Nhà giá Paris, lương... Việt Nam: Đừng chỉ nói giỏi!

Cập nhật 09/12/2014 08:31

Để thị trường BĐS xây nhà theo giá Paris và bán lại cho người thu nhập kiểu Việt Nam là lỗi của chính sách, đừng đổ tội cho thị trường.

Để thị trường BĐS xây nhà theo giá Paris và bán lại cho người thu nhập kiểu Việt Nam là lỗi của chính sách, đừng đổ tội cho thị trường.

Xung quanh vấn đề giá nhà Việt Nam không cao mà do... lương thấp, ThS Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị Thế giới và TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã có những trao đổi thẳng thắn với Đất Việt.

Bán nhà theo giá... Paris?

Tại cuộc hội thảo về bất động sản tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đã nhận định rằng: "Việt Nam không thuộc top 20 quốc gia có bất động sản đắt đỏ trên thế giới. Vấn đề nằm ở chỗ là mức lương của chúng ta quá thấp chứ không phải giá nhà quá cao. Xi măng, cửa, khoá, nội thất... dựa trên giá quốc tế mà nhà phải bán theo lương thì bán làm sao được". Lập tức, phát biểu của ông đã gây ra những tranh luận trái chiều.

TS Phạm Sỹ Liêm thẳng thắn cho rằng điều đó thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp của người quản lý: "Vật liệu ngang tầm thế giới vậy tại sao giá đất đai cũng ngang tầm thế giới? Hiện nay giá đất đai chiếm phần lớn trong giá thành của căn hộ, có khi tới 70-80%.

Muốn hạ giá nhà thì phải hạ giá đất nhưng Việt Nam lại thi đua tăng giá đất. Đấy là sai lầm nghiêm trọng trong chính sách nhà ở và chính sách đất đai của Việt Nam. Mức cực đại trong đền bù ở Việt Nam lên tới 162 triệu/m2, gần 8.000 USD/m2, vượt qua cả nhiều đô thị lớn trên thế giới. Tại sao người quản lý lại nói chuyện không có tính chuyên nghiệp như vậy?

Mặt khác, chẳng lẽ chỉ có mỗi người Việt Nam thu nhập thấp? Phải nhìn xem các nước thế nào, họ giải quyết vấn đề giá nhà ra sao. Nước nào cũng có chính sách xã hội về nhà ở, trong khi người dân không đủ tiền mua, phải đi thuê để ở thì Nhà nước lại kém quan tâm đến loại hình nhà cho thuê, để rồi lại bảo dân nghèo, lương thấp không mua nổi nhà. Đâu phải như vậy!", ông Liêm nói.

Người dân Việt Nam vẫn khó mua được nhà

Đồng quan điểm với nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Ths Bùi Ngọc Sơn ví von, giá nhà Việt Nam đang được bán với giá... Paris.

"Trong giá nhà có những chi phí thấp: sức lao động rẻ, giá đất đai thấp do mới ở dạng khai khẩn. Lẽ ra giá nhà cũng phải thấp, tiền lương của người dân chỉ có thế thôi, đằng này các ông bốc giá nhà lên bằng giá thế giới rồi so với thế giới. Nếu so với thế giới phải so cả thu nhập chứ không ai đi so kiểu như thế".

Ông Sơn cũng chỉ rõ, việc để thị trường BĐS sản xuất theo giá nhà của Paris rồi bán cho người thu nhập kiểu Việt Nam là lỗi của các nhà quản lý, đằng này nhà quản lý lại đổ tội cho thị trường.

"Rõ ràng đây là vấn đề quản lý kém, phí bôi trơn các ông "ăn" quá nhiều, để sốt đất đai bừa bãi, tất cả những người găm hàng gần như không có bất cứ chi phí gì về sở hữu bất động sản. Không có chi phí thì họ chẳng có động cơ để bán ra.

Đó là sai lầm về chính sách! Các ông xây nhà hàng chục tỷ để cỏ mọc đầy và chẳng coi đó là vấn đề gì rồi lại tìm cách bơm tiền vào kích thích người tiêu dùng. Đó chẳng qua chỉ là kiểu muốn gắp lửa bỏ tay người để người ta chết ngập trong nợ!".

Phải vì quyền lợi của dân

Cả hai vị chuyên gia đều khẳng định rằng, trên thế giới không có nước nào định giá nhà dựa trên thu nhập của người dân mà hoàn toàn để cho thị trường quyết định.

Theo ông Bùi Ngọc Sơn, thị trường bao giờ cũng giằng cho nhau về lợi ích, mức độ sinh lời. "Nếu bán nhà kiếm được lợi nhiều hơn, tất cả vốn của xã hội sẽ đổ vào làm nhà và khi đó chẳng còn vốn cho sản xuất. Sản xuất suy sụp, không ai muốn mua nhà nữa thì giá nhà sẽ phải hạ xuống.

Ở các nước, lãi đầu tư vào BĐS chỉ cao hơn lãi từ tiền gửi ngân hàng một chút, đó là mốc quy định của thị trường. Còn ở Việt Nam, bỏ 1,6 tỷ để mua một cái nhà, cho thuê mỗi tháng được 20-30 triệu đồng thì vài chục năm sau mới lấy lại được vốn ban đầu, tội gì người ta không gửi tiền vào ngân hàng".

Còn ông Phạm Sỹ Liêm khẳng định, chẳng ai bao cấp nhà cho người dân nhưng các nước có phân ra một loại gọi là nhà ở phổ cập. Đó là loại nhà mà người ở cần chi không quá 30% thu nhập hàng tháng cho vấn đề ở. Việt Nam lẽ ra phải hỗ trợ phát triển loại hình này.

"Người quản lý nhà nước phải có tầm nhìn và vì quyền lợi của người dân chứ không phải quyền lợi của doanh nghiệp. Dĩ nhiên không phải là can thiệp thô bạo như phải hạn mứ thế này thế nọ mà phải bằng những chính sách khuyến khích.

Muốn hạ giá nhà, nhà quản lý hãy cung cấp đất giá rẻ, thậm chí không thu tiền đất, hoặc có thu tiền đất thì ai làm nhà phổ cập sẽ được ưu đãi thuế, nhà nước hỗ trợ hạ tầng bên ngoài.. Những việc đó đều có thể làm cho giá nhà hạ xuống nhưng ở Việt Nam có lẽ chỉ giỏi ngồi nói còn hành động thì chẳng ai muốn làm", ông Liêm chỉ rõ.

Ông Sơn cho rằng, ở Việt Nam có một tình trạng đã trở thành bản chất: khi cần xin ưu đãi, lập tức người ta đưa ra các lý do như nước nghèo, thu nhập của người dân thấp... Nhưng khi bán hàng với giá cao thì lại viện cớ giá thấp hơn thế giới.

"Nó chẳng khác gì chuyện không có gạo bán thì bảo ngô bổ hơn gạo, ăn ngô cho tốt.  Giao thông mà có vấn đề thì người ta bảo đó là ý thức của người dân khi tham gia giao thông. Tất cả những chuyện này vẫn đang tiếp diễn. Đó là vì thiếu người dám nói thẳng, thiếu những hành động quyết liệt thế nên người không biết việc vẫn yên vị trên ghế và được quyền nói, người khác vẫn cứ phải nghe".


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt