Rất nhiều người đã từng nói, chỉ cần đi khỏi TPHCM khoảng 1 tháng, khi trở về đã thấy thành phố có nhiều cái mới: nhà mới, đường mới, xe mới… Thế nhưng, cũng chính những người này...
Rất nhiều người đã từng nói, chỉ cần đi khỏi TPHCM khoảng 1 tháng, khi trở về đã thấy thành phố có nhiều cái mới: nhà mới, đường mới, xe mới… Thế nhưng, cũng chính những người này thừa nhận: thành phố vẫn chưa đẹp.
Mạnh ai... nấy đẹp
Những công trình xây dựng trên đường Nguyễn Văn Trỗi-Nam Kỳ Khởi Nghĩa là một điển hình của tình trạng này. Trục đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - trục đường quan trọng của thành phố, nối trung tâm thành phố với sân bay Tân Sơn Nhất vừa mới được mở rộng to đẹp.
Thành phố cũng đã yêu cầu xây dựng quy chuẩn kiến trúc cho các công trình xây dựng, song… cũng chẳng đẹp. Nhà ở đây to, nhỏ, cao, thấp với hàng trăm màu sắc khác nhau, tạo thành một bức tranh… “hổ lốn” thật khó coi.
Các công trình mới xây dựng trên đường Trường Chinh (đoạn vừa được mở rộng cách nay vài năm) cũng không khác hơn. Đây là cửa ngõ phía Tây của thành phố, nối với trục đường Xuyên Á đi Tây Ninh qua nước bạn Campuchia, song kiến trúc ở đây cũng khá tạp nham. Có rất nhiều nhà mới và công trình kiến trúc khác mọc lên sau khi đường được mở rộng, song nhìn chung vẫn cảm giác nơi đây thiếu sự chăm chút của bàn tay kiến trúc sư. Người dân mạnh ai nấy xây nhà theo ý thích của mình.
Điều này cũng dễ hiểu bởi người dân nói riêng và toàn thành phố nói chung, xây nhà theo giấy phép xây dựng, mà trong giấy phép xây dựng cơ bản chỉ có một số thông số về quy hoạch như tầng cao, khoảng lùi, mật độ xây dựng… Các tiêu chuẩn này chưa đủ để tạo nên một không gian đẹp chung cho cả khu vực.
Khu Nam Sài Gòn có khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng đẹp, vừa mới được Bộ Xây dựng chọn làm đô thị kiểu mẫu, nhưng nhìn chung cả khu Nam cũng không đẹp. Bên cạnh Phú Mỹ Hưng, rất nhiều khu dân cư mới của nhiều nhà đầu tư mọc lên chẳng theo một nguyên tắc nào.
Từng ngôi nhà ở vùng đất phương Nam này của thành phố không phải không đẹp. Chúng rất đẹp nếu chỉ xét từng tòa nhà. Tuy nhiên, đứng chung lại với nhau, chúng không tạo nên một không gian đẹp.
TPHCM được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều bờ sông ở các quận Thủ Đức, Bình Thạnh… có cảnh quan rất đẹp. Tuy nhiên, trên một phông nền tuyệt đẹp ấy, TPHCM hầu như chưa vẽ được một công trình kiến trúc nào tầm cỡ. Những ngôi biệt thự ven sông Sài Gòn khu vực gần cầu Sài Gòn thật tẻ nhạt và lộn xộn. Nhiều kiến trúc sư thuộc Hội Kiến trúc sư TPHCM đã không khỏi ngậm ngùi tiếc cho khung cảnh ấy.
Cần thêm các quy định về xây dựng
Ông Trần Chí Dũng, Quyền Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, cho rằng, phải có thêm các quy định về thiết kế đô thị, quy chế quản lý đô thị... và triển khai thật tốt công tác quản lý xây dựng sau quy hoạch thì thành phố mới đẹp lên được.
Theo ông Dũng, hiện nay trong nhiều đồ án quy hoạch các khu đô thị mới đã có thiết kế đô thị, khống chế không gian kiến trúc, nhưng công tác quản lý sau quy hoạch chưa chuẩn nên thành phố vẫn còn nhiều khu đô thị mới chưa đẹp.
Ở nhiều nước trên thế giới, sau khi hoàn thành đồ án quy hoạch và các quy định về thiết kế đô thị ở một khu vực nào đó…, người ta sẽ giao cho một kiến trúc sư trưởng tập trung quản lý việc thực hiện quy hoạch này. Kiến trúc sư trưởng sẽ phải quan tâm đến việc xây dựng của từng ngôi nhà, vườn cây, cột đèn… đúng quy định và hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Tại TPHCM, việc quản lý xây dựng sau quy hoạch lại được giao cho các quận, huyện. Lực lượng quản lý đô thị các quận, huyện phần vì thiếu người, phần cũng chưa đủ tầm để quản lý, nên chưa thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ở các khu đô thị cũ, việc thiếu các quy định cụ thể về kiến trúc cũng đã làm chúng tuy được cải tạo và xây dựng mới nhiều, nhưng không thể đẹp lên được.
Hiện nay, để quản lý kiến trúc tại các đô thị hiện hữu mới, chỉ có Quyết định 135 về kiến trúc nhà liên kế, quy định về quy hoạch hẻm và về xây dựng tại một số ô phố quan trọng ở khu vực trung tâm thành phố…
Giống như giấy phép xây dựng, tất cả chúng mới chỉ dừng ở những quy định cơ bản như tầng cao, mật độ sử dụng đất…, chưa thật chi tiết đến kiểu dáng, kiến trúc… của công trình. Những chỉ tiêu cơ bản này mới chỉ tạo ra hình khối chung của không gian, chưa đi vào đường nét, màu sắc… nên chúng chưa thể làm cho TPHCM đẹp hơn.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Khuê, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Tân Phú, cũng cho rằng cần có thêm các quy định cụ thể hơn nữa trong việc quản lý xây dựng đô thị thì TPHCM mới dần đẹp lên.
Theo bà Khuê, trước mắt nên đưa cốt xây dựng khống chế ra thực địa để thống nhất quản lý xây dựng trên toàn địa bàn thành phố. Kế đó phải đưa tim đường trong các đồ án quy hoạch xây dựng giao thông vào bản đồ xây dựng để người dân có đủ thông tin xây dựng khi cần. Đây là hai thông số xây dựng rất quan trọng, có vai trò quyết định trong việc hình thành nên những đô thị đẹp.
Trong khả năng của mình, quận Tân Phú đang thực hiện quy chế kiến trúc cho các công trình xây dựng trên đường Lũy Bán Bích - đường trung tâm của Tân Phú - như là một nỗ lực góp phần làm đẹp TPHCM.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng