Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, được xem như món quà mừng Ngày Quốc tế...
Việc Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, công nhân lao động tại các khu công nghiệp tập trung, được xem như món quà mừng Ngày Quốc tế Lao động 1.5 năm nay.
Trong đó, nguồn vốn xây dựng chương trình này được bổ sung từ trái phiếu Chính phủ và khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế theo phương thức xã hội hóa.
Hiện nay, cùng với sự phát triển mạnh của các khu chế xuất, khu công nghiệp đã và đang đặt ra vấn đề nan giải về nhà ở cho người lao động, đặc biệt là tại hai đô thị lớn nhất nước: Hà Nội và TP.HCM. Thực tế, chỉ có khoảng 20% tổng số công nhân lao động có chỗ ở ổn định, còn lại vẫn đang phải thuê chỗ ở tạm. Trong khi đó, phần lớn diện tích nhà ở cho công nhân, chẳng hạn như ở TP.HCM hiện nay đều do các hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng, thường có chất lượng kém, chật chội, không đảm bảo an toàn vệ sinh và phòng cháy chữa cháy, không bảo đảm điều kiện sống (chiếm tỷ lệ 71,5%).
Tại buổi giám sát về nhà ở cho công nhân tại TP.HCM vào cuối tháng 4 vừa qua, một số đại biểu HĐND TP, tỏ ra băn khoăn: Với diện tích trung bình chỉ có 2,9m2/người, liệu có đủ điều kiện cho những sinh hoạt tối thiểu và có ổn khi để công nhân sống trong những xóm, dãy nhà trọ với điều kiện sống về môi trường chưa thật sự tốt, an ninh trật tự còn kém… Điều đáng nói, dù lãnh đạo TP.HCM nhiều năm qua đã chỉ đạo các ngành, các cấp, đồng thời kêu gọi xã hội hóa việc chăm lo nhà ở cho công nhân, nhưng đến nay, nhiều dự án vẫn còn trên giấy! Số lượng các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì sao?
Ông Phạm Xuân Bình, Phó tổng giám đốc Công ty phát triển KCN Tân Thuận, thẳng thắn: Đầu tư xây nhà ở cho công nhân thì doanh nghiệp không biết lúc nào mới hoàn vốn được! Mặt khác, do tình hình quỹ đất, một số chính quyền địa phương cũng không mặn mà với nhà ở cho công nhân.
Để giải quyết những vướng mắc trên, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khi thực hiện các dự án này. Cụ thể, chủ đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất trong phạm vi dự án (trường hợp đã có quyền sử dụng đất thì được hoàn trả); được phép điều chỉnh mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất 1,5 lần so với Quy chuẩn quy hoạch xây dựng để góp phần giảm giá thành; được ưu đãi về các loại thuế: được áp dụng thuế suất VAT bằng 0% đối với các hợp đồng thuê và hợp đồng bán nhà giá thấp; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động. Các doanh nghiệp tự xây nhà ở cho công nhân thì chi phí nhà ở được tính là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp...
Chừng đó cũng chưa đủ. Người lao động đang cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn nữa từ các bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương, thậm chí có biện pháp chế tài để những dự án nhà ở cho công nhân sớm được hình thành, giúp người lao động “an cư, lạc nghiệp”.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên