua công bố các dự án chung cư giá thấp nhưng cũng từ 500 triệu đồng/ căn trở lên, quá đắt so với thu nhập của người thu nhập trung bình chứ chưa nói là thấp.
Các DN băn khoăn khi muốn tham gia chương trình nhà ở xã hội là phải có quỹ đất sạch (đã hoàn tất đền bù giải tỏa), điều mà cả các DN xây biệt thự, căn hộ cao cấp, có năng lực tài chính lớn nhiều khi cũng bó tay.
Trong hội thảo gần đây về nhà xã hội, chính ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục phó Cục Quản lý Nhà & Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, nhà xã hội xây dựng chậm có nguyên nhân từ cơ chế.
Chính phủ đã thông qua nghị quyết về nhà ở xã hội, nhưng nghị quyết lại chưa phải là quy phạm pháp luật nên các chủ đầu tư dù muốn tham gia cũng gặp nhiều khó khăn.
Hiện, ngoài ký túc xá của SV đã có các nguồn vốn cụ thể từ nhà cho công nhân và người thu nhập thấp chủ yếu kêu gọi DN tham gia.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đánh giá DN có lý do để ngần ngại đầu tư nhà xã hội vì lợi nhuận thấp mà thời gian thu hồi vốn lâu, đến 15-20 năm. Có DN nói thẳng, họ làm những dự án tiền tươi thóc thật để tồn tại trước đã.
Còn lo bán không đúng đối tượng
"Dù được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, lãi suất vay vốn… nhưng DN lại bị giới hạn lợi nhuận dưới 10 phần trăm, giá bán phụ thuộc vào Nhà nước, đất tự lo, nguồn vốn tự tìm nên DN rất ngại xây nhà xã hội" - GĐ một Cty địa ốc than thở. |
Không chỉ DN không chuộng nhà xã hội mà trên thực tế với giá nhà khoảng 6 - 7 triệu/m2 mà các DN tại TP HCM đưa ra thì nếu có xây xong cũng chưa chắc bán được đúng đối tượng.
DN tính toán, thuê theo đơn giá dành cho người thu nhập thấp từ 15.000 đến 28.000 đồng/m2/tháng, giá thuê mua từ 18.000 đến 30.000 đồng/m2 đối với đô thị đặc biệt như TPHCM thì hàng tháng, người thuê cũng phải tốn trên một triệu đồng cho tiền nhà.
Còn mua nhà có giá 400 - 500 triệu đồng/căn, dù vay với lãi suất chỉ dưới 5 phần trăm/năm có thời hạn 15 - 20 năm thì người mua cũng đã trả trên hai triệu đồng/tháng. Với những người thu nhập thấp thì khoản trên vẫn quá lớn.
Sở Xây dựng TPHCM đánh giá nhu cầu nhà xã hội rất lớn nhưng giá thuê, mua lại quá cao với người thu nhập thấp. Đối tượng cần nhà nhiều như giáo viên tại TP HCM thì ở nhiều cấp lương chỉ 3 - 4 triệu/tháng/người, nếu một giáo viên dành được trên 50 phần trăm thu nhập/tháng để dành mua nhà thì nhà xã hội vẫn là giấc mơ.
Nếu muốn hạ giá thành xuống dưới 300 triệu đồng/căn chỉ còn cách về các huyện xa, tỉnh lân cận nhưng nếu xa quá, dân sẽ mua nhà riêng lẻ hoặc không về ở. Nếu DN xây nhà ở xã hội tại nơi đi lại khó khăn thì sẽ không ai mua như nhiều khu tái định cư của TP HCM hiện nay.
Nhiều DN tại TP HCM kiến nghị nên đẩy mạnh xây nhà xã hội cho thuê giá rẻ hơn là bán. Bên cạnh đó cần huy động các nguồn lực từ nhiều quỹ nhà ở, đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư phát triển cả trong và ngoài nước để xây nhà xã hội.
Huy động các DN, nhà dân có sẵn đất cùng vào cuộc, thu hồi bán đấu giá hàng trăm khu đất bị bỏ hoang để bổ sung quỹ đất, vốn cho nhà xã hội.
Chị Trần Thị Anh Thư (Giáo viên tiểu học Q. Bình Thạnh TP HCM) cho biết: “Chồng tôi làm ở quận ủy, cộng cả thu nhập của hai người được 5,8 triệu đồng tháng thì khó tích cóp đủ để mua nhà xã hội. Nghe nói, người thu nhập thấp chỉ được vay 70 phần trăm giá trị căn hộ, không biết lấy đâu ra 30 phần trăm còn lại để mua? Tôi thấy địa phương,cơ quan nói xây nhà xã hội bán cũng từ năm đến sáu năm nay rồi mà vẫn chưa thấy đồng nghiệp nào được mua”.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong