Nhà ở cho người có thu nhập thấp: Chưa như kỳ vọng

Cập nhật 02/02/2010 08:45

Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp lại được quan tâm và nhắc nhiều tới như hiện nay. Mặc dù lợi nhuận không nhiều, vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư lâu nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp...

Có thể nói, chưa bao giờ, vấn đề đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp lại được quan tâm và nhắc nhiều tới như hiện nay. Mặc dù lợi nhuận không nhiều, vốn đầu tư lớn, thời gian đầu tư lâu nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp muốn thử sức trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề chưa được giải quyết.


Chất lượng xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp vẫn là tiêu chí được nhiều người quan tâm

Doanh nghiệp thăm dò

Theo số liệu thống kê của cục Quản lý nhà và Trung tâm BĐS, Bộ Xây dựng, trên cả nước hiện có 194 khu công nghiệp với 1 triệu lao động trực tiếp và 1,2-1,5 triệu lao động gián tiếp; có gần 400 trường đại học, cao đẳng và trên 300 trường trung học dạy nghề đào tạo khoảng 3 triệu sinh viên.

Ngoài ra, tại khu vực đô thị còn có khoảng 600 – 700 ngàn cán bộ, công chức và các đối tượng khác có thu nhập thấp. Đấy là chưa kể con số này sẽ tăng lên rất nhiều vào năm 2010 và các năm tiếp theo. Như vậy vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp đang ngày càng trở nên cấp bách.

Tuy nhiên vấn đề chỉ được nhìn nhận một cách nghiêm túc và thật sự mang tính nhân văn mới chỉ bắt đầu từ 1-2 năm trở lại đây. Phát biểu tại hội thảo “ Chính sách nhà ở xã hội và nhà ở cho người có thu nhập thấp – 1 năm nhìn lại” do Hiệp hội bất động sản Việt Nam và dothi.net – Archi Media vừa tổ chức tại Hà Nội, thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết: từ năm 2008 trở về trước, vấn đề xây nhà cho người có thu nhập thấp chưa bao giờ được đả động đến có chăng chỉ là vấn đề phát triển và xây nhà thương mại.

Năm 2005, vấn đề xây nhà cho thuê và thuê mua đã được xới lên nhưng rồi vì một lý do nào đó cũng bị rơi vào “quên lãng”. Và đến năm 2009, vấn đề này đã được bày ra và xem xét một cách nghiêm túc, trở thành Nghị quyết của Chính phủ mục tiêu đến năm 2015 phải đảm bảo được 60% chỗ ở cho sinh viên và 50% chỗ ở cho người lao động tại các khu công nghiệp.

Sau khi chương trình được phát động sâu rộng, đã có 264 dự án nhà ở công nhân đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 59.245 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 5.455 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 53.790 tỷ đồng; có 263 dự án nhà ở thu nhập thấp đăng ký triển khai, tổng mức đầu tư khoảng 72.710 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của địa phương khoảng 2.958 tỷ đồng, vốn huy động từ các thành phần kinh tế khoảng 69.752 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 1 năm triển khai thực hiện, cả nước mới chỉ có 24 dự án nhà ở cho công nhân được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000m2, 31 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp được khởi công với tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng, tổng diện tích sàn là 655.000 m2, tương ứng khoảng 7.500 căn hộ.

Điều này cho thấy mặc dù nhận thức của xã hội đã có sự thay đổi nhưng vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp đang được cả nhà quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng xem xét một cách thận trọng.

Quản lý chưa theo kịp

Lý giải một phần vì sao số dự án chậm triển khai như vậy, thứ trưởng Nam cho rằng rất cần thời gian để mọi người, đặc biệt là các doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ vấn đề mang tính xã hội nhân văn này vì thực tế, việc kinh doanh nhà cho người có thu nhấp thấp mặc dù lãi ít, thời gian đầu tư lâu, vốn nhiều nhưng đổi lại doanh nghiệp sẽ có được thương hiệu và uy tín lâu dài trên thị trường.

Tuy nhiên, thứ trưởng cũng thừa nhận, cơ chế chính sách được ban hành cũng chưa thật sự khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Cụ thể, việc đưa ra định mức lợi nhuận 10% đối với các doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư số 15/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 đang tỏ ra bất cập so với thực tiễn vì cứ theo cách tính này, doanh nghiệp nào làm ăn nghiêm túc, hạ được giá thành sản phẩm thì lợi nhuận lại thấp hơn so với doanh nghiệp lười hơn, kéo dài thời gian thi công, chi phí giá thành cao. “Quy định này sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới” – thứ trưởng khẳng định.

Nhưng đứng về khía cạnh của doanh nghiệp, đại diện của công ty Cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp lại không đồng tình với Thứ trưởng. Theo vị đại diện này, nhiệt tình của doanh nghiệp có thừa, bằng chứng là số doanh nghiệp đăng ký tham gia thời gian qua khá đông trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi triển khai vào thực tế có rất nhiều vướng mắc nảy sinh. Cụ thể, công ty Cổ phần tài chính và phát triển doanh nghiệp có đăng ký 4 dự án xây nhà cho người có thu nhập thấp tại Thái Bình.

Đến nay, 1 dự án đã xây dựng xong và tiến hành bán cho người dân. Việc bán nhà rất khó khăn và chật vật, mới chỉ bán được khoảng 50%, còn lại rất ế ẩm. Khách hàng đến xem rồi về mà không thấy quay lại. Công ty cũng đã đưa ra nhiều phương thức như phối hợp với ngân hàng hỗ trợ vốn mua trả góp tới 40% nhà, rồi chia nhỏ căn hộ cho phù hợp với khả năng chi trả của đối tượng khách hàng nhưng ế vẫn hoàn ế. Lý giải điều này, vị đại diện cho rằng một phận do tập quán tiêu dùng ở địa phương nhưng mặt khác vẫn cần phải có thêm chương trình hỗ trợ, giúp đỡ doanh nghiệp.

Tuy nhiên, đứng ở khía cạnh khách quan hơn của nhà nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng ĐH Xây dựng Hà Nội, Uỷ viên đoàn Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam lại cho rằng, cái vướng và khó triển khai của chủ trương đó chính ở khái niệm “nhà cho người có thu nhập thấp”.

Theo ông Hùng, với đơn giá 8-10 triệu đồng/m2 là nhà có chất lượng khá tốt. Nhưng trong thiết kế và đầu tư xây dựng, chủ đầu tư (doanh nghiệp) không thật sự đầu tư cho loại nhà này, mới chỉ xây cho xong mà không tính đến quyền lợi lâu dài của người sử dụng như để các hộp chờ kỹ thuật, khả năng cải tạo khi cuộc sống phát triển, chất lượng công trình. “Đừng nghĩ rằng đây sẽ mãi là chung cư cho người thu nhập thấp mà phải tính đến lúc họ có thu nhập trung bình, khá hơn” – ông Hùng chia sẻ.

Và điểm mấu chốt cần phải giải quyết của vấn đề nhà ở cho người có thu nhập thấp đó chính là tính minh bạch (giá cả, thủ tục, đấu thầu công khai…). Theo ông Hùng, việc tính chi phí hợp lý rất khó khăn thì việc đưa ra cách tính lợi nhuận 10% liệu có hợp lý… “Cơ sở gì để lấy mức lợi nhuận 10%? Doanh nghiệp có thể đội giá lên để tính lãi. Tôi cho rằng, cần đấu thầu dự án và đấu thầu cả giá bán ra. Đấu thầu mới minh bạch” – ông Hùng nói.

Thay cho lời kết

Như vậy, vấn đề xây nhà cho người có thu nhập thấp mới triển khai được một năm mà đã nảy sinh rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Vấn đề về giá, về chất lượng, đặc biệt là cơ chế để làm sao khuyến khích được doanh nghiệp tích cực tham gia chủ trương lớn của Chính phủ, tạo ra được sản phẩm tốt đáp ứng được nhu cầu của thị trường đang đặt ra cấp bách. Cũng đã có ý kiến cho rằng nên hỗ trợ trực tiếp cho người dân, nhưng do giá cả vùng miền có khác nhau nên việc hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ bao nhiêu cho công bằng cũng đang làm đau đầu các nhà quản lý và tỏ ra không khả thi.

Do vậy, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam khẳng định rằng việc hỗ trợ cho doanh nghiệp là đúng đắn và hiệu quả nhất vì đó là đầu ra, là giải pháp cân bằng thị trường. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát của các bên liên quan đối với việc xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp để làm sao sản phẩm đến được tay người tiêu dùng đúng với tinh thần nhân văn cao cả mà nghị quyết đặt ra.

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp