Nhà lưu trú ở TP.HCM: Như muối bỏ biển

Cập nhật 15/06/2010 11:40

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến nay, tổng diện tích sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân là 1.307.600m², đáp ứng 432.230 chỗ ở. So với chỉ tiêu mà TP xác định trong Chương trình nhà ở giai đoạn 2006 - 2010...

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tính đến nay, tổng diện tích sàn xây dựng nhà lưu trú công nhân là 1.307.600m², đáp ứng 432.230 chỗ ở. So với chỉ tiêu mà TP xác định trong Chương trình nhà ở giai đoạn 2006 - 2010 thì việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân đã về đích trước 1 năm và vượt 31% (chỉ tiêu 1 triệu m2 vào năm 2010).


Hiện các KCX - KCN ở TP.HCM chỉ mới đáp ứng 6.000 chỗ ở, chiếm 3% nhu cầu nhà ở của công nhân.

Đáng lưu ý, trong tổng số diện tích sàn xây dựng nói trên, Nhà nước và các DN đầu tư xây dựng gần 32%; còn lại là do các hộ gia đình và cá nhân đầu tư xây dựng.

Thiếu nhà trọ chuẩn


Tuy nhiên, cũng theo Sở Xây dựng, trong tổng số nhà trọ do hộ gia đình, cá nhân xây dựng chỉ có 28,5% nhà trọ cơ bản đạt chất lượng theo quy định và đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; 71,5% nhà trọ còn lại vẫn tồn tại một số vấn đề như chưa thông thoáng, chưa đảm bảo PCCC, điều kiện vệ sinh kém…, cần có lộ trình và giải pháp để cải tạo, nâng cấp các nhà trọ này.

Hiện nay, trên địa bàn TP có 37.165 DN với 892.960 công nhân đang làm việc; trong đó có khoảng 250.000 công nhân đang làm việc trong KCX - KCN, 70% số này đến từ các tỉnh. Theo tính toán hiện nay khoảng 50% (tương đương 446.480) công nhân có nhu cầu thuê nhà. Nhu cầu về nhà ở là rất lớn trong khi đó hầu hết các KCN đều thiếu nhà cho công nhân. Hiện các KCX - KCN ở TP.HCM chỉ mới đáp ứng 6.000 chỗ ở, chiếm 3% nhu cầu nhà ở của công nhân KCX - KCN. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: Vì thiếu nhà lưu trú nên hiện nay giải quyết nhà ở cho công nhân lại là những người dân. Tuy nhiên, hiện thực cho thấy nhà trọ do hộ dân xây dựng chưa đảm bảo chất lượng, thiếu cơ sở vật chất.

Theo báo cáo Sở Xây dựng (sau 3 năm thực hiện Quyết định 75/2006/QĐ-UBND ngày 17/5/2006 của UBND TP.HCM ban hành Quy chế quản lý nhà cho công nhân, người lao động thuê để ở trên địa bàn TP) khoảng 94,2% nhà trọ cho công nhân thuê hiện nay là do cá nhân hộ dân tự xây dựng, tập trung ở các quận 5, 6, 8, 11, Tân Phú, Hóc Môn, Bình Thạnh, Thủ Đức, Gò Vấp. Trong đó, khoảng 60% nhà trọ không có giấy tờ hợp lệ hoặc chưa xin phép xây dựng; hơn 70% nhà trọ không đảm bảo về PCCC và hơn 78% nhà trọ không đảm bảo tiện nghi sử dụng như: quạt, tủ, giường… Mặt khác, phần lớn chủ nhà trọ cũng là người lao động, tự ngăn phòng cho thuê để cải thiện thu nhập nên không đủ khả năng tài chính để cải tạo, sửa chữa nhà cho thuê để đảm bảo các tiêu chí theo quy định.

Nhiệm vụ bất khả thi

Theo bà Lê Thị Anh, cán bộ phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng), hầu hết các KCX - KCN đều thiếu chỗ ở cho công nhân nên phần đông thuê nhà trọ của các hộ gia đình, cá nhân xây dựng nên cơ sở hạ tầng chưa đảm bả điều kiện vệ sinh kém, thiếu thiết bị PCCC… Việc xây nhà lưu trú cho công nhân cũng đã được giải quyết dần trong nhiều năm, tuy nhiên, vì quỹ đất còn đang khó khăn, giá đất đắt đỏ, tiền bồi thường GPMB lớn, chưa kể nguồn vốn xây dựng nhà cũng khá lớn, lâu thu hồi vốn nên DN còn e dè. DN nào bắt tay xây nhà cho công nhân cũng gặp nhiều vướng mắc. Bà Nguyễn Hữu Phương Chi - Giám đốc Kế hoạch Đầu tư KCN Vĩnh Lộc cho biết: “Chúng tôi đang đầu tư xây 3 cao ốc cho công nhân thuê rộng hơn 12.000m2, phục vụ 3.500 công nhân, có cả nhà trẻ. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 166 tỷ đồng. Mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi vay với số vốn vay 100% nhưng chỉ cho thời hạn 8 năm. Với thời gian vay như vậy thì chúng tôi không thể thu hồi vốn. Nhà nước cần hỗ trợ ít nhất phải từ 15 năm trở lên”.

TP.HCM phấn đấu đến năm 2015 sẽ đáp ứng 50% nhu cầu chỗ ở của công nhân làm việc tại các KCX - KCN có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Để thực hiện được các chỉ tiêu này, Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND TP có chính sách khen thưởng đối với DN và cá nhân đầu tư xây dựng khu lưu trú công nhân; đặc biệt là xây dựng với quy mô lớn (trên 100 phòng đối với DN xây dựng và 50 phòng đối với cá nhân xây dựng). Đối với các khu đất chưa phù hợp quy hoạch, Sở kiến nghị UBND TP cho phép xây dựng nhà tạm nhưng chủ nhà trọ phải cam kết xây nhà đảm bảo tiêu chuẩn theo Quyết định 75 của UBND TP.HCM ban hành và tự nguyện tháo dỡ khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng