TP Hồ Chí Minh có số lượng các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) lớn nhất nước, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn lao động từ các tỉnh, thành khác. Thế nhưng chỉ có...
TP Hồ Chí Minh có số lượng các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) lớn nhất nước, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, hàng trăm nghìn lao động từ các tỉnh, thành khác. Thế nhưng chỉ có 56 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân - một tỷ lệ rất thấp.
Nơi lưu trú: thiếu và thừa
Theo thống kê của Sở Xây dựng, hiện thành phố có 37.165 doanh nghiệp với 892.960 công nhân, trong đó có đến 625.072 công nhân ngoại tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có 56 doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân với diện tích 72.837m2, đáp ứng khoảng 16.000 chỗ ở, chiếm một tỷ lệ rất thấp (5,6%). Như vậy, hiện có đến gần 95% công nhân đang phải ở trong các khu nhà trọ của dân sở tại. Nếu chiếu theo diện tích và số lượng công nhân trong các nhà trọ này thì trung bình mỗi người chỉ ở được 2,9m2, thấp hơn rất nhiều so với quy định của thành phố là 4m2/người.
Nhiều nơi, chỗ ở chỉ đủ kê 1chiếc giường nằm, không có chỗ để đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ giải trí. Đời sống của công nhân đã thiếu thốn về vật chất, lại thêm thiếu thốn tinh thần. Do vậy, việc thành phố đưa ra chủ trương xã hội hóa nhà ở cho công nhân là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên một chế tài và quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với những hộ gia đình, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cũng cần thiết không kém.
Thiếu nhà lưu trú nhưng có một nghịch lý là một số nơi xây dựng nhà lưu trú nhưng lại không thu hút được công nhân vào ở vì nhiều lý do khác nhau. Những khu nhà lưu trú cho công nhân do nhà nước xây dựng thường quy định, giờ giấc sinh hoạt, vui chơi giải trí không phù hợp với đặc thù của công nhân xa nhà. Ngoài ra, còn có một thực tế khác khiến công nhân ngại vào ở các khu nhà lưu trú là chi phí quá cao. Tại KCX Tân Thuận, Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận đầu tư xây dựng khu nhà lưu trú cho công nhân nhưng lại sử dụng chung nguồn điện, nước với KCX nên buộc các công nhân sinh sống ở đây phải trả tiền điện, nước theo giá kinh doanh khiến nhiều người không kham nổi, đành phải ra ngoài thuê trọ.
Nhà đầu tư không "mặn mà"
Xây dựng nhà lưu trú cho công nhân là một trong những chương trình lớn của thành phố, nhưng các nhà đầu tư vẫn không mấy mặn mà bởi đầu tư xây dựng nhà lưu trú rất khó thu hồi vốn. Ông Phạm Xuân Bình - Phó tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận cho rằng, đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân là trách nhiệm với xã hội, với thành phố. Do vậy, các khu KCX, KCN đóng trên địa bàn quận, huyện nào thì địa phương đó phải cung cấp quỹ đất, còn doanh nghiệp phải có trách nhiệm bỏ vốn để đầu tư xây dựng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sở dĩ các doanh nghiệp chưa quan tâm đến điều này còn có một phần do khi quy hoạch các KCN, KCX không dành quỹ đất để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Về điều này, ông Nguyễn Tấn Bền - Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, sau khi thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, UBND thành phố đã yêu cầu các KCX, KCN khi thành lập phải phối hợp với quận, huyện để dành đất xây dựng nhà lưu trú. Với những KCX, KCN đang hoạt động nhưng còn đất phải lập tức xây nhà lưu trú cho công nhân.
Giai đoạn 2009-2015, thành phố đã điều chỉnh quy hoạch địa điểm xây dựng gần KCX, KCN hiện hữu như: phía Tây Bắc (KCN Tây Bắc, Hòa Phú, Tân Phú Trung…), Đông Bắc ( KCX Linh Trung, Phú Hữu, khu công nghệ cao…), khu Nam (KCX Tân Thuận, Hiệp Phước…) dành khoảng 40ha để xây dựng. Có thể nói những chủ trương trên của thành phố là cơ hội để công nhân có được một nơi ở bảo đảm, phù hợp khả năng, góp phần làm việc hiệu quả để đóng góp nhiều hơn cho doanh nghiệp và thành phố.
DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội Mới