Nhà đầu tư hắt hủi đất Ba Vì

Cập nhật 28/08/2010 08:10

Ba Vì một thời làm mưa làm gió trên thị trường địa ốc giờ yên ắng trở lại khi nơi đây không được chọn là trung tâm hành chính quốc gia. Nhà đầu tư khôn ngoan đã lướt nhanh, người chậm chân chỉ còn biết ôm hàng ngậm ngùi.

Ba Vì một thời làm mưa làm gió trên thị trường địa ốc giờ yên ắng trở lại khi nơi đây không được chọn là trung tâm hành chính quốc gia. Nhà đầu tư khôn ngoan đã lướt nhanh, người chậm chân chỉ còn biết ôm hàng ngậm ngùi.

Dọc trục đường Láng Hòa Lạc đến thị trấn Tây Đằng (Ba Vì, cách Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây) trước đây nhan nhản văn phòng môi giới thì nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều trung tâm môi giới đã dỡ biển, thay vào đó là hàng ăn quán xá. Mỗi khi dừng chân, du khách hỏi thông tin nhà đất, không ít chủ quán có thể kể vanh vách, say sưa về giá đất từng khu vực. Song khi hỏi về lượng giao dịch trong mấy tháng nay, nhiều người đều lắc đầu ngao ngán. Khu vực Yên Bài, Tây Đằng, Vân Hòa, Tản Lĩnh (Ba Vì) một thời sôi động với giá đất cao ngất ngưởng thì nay giao dịch đã gần như không có. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại xã Phú Cát (Quốc Oai), khu vực gần Ba Vì, nơi từng được nhiều nhà đầu tư viếng thăm.


Giá đất trước đây cao chót vót nay rớt giá chỉ còn 1-3 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Lan

Xã Phú Cát nhiều nơi cỏ mọc xanh um, vài thôn thấp thoáng tòa nhà khang trang, lịch sự. Thấy khách lạ, cò đất nghiệp dư đon đả mời chào. Bác Lê Thị Tám, một người trong thôn cho hay, hầu hết những khu nhà cao tầng và mảnh đất đẹp đã bị người tỉnh khác mua, trong đó chủ yếu là người từ trung tâm Hà Nội.

Theo bác Tám, đất thôn 7, Cầu Vai Réo, Phú Cát, một thời đình đám nay đã như bị nhiều nhà đầu tư lãng quên. Chỉ một khu đất mặt đường 8 m, sâu 40 m ở khu vực gần đó, Bác Tám cho hay, miếng đất sắp có bìa đỏ này hồi đầu tháng 5 có thể lên tới 6-7 triệu đồng mỗi 2 thì nay giá giảm xuống còn khoảng 5 triệu đồng. "Giao dịch đã trầm xuống rất nhiều. Hai tháng nay, hầu như không thấy khách hỏi mua", bác Tám thổ lộ.

Theo tìm hiểu của VnExpress.net, đất tại các xã như Yên Bài, Tản Lĩnh, Kim Sơn, Tây Đằng (Ba Vì)... vào hồi tháng 5 được chào tới 6-10 triệu đồng mỗi m2 thì nay rớt giá còn 1-3 triệu đồng tùy khu vực. Những vùng nằm sâu trong làng cách xa đường lớn chỉ còn khoảng 800.000- 1 triệu đồng.

Đi dọc từ đường đường Tây Đằng, tìm mỏi mắt vẫn không thấy một trung tâm môi giới nhà đất nào. Nhiều nhà đầu tư chia sẻ, cơn sốt đất Ba Vì đã qua và họ cũng không còn mặn mà với khu vực một thời đình đám này nữa. Các nhà đầu tư khôn ngoan đã rút hết, kiếm bộn tiền. Người chậm chân chỉ còn biết ngậm ngùi chào giá rẻ song cũng chẳng có ai mua.

Anh Trần Đạt, một nhà đầu tư tại Hà Nội cho hay, hồi cuối năm 2009, anh cùng 5 người bạn góp tiền mua 3 ha đất ở thôn Di, xã Minh Quang (Ba Vì) với giá 100.000 đồng mỗi m2. Tranh thủ khi đất sốt, anh đã cắt đất chia làm 10 lô và bán được lãi gấp 3 lần. Vừa lướt xong thì quả bóng đất Ba Vì xì hơi. "Bán vào hồi tháng 3, khi cơn sốt chưa lên đến đỉnh điểm nên lãi cũng không nhiều. Nhưng ăn non còn hơn lỗ nặng, đã là nhà đầu tư thì thấy lãi là bán", anh Đạt hồ hởi.

Theo anh Quốc Chiêm, Giám đốc một công ty địa ốc tại khu vực Hà Nội, thông tin rời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì làm người dân nơi đây được phen đổi đời. Hàng chục nhà đầu tư kiếm lời bạc tỷ. Song chính thông tin bác trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì lại là đòn giáng mạnh vào những ai ôm mộng đầu cơ. Anh Chiêm lý giải, đất khu vực núi non này lên giá nhờ thông tin trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Ba Vì. Nay trung tâm hành chính đã bị bác, nhà đầu tư buộc phải rút êm. Những nhà đầu tư ôm đất còn hy vọng trục Ba Vì- Hồ Tây được thông qua song niềm hy vọng này cũng rất mong manh, nên bắt đầu thấy chờn.

"Rất có thể trục đường được coi là huyết mạch này không được thông qua như trung tâm hành chính quốc gia nên nhà đầu tư không ai dám liều nữa", anh Chiêm nhận định.


Đường Tây Đằng nơi đặt trung tâm thương mại huyện Ba Vì cũng đã rất ít khách hỏi mua. Ảnh: Hoàng Lan.

Không may mắn như anh Đạt, chị Nguyễn Thu, lại đang sống dở chết dở với 2.000 m2 đất ở Yên Bài. Nghe nói có trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Ba Vì, chị đã kêu gọi bạn bè chung tay góp vốn để mua hơn 5.000 m2. Chia lô để bán 3.000 m2, chị thu lãi được gần 2 tỷ đồng từ hồi tháng 5. Còn lại 2.000 m2, chờ đến khi lên giá để bán song bất ngờ đất hạ nhiệt, chị chỉ còn biết ngậm ngùi bán tháo nhưng cũng chẳng có ai mua. "Rao đại hạ giá 500.000 đồng mỗi m2 nhưng cả tháng nay, đều không có một ai hỏi mua", chị Thu chia sẻ.

Đường Tây Đằng hai bên cánh đồng xanh rì, gió thổi mát lộng trước đây là điểm đến của nhiều chủ đầu tư thì nay cũng đã vắng bóng người mua. Chị Nguyễn Bình An ở Hoàng Quốc Việt cho hay, chị định mua khoảng 500 m2 ở đường Tây Đằng làm nơi nghỉ ngơi cuối tuần. Song trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Ba Vì chính thức bị bác cũng là lúc chị bỏ ngay ý định này. "Khu vực Ba Vì quá xa trung tâm, lại là vùng đất trũng nên không thuận tiện", chị An nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thành Sơn, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Ba Vì cho hay vào tháng 4-5, một số khu vực như Yên Bài, Vân Hòa, Tản Lĩnh, giá đất tăng gấp 2-3 lần. Giá đất trước khoảng 70-80 triệu mỗi sào thì trong cơn sốt đã lên tới 250 triệu đồng. Các nhà đầu tư ở tỉnh khác đua nhau đến mua. Tuy nhiên, đến cuối tháng 7, nơi này đã gần như không có giao dịch.

Ông Sơn lý giải, nguyên nhân cơ bản vẫn là thông tin về việc di dời trung tâm hành chính quốc gia lên khu vực Ba Vì bị bác bỏ. Vị lãnh đạo này thừa nhận, khác với khu vực khác, giá trị thực tế đất Ba Vì không cao bởi nơi đây hiện không có nhiều dự án đô thị. Vì thế mà theo khảo sát của huyện, trước cơn sốt, có xã 3 năm nay không hề giao dịch.

"Thông tin về trục Ba Vì- Hồ Tây vẫn còn chưa được thông qua và câu chuyện về đất Ba Vì phải 20-30 năm nữa mới có thể bàn đến", ông Sơn nói.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress