Xung đột về pháp luật chính là một trong những khó khăn của chương trình nhà ở xã hội
HĐND TP HCM ngày 10-11 đã tổ chức chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề Nhà ở xã hội: Cung và cầu. Ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết trong năm 2012-2013, sở đã trực tiếp xét duyệt 379 trường hợp xin mua nhà ở xã hội tại 3 quận 6, 10 và 12. TP HCM có khoảng 30.000 CB-CNVC đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng các giải pháp hiện nay mới giải quyết được 30% nhu cầu về nhà ở xã hội.
Vừa qua, Chính phủ đã mở rộng đối tượng tiếp cận nhà ở xã hội (theo Nghị định 34/2013 về quản lý, sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước). Vì thế, số lượng nhà ở xã hội cần phát triển sẽ tăng rất nhiều, chỉ riêng rà soát sơ bộ của ngành giáo dục đã lên đến 20.000 trường hợp.
Đại diện UBND quận 10 cho biết toàn quận hiện chỉ có 11 căn nhà ở xã hội nhưng đến… 1.100 trường hợp có nhu cầu thuê - thuê mua. Trong khi đó, chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang triển khai khá chậm.
Đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phản ánh dù vừa qua, các bộ, ngành đã có hướng dẫn nhưng nhiều địa phương vẫn chưa xác minh cho người dân theo đúng mẫu để tiến hành thủ tục vay vốn gói tín dụng 30.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các văn phòng công chứng cũng không chấp nhận công chứng hợp đồng mua bán tài sản hình thành trong tương lai. Vì vậy, BIDV kiến nghị Bộ Tư pháp sớm có văn bản hướng dẫn.
Một dự án nhà ở xã hội đang triển khai tại TP HCM Ảnh TẤN THẠNH
|
Theo ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP HCM, xung đột về pháp luật chính là một trong những khó khăn của chương trình nhà ở xã hội. Bởi lẽ, dù Bộ Tư pháp có chấp thuận việc công chứng mua - bán hình thành trong tương lai nhưng Luật Đất đai và Luật Dân sự chỉ cho phép giao dịch bất động sản khi đã có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản.
Ông Bảy cho biết để tháo gỡ tình trạng này, mới đây, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm đã có hướng dẫn về việc công chứng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng thay vì công chứng mua bán quyền sở hữu tài sản như hiện nay.
Về kiến nghị của một số cử tri cho rằng lãi suất 6% của gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng vẫn còn quá cao và đề nghị giảm xuống 3%, ông Nguyễn Đình Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, lý giải lãi suất ưu đãi của gói này được tính bằng 50% lãi suất Ngân hàng Nhà nước tính lại hằng năm (nhưng không được vượt quá 6%/năm).
Bên cạnh nhiệm vụ an sinh xã hội, Ngân hàng Nhà nước còn có nhiệm vụ quản lý, điều hành chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Vì thế, theo ông Cường, việc hạ thấp lãi suất thêm nữa là rất khó. Trong khi đó, việc kéo dài thời gian cho vay hơn 10 năm lại là điều không đáng lo bởi hiện nhiều ngân hàng thương mại vẫn cho vay 15 năm, thời gian cho vay tùy thuộc từng đơn vị.
Ông Huỳnh Văn Thanh, Trưởng Phòng Quản lý sử dụng đất Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM, cho biết sở đang rà soát về tình hình triển khai khoảng 100 khu đất thuộc sở hữu nhà nước được Ban Chỉ đạo sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước TP đã cho chuyển mục đích. Trong quý I/2014, sở sẽ tham mưu cho UBND TP một số khu đất dành để thực hiện dự án nhà ở xã hội bên cạnh việc bán đấu giá theo kế hoạch đã đề ra trước đó.
DiaOcOnline.vn - Theo NLD