Nhà ở xã hội – bước đột phá trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)

Cập nhật 29/10/2014 13:09

Cơ bản thể chế hóa được các chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)lần này được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là tạo bước đột phá trong các vấn đề cơ chế chính sách, mà cụ thể là lĩnh vực NOXH. Đây là một điểm sáng, góp phần tạo nền tảng cho thị trường nhà ở phát triển theo hướng bền vững, có quy hoạch và kế hoạch cụ thể.

Cơ bản thể chế hóa được các chủ trương chính sách của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)lần này được nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá là tạo bước đột phá trong các vấn đề cơ chế chính sách, mà cụ thể là lĩnh vực NOXH. Đây là một điểm sáng, góp phần tạo nền tảng cho thị trường nhà ở phát triển theo hướng bền vững, có quy hoạch và kế hoạch cụ thể.

Nhà ở xã hội tại khu đô thị Đặng Xá do VIGLACERA - Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư

Nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước

Với 10 nhóm đề xuất nhằm khắc phục những tồn tại bất cập thì dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành cả một chương về cơ chế chính sách cho phát triển nhà ở xã hội. Theo phân tích của các chuyên gia, trong Luật Nhà ở hiện hành chưa có quy định cụ thể về việc yêu cầu các địa phương phải lập chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là phải xác định rõ quỹ đất xây dựng nhà ở… Đây cũng là căn nguyên khiến cho tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, không theo quy hoạch, không có kế hoạch, làm lệch pha cung cầu. Thị trường thiếu phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp nhưng lại thừa nhà ở cao cấp.

Xuất phát từ thực tế này, trên cơ sở tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu, doanh nghiệp và người dân, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã cơ bản cụ thể hóa đầy đủ những quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển nhà ở. Cụ thể tại Điều 55, Chương IV về các cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội có quy định rõ: “2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có trách nhiệm quy hoạch khu vực riêng để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; 3. Đối với các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội mà không thuộc khu vực đầu tư xây dựng nhà ở xã hội riêng để cho thuê quy định tại khoản 2 Điều này thì chủ đầu tư phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê; 4. Phải quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng; có sự kiểm soát của Nhà nước về tiêu chuẩn diện tích, về giá bán, giá thuê, giá thuê mua, về việc xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua và quá trình quản lý, sử dụng nhà ở xã hội; 5. Chính phủ hướng dẫn cụ thể việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua quy định tại Mục này”.

Như vậy, Luật đã quy định rõ các cơ chế, chính sách và xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc phát triển nhà ở xã hội.

Đây sẽ là cơ sở nền tảng khiến cho các doanh nghiệp nếu trước kia chỉ chú trọng đến phát triển nhà ở thương mại thì nay đã quan tâm hơn đến nhà ở xã hội.

Tạo nền tảng cho doanh nghiệp mặn mà với NOXH

Thực tế, việc thiếu nguồn cung nhà ở xã hội thời gian qua cho thấy, Luật Nhà ở hiện hành chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để các doanh nghiệp mặn mà với đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và nhà cho thuê. Nên các đơn vị này chỉ lưu tâm đến việc đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để bán nhằm thu hồi vốn nhanh.

Do vậy, trong dự thảo sửa đổi lần này đã sửa đổi và có sự quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Luật đã quy định cụ thể hơn về các định chế tài chính tham gia hỗ trợ vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là hỗ trợ cho người thu nhập thấp, hộ nghèo vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội hoặc cho các doanh nghiệp vay để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội như quỹ phát triển nhà ở xã hội, quỹ tín thác bất động sản... Những thay đổi này sẽ góp phần cho việc huy động vốn trong việc phát triển nhà ở không còn gặp nhiều khó khăn như trước kia.

Trao đổi với PV Báo Xây dựng về những cơ chế, chính sách mới trong chương phát triển nhà ở xã hội của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, ĐBQH Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) cho biết: Trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, người dân và doanh nghiệp, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi lần này đã có những thay đổi mang tính chiến lược, mà cụ thể là các cơ chế chính sách về phát triển nhà ở xã hội. Những chính sách này nếu được áp dụng thực tế, chắc chắn sẽ có sức ảnh hưởng rất tốt đến thị trường cũng như người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là những người có khó khăn về nhà ở đã được quan tâm đúng mức.

Đại diện phía Ngân hàng thế giới cũng chia sẻ: Việt Nam làm NƠXH như hiện nay sẽ khắc phục được tình trạng khu nhà ổ chuột của những nước đang phát triển. Thực tế này cũng cho thấy, việc thực hiện NƠXH không những là nhân văn mà còn xây dựng đô thị phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế và thu nhập của người dân.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp Hội BĐS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng: Những chính sách mở về NOXH trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này sẽ góp phần tạo bước đệm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội. Từ đó nguồn cung về nhà ở của thị trường này sẽ ngày càng phong phú và hấp dẫn hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây dựng