Nhà hẻm giá rẻ "nóng" trở lại

Cập nhật 16/03/2022 14:15

Bỏ ra một vài tỉ đồng săn nhà cũ, nát rồi tân trang bán lại, nhà đầu tư có thể bỏ túi 300-400 triệu đồng/căn

Bỏ ra một vài tỉ đồng săn nhà cũ, nát rồi tân trang bán lại, nhà đầu tư có thể bỏ túi 300-400 triệu đồng/căn

Những căn nhà trong hẻm được người mua tân trang rồi bán lại để kiếm lời

Trao đổi với chị Ngọc Dung - một người môi giới lâu năm nhà phố, hẻm vừa túi tiền ở khu vực Bình Tân, Tân Phú, Bình Chánh... - chị cho biết suốt 2 năm đại dịch, thị trường nhà phố ở TP HCM khá ảm đạm, thời gian gần đây đã nhộn nhịp hơn do người dân đẩy mạnh các hoạt động làm ăn, kinh doanh.

Đặc biệt, ngày càng có nhiều người đi săn tìm những căn nhà cũ, nát ở trong hẻm rồi tân trang và bán lại đã khiến giá nhà ở phân khúc này tăng từ 3%-10% tùy theo vị trí, tuyến hẻm. Theo chị Dung, lý do tăng giá ngoài nhu cầu tăng còn do cơ quan chức năng làm chặt, chủ nhà phải khai đúng giá tính thuế nên phải bán giá cao hơn để bù vào tiền thuế.

Là một người chuyên đầu tư, mua bán bất động sản thuộc phân khúc nhà phố, nhà xưởng và đất nền vùng ven lâu nay, chị Thanh Hồng (nhà ở quận 1) cho biết trong giai đoạn đại dịch nhìn thấy nhiều nhà hẻm rao bán, giá khá tốt chị đã nghĩ tới việc đầu tư thêm phân khúc này.

Ngay khi TP HCM dỡ phong tỏa, chị đã bắt tay vào tìm mua nhà, đến nay chị đã "gom" được vài căn trong hẻm ở quận Gò Vấp, Bình Tân, quận 4, quận 7... và đang cho tân trang để bán lại với giá dao động từ 2,5 - 4,5 tỉ đồng/căn, tùy theo diện tích và tuyến hẻm.

Theo chị Hồng, phân khúc nhà phố vừa túi tiền ở TP HCM chưa bao giờ hết "hot" bởi nhu cầu với phân khúc này rất lớn vì đa số người dân đều thích mua nhà phố hơn ở căn hộ chung cư. Một lý do khác mà nhà phố, nhà trong hẻm được tìm mua nhiều trong thời gian này là vì giá nhà chung cư đã tăng khá mạnh 2 năm qua, mức tăng phổ biến từ 20%-30%, thậm chí nhiều chung cư mới tăng đến 60%-70% trong khi nhà phố vừa túi tiền chỉ tăng 10%-15%.

Anh Thông - một người chuyên mua nhà cũ, nhà nát để tân trang ở khu vực quận 4, quận 7 - cho biết anh đang rao bán căn nhà hẻm Đoàn Văn Bơ (quận 4) diện tích 4x12 m2, một trệt một lầu với giá 3,4 tỉ đồng. Căn nhà này trước đây anh mua trong tình trạng cũ nát, xuống cấp trầm trọng, sau đó phải bỏ thêm vài trăm triệu đồng để sửa chữa. Hiện nay, trong khi chờ bán lại, anh cho thuê căn nhà với giá 8 triệu đồng/tháng.

Theo anh Thông, việc mua nhà, tân trang rồi bán lại khá dễ làm. Đặc biệt, giai đoạn trong và sau khi đại dịch bùng phát, nhiều người kẹt tiền rao bán, anh đã tranh thủ mua được một vài căn với giá hời. Một căn nhà cũ, diện tích từ 30-70 m2, bỏ thêm tầm 100-300 triệu đồng để tân trang, khi bán ra có thể bỏ túi 300-400 triệu đồng. Anh Thông cho biết từ đầu năm đến nay, anh đã bán được vài căn như vậy. "Những căn có diện tích sàn trên 40 m2 sẽ bán được giá tốt hơn vì có thể nâng thêm tầng, bán với giá 3,5-5 tỉ đồng. Còn những căn dưới 40 m2 chỉ tầm 2-3 tỉ đồng" - anh Thông nói.

Với kinh nghiệm của mình, anh Thông cho biết những ai muốn đầu tư kiểu này phải xác định được tỉ suất sinh lời trước khi quyết định mua căn nhà nào đó. Phải có vốn và có thể xoay vòng vốn nhanh. Đặc biệt còn phải rành các thủ tục ngân hàng, bởi những căn nhà dạng này thường có sổ hồng đang "kẹt" ở ngân hàng.

Chuyên gia bất động sản cá nhân Phan Công Chánh cũng cho rằng trong 2 năm qua, giá nhà chung cư ở TP HCM đã tăng khá nhiều, trong khi nhà phố hẻm, nhất là nhà vừa túi tiền vẫn chưa tăng nhiều, đó là lý do khiến nhiều người đang quay trở lại mua nhà phố để ở, cho thuê hoặc tân trang rồi bán lại. Những người đầu tư đất ở tỉnh, ở ngoại thành khi thấy giá tăng cao đã chủ động bán ra để tối ưu hóa lợi nhuận và quay lại TP HCM tìm mua nhà phố để ở, đầu tư hoặc kinh doanh đều rất thuận tiện.

"Giá nhà phố ở TP HCM gần đây có thể tăng 10%-20% nhưng vẫn chấp nhận được. Hiện tại, theo thói quen, nhiều người vẫn chọn nhà phố có sổ hồng vì được tự do, thoải mái, không phải tốn chi phí dịch vụ mỗi tháng như mua căn hộ. Do đó, sắp tới đây, phân khúc này dự báo sẽ còn tiếp tục sôi động" - ông Chánh nhận xét.

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động