Sau thời gian rót vốn ồ ạt vào thị trường bất động sản Hà Nội, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu “chùn tay” khi nhận ra không dễ kiếm lời.
Thị trường không có ngoại lệ
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty TNHH Hibrand Việt Nam (Tập đoàn Inpyung, Hàn Quốc) – chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Daewoo Cleve (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, dự án gặp khó khăn cả về vốn đầu tư và khả năng tìm kiếm khách hàng nên đã phải tạm dừng thi công gần 2 năm qua.
Mặc dù đã giải ngân khoản tiền khá lớn trong tổng số vốn 420 triệu USD vào việc đầu tư, xây dựng, nhưng Inpyung cũng không lấy gì làm chắc chắc về tương lai của Dự án ở thời điểm này.
Sự khó khăn của các nhà đầu tư bất động sản nước ngoài khi chinh phục thị trường Hà Nội là điều đã được báo trước khi Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) xin rút lui khỏi Dự án Tổ hợp khách sạn 5 sao – trung tâm thương mại 5 sao tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội hồi năm 2009. Tập đoàn Kinh Bắc sau đó xin tiếp quản lại dự án này nhưng đến nay, công trình vẫn không được triển khai xây dựng.
Một dự án bất động sản lớn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài khác là Tổ hợp chung cư Booyoung Vina (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội) cũng nằm bất động, dù được cấp phép từ nhiều năm nay. Bị UBND TP. Hà Nội nhắc nhở nhiều lần về tiến độ triển khai, nhưng dường như Tập đoàn Booyoung (Hàn Quốc) - chủ đầu tư cũng bất lực với công trình có số đầu tư lên đến 171 triệu USD này.
Trước đó, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thị trường bất động sản Hà Nội đã rất sôi động giai đoạn 2006-2007 khi đổ bộ ở tất cả các phân khúc nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, sau nhiều năm kinh doanh, các nhà đầu tư nước ngoài tại Hà Nội đã thấy không hề dễ dàng.
Cùng thời với Riviera (Nhật Bản), Tập đoàn Chamvit (Hàn Quốc) đã đổ vào Dự án Khách sạn 5 sao – trung tâm thương mại – văn phòng cho thuê Grand Plaza (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) 120 triệu USD. Việc đầu tư xây dựng Dự án đã hoàn thành, nhưng khu Trung tâm thương mại Grand Plaza sau nhiều lần “tái cơ cấu” vẫn không thu hút được khách hàng, để lại một dấu hỏi lớn với Chamvit.
Gamuda Berhad, tập đoàn đầu tư bất động sản hàng đầu của Malaysia cũng đang phải nỗ lực rất nhiều để đẩy nhanh tốc độ bán hàng tại Dự án Gamuda Gardens (quận Hoàng Mai, Hà Nội). Mới đây, Gamuda cũng xin tạm dừng triển khai khu B, Dự án Gamuda City để Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư khác.
Nhiều dự án khác như Splendora, Keangnam Landmark Tower, Melburry Lane, hay Park City cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn để tìm chỗ đứng trong thị trường bất động sản có quá nhiều áp lực cạnh tranh dữ dội từ các đối thủ.
Nhà đầu tư chùn tay
Vẫn theo đại diện Công ty TNHH Hibrand Việt Nam, dù rất muốn đẩy nhanh tiến độ của Dự án Daewoo Cleve, nhưng trong điều kiện thị trường hiện tại, Tập đoàn Inpyung không thể mạo hiểm nguồn vốn đầu tư nếu không ước lượng được đối tượng khách hàng tiềm năng. Ban lãnh đạo Inpyung chấp nhận tạm dừng Dự án và trả lại tiền cho những khách mua nhà có nhu cầu rút vốn để chờ đợi những cơ hội thuận lợi hơn.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, lĩnh vực bất động sản lâu nay luôn thuộc nhóm dẫn đầu về thu hút FDI nhưng nửa đầu năm nay, Hà Nội chưa thu hút được thêm các dự án bất động sản mới. Nguyên do vẫn là thị trường kinh doanh bất động sản trầm lắng. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Nội chỉ có Dự án Khu đô thị Tây Hồ Tây được rót 234 triệu USD vốn đầu tư là đáng kể nhất.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội đang có 95 dự án bất động sản (trong đó có 88 dự án đã được giao đất) có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các dự án đều chậm so với kế hoạch ban đầu.
Để khắc phục tình trạng này, năm 2012, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra một loạt khuyến cáo với các dự án chậm triển khai như quy định rõ điều kiện, thủ tục trong việc chuyển nhượng dự án, điều chỉnh quy mô, gia hạn tiến độ thực hiện dự án… Tuy nhiên, đến thời điểm này, tín hiệu chuyển động tại các dự án bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài vẫn rất chậm chạp.
DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư