Nhà ở xã hội có lật ngược thế cờ?

Cập nhật 05/03/2013 08:59

Với làn sóng làm dự án nhà xã hội để tận dụng các ưu đãi của các doanh nghiệp, phân khúc này được dự báo sẽ bùng nổi trong thời gian tới. Liệu phân khúc nhà ở xã hội có giúp doanh nghiệp và thị trường bất động sản “lật ngược thế cờ”?


Phân khúc nhà ở xã hội được dự báo sẽ bùng nổ trong năm 2013
Với làn sóng làm dự án nhà xã hội để tận dụng các ưu đãi của các doanh nghiệp, phân khúc này được dự báo sẽ bùng nổi trong thời gian tới. Liệu phân khúc nhà ở xã hội có giúp doanh nghiệp và thị trường bất động sản “lật ngược thế cờ”?

Làn sóng làm nhà xã hội

Tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM, cũng là 2 thị trường bất động sản trọng điểm của cả nước, thời gian gần đây đang có làn sóng doanh nghiệp xin chuyển dự án nhà thương mại sang làm nhà ở xã hội. Tính đến nay, riêng khu vực phía Bắc đã có cả chục dự án xin chuyển sang làm nhà xã hội. Ngay cả dự án có nhiều “tai tiếng” như Tổ hợp chung cư AZ Thăng Long của Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long tại Lai Xá, Kim Chung, Hoài Đức (Hà Nội), hay nhiều dự án đã “xanh cỏ” nhiều năm và đứng trước nguy cơ bị thu hồi, cũng xin chuyển đổi sang thành dự án nhà ở xã hội.

Xu hướng doanh nghiệp chuyển dự án thương mại sang làm nhà ở xã hội khiến nhiều người liên tưởng đến sự bùng nổ của phân khúc này trong năm 2013, giống như sự bùng nổ của phân khúc nhà giá rẻ đã diễn ra ở nửa cuối năm 2012 đến nay. Xu hướng này cũng đã phá vỡ thế “độc quyền” của các “ông lớn” bất động sản như HUD hay Vinaconex, vốn coi làm nhà ở xã hội như một “nhiệm vụ chính trị” nhiều hơn là kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay, với các chính sách hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp xác định, chuyển đổi dự án sang làm nhà xã hội là một lối thoát cho mình và cho thị trường.

Theo ông Trương Chí Kiên, Phó tổng giám đốc CTCP Him Lam Thủ đô, do dự án nhà ở xã hội nhận được nhiều ưu đãi, nên sắp tới vẫn có nhiều doanh nghiệp xin chuyển toàn bộ hoặc một phần dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội. Đó chính là một lối thoát của doanh nghiệp, thậm chí với một số doanh nghiệp, đó cũng là cách duy nhất để dự án được tiếp tục triển khai trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Nhà ở xã hội sẽ làm “ấm” thị trường bất động sản?

Theo Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, thị trường bất động sản khó khăn, nhưng cơ cấu hàng hóa trên thị trường hiện nay không hợp lý. Sản phẩm nhà cao cấp, có diện tích lớn, giá thành cao vẫn chiếm đa số, trong khi nguồn cung về nhà ở xã hội, nhà diện tích nhỏ, phù hợp với đa số người dân có nhu cầu thực tại các đô thị lại rất hạn chế. Để khắc phục bất hợp lý này, Bộ đã gợi ý và có nhiều doanh nghiệp lớn đã hứa tham gia làm nhà ở xã hội, cùng với nhiều doanh nghiệp khác cũng đang được động viên tham gia. Đặc biệt, khi Nghị định về nhà ở xã hội được ban hành, nhà ở xã hội có thể sẽ trở thành sản phẩm chủ đạo của thị trường bất động sản tại các đô thị lớn.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản mới đây, ông Trần Kiên Cường, Tổng giám đốc CTCP Golden Gain Việt Nam (thành viên của Tập đoàn Hòa Phát) nhận định, phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới.

Đại diện một số doanh nghiệp bất động sản khác cũng cho rằng, phân khúc nhà ở xã hội và căn hộ phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân sẽ tăng mạnh nguồn cung trong năm nay. Đặc biệt, trong năm 2013, một số doanh nghiệp sẽ cho ra sản phẩn căn hộ có giá dưới 15 triệu đồng/m2 và diện tích dưới 70 m2 để tăng thanh khoản cho sản phẩm, do phân khúc này sẽ nhận được một số ưu đãi của Nhà nước.

Mặc dù nhiều nhận định cho rằng, thị trường bất động sản năm 2013 sẽ sáng sủa hơn 2012, nhưng theo đại diện các doanh nghiệp, thị trường chỉ có chuyển biến thực sự khi các chính sách gỡ khó cho bất động sản thực sự đi vào cuộc sống. Đó là khi các doanh nghiệp, người có nhu cầu mua nhà được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Chứng khoán