Nhà ở công nhân: Giấc mơ an cư xa vời

Cập nhật 27/06/2014 10:02

Ưu đãi phát triển nhà ở công nhân còn thiếu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư loại hình này. Trong khi đó, nhiều nơi nhà ở công nhân đang xuống cấp khiến giấc mơ an cư của công nhân ngày càng xa vời.

Ưu đãi phát triển nhà ở công nhân còn thiếu khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư loại hình này. Trong khi đó, nhiều nơi nhà ở công nhân đang xuống cấp khiến giấc mơ an cư của công nhân ngày càng xa vời.

Chung cư công nhân duy nhất tại KCN Hà Nội (Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) sau 7 năm đi vào hoạt động đang xuống cấp

Không bảo trì

Nhà ở công nhân tại xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) được đưa vào sử dụng thí điểm từ năm 2007, nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Chị Ngọc Thúy, công nhân sống tại tòa A4 cho biết, mỗi lần mưa, nước lại thấm vào tường khiến mốc xanh. Vào mùa nồm, tường bong tróc từng mảng rơi xuống nền nhà.

“Nhìn bề ngoài chung cư sạch sẽ, nhưng bên trong cũ nát. Chúng tôi không dám nấu nướng vì sợ mất vệ sinh. Hệ thống thoát nước thải kém khiến nước thải sinh hoạt tràn ra ngoài đường. Từ lúc về ở trọ tôi chưa thấy một đơn vị nào đứng ra bảo dưỡng tòa nhà”, chị Thúy nói.

Không chỉ xuống cấp, các tòa nhà thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước. “Công nhân đi làm về cùng một ca và tập trung tắm giặt một thời điểm khiến tình trạng thiếu nước thường xuyên xảy ra. Đi làm tăng ca về rất mệt mỏi, đợi đến lượt mình tắm, hết nước. Cứ nghĩ ở trong chung cư sẽ sướng, ai ngờ còn khổ hơn thuê trọ bên ngoài”, chị Đinh Bích Loan, tòa A5 chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Luyện, quản lý, giám sát công nhân tòa nhà N01 (do Cty Canon thuê) cho biết, các đơn vị sử dụng lao động có ý kiến không tiếp tục thuê vì nhà không đảm bảo các điều kiện ăn, ở của người công nhân.

“Công nhân vừa vất vả đi làm, tối về phải lau chùi dọn dẹp do nước chảy hành lang hôi hám. Họ rất mệt mỏi khi ở một nơi như vậy, làm sao làm việc tốt được. Nhiều công nhân xin ra khỏi khu chung cư chờ đơn vị xây dựng khắc phục”, chị Luyện nói.

Đặc biệt, 6 đơn nguyên nhà lô No.01 vừa tiếp nhận bàn giao từ Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Hà Nội (Hancic), nhưng đã có dấu hiệu hư hỏng.

“Chúng tôi báo cáo tới chủ đầu tư về tình trạng của tòa nhà và chờ phía chủ đầu tư cho người xuống sửa chữa. Nếu họ không sớm khắc phục, ngày càng có nhiều công nhân rời bỏ tòa nhà”, ông Vũ Việt Hòa, phó Phòng kế hoạch của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà ở xã hội nói.

Chậm triển khai

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng về nhà ở công nhân, nhu cầu về nhà ở công nhân trên địa bàn Hà Nội rất lớn và bức thiết. Việc xây dựng nhà ở công nhân Khu công nghiệp (KCN) của TP Hà Nội đang ở giai đoạn thí điểm, mới đáp ứng được gần 5% nhu cầu.

Tại TP Hà Nội với nhiều KCN tập trung lớn, nhưng chỉ duy nhất 1 khu nhà ở cho công nhân được đưa vào sử dụng tại Kim Chung, Đông Anh. Trong khi đó, Hà Nội hiện có 18 KCN, trong đó có 8 KCN tập trung đang hoạt động với 200.000 công nhân.

Lý giải việc chậm triển khai nhà ở công nhân tại các KCN, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera cho rằng: Quy mô và vốn đầu tư khu nhà ở công nhân lớn, khả năng thu hồi vốn chậm, hiệu quả đầu tư thấp; việc tiếp cận vốn vay ngân hàng khó khăn nên rất ít doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng. “Chúng tôi làm dự án 700 căn hộ tại KCN trên Bắc Ninh, nhưng số vốn ưu đãi vay 6%/năm chỉ khoảng 4 -5 tỷ đồng; quá ít so với tổng số vốn bỏ ra. Nếu không có vốn ưu đãi thì các dự án nhà ở công nhân khó phát triển”, ông Tuấn nói.

Ông Phạm Văn Khánh - Vụ trưởng Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết: “Để giải bài toán nhà ở cho công nhân cần thiết phải có chính sách quy định về việc hình thành nguồn vốn hoặc quỹ phát triển nhà ở; quỹ hỗ trợ thuê nhà ở cho doanh nghiệp tham gia xây dựng cho công nhân.

Nên xem xét việc giao trách nhiệm cho ngân hàng chính sách xã hội hoặc một số ngân hàng thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước nhiệm vụ cho vay để xây dựng nhà ở cho công nhân. Bởi vì vay vốn để phát triển loại nhà ở này rất khó khăn”.

Theo số liệu thống kê của Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 1,6 triệu lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Tuy nhiên, chỉ 20% công nhân có chỗ ở ổn định; 80% đang phải đi thuê nhà trong điều kiện ăn ở tồi tệ.


DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong