Nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào "kênh" nào?

Cập nhật 20/08/2007 08:00

Trong khi hàng ngàn người hy vọng tìm kiếm siêu lợi nhuận từ các kênh đầu tư bất minh (chẳng hạn Gloden Rock, Colony Invest…) thì số khác lại...

Trong khi hàng ngàn người hy vọng tìm kiếm siêu lợi nhuận từ các kênh đầu tư bất minh (chẳng hạn Gloden Rock, Colony Invest…) thì số khác lại manh nha chuyển hướng đầu tư từ chứng khoán (CK), vốn đang trong chiều hướng giảm sang kênh đầu tư truyền thống là bất động sản (BĐS).

Để giúp nhà đầu tư (NĐT) có thêm những phân tích trước khi chọn lựa danh mục đầu tư, chúng tôi có cuộc trao đổi với Th.s Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng về các cơ hội đầu tư hiện nay.

* Nhiều NĐT cho rằng, đầu tư vào CK giờ đây không còn sinh lợi cao, và đang chuyển qua kênh BĐS, hoặc tìm kiếm siêu lợi nhuận từ các "tập đoàn" huy động tiền qua mạng. Theo ông thì kênh đầu tư nào hứa hẹn sinh lợi cao hiện nay?

- Mối quan hệ giữa lợi nhuận và rủi ro là điều mà bất cứ NĐT nào cũng phải nắm rõ. Nói chung, ở các thị trường phát triển như Mỹ thì suất sinh lãi cho hoạt động đầu tư an toàn bình quân từ 7 - 10%/năm, tương ứng với Việt Nam là 12 - 30%/năm nếu trực tiếp kinh doanh, đầu tư địa ốc hay CK. Nhưng theo tôi, CK là kênh đầu tư hấp dẫn vì có khả năng sinh lời cao nhất. Còn muốn tìm kiếm lợi nhuận trên 100%/năm thì có loại hình đầu tư mạo hiểm.

Ở Việt Nam hiện nay, các quỹ như Mekong Capital, một quỹ thành viên của Vina Capital, cũng đang đầu tư rủi ro. Mặc dù là mạo hiểm nhưng các quỹ luôn tìm kiếm, phân tích rất kỹ trước khi đầu tư. Xét cho cùng, các NĐT cá nhân có quan hệ quen biết giới hạn, khả năng phân tích hạn chế hoặc không có phương án đầu tư mà bỏ tiền đầu tư mong tìm lợi nhuận cao trên 100% thì chắc chắn sẽ thiệt hại do những công ty, tổ chức lừa đảo, mà dẫn chứng là sự đổ bể của Gloden Rock cuối năm ngoái và "Tập đoàn lừa đảo Colony Invest" mới đây. Lợi nhuận của họ theo tính toán là từ 500% đến trên 1.000%/năm. Đó là con số không tưởng.

* Thị trường BĐS đã mang lại lợi nhuận rất lớn cho NĐT. Hiện nay các quỹ đầu tư nước ngoài, ngân hàng và cả những công ty sản xuất lớn đều dồn vốn vào lĩnh vực này. Nhiều chuyên gia cho rằng kênh đầu tư BĐS sinh lời cao và an toàn hơn đầu tư CK?

- Trước hết các tổ chức đầu tư này có một nguồn vốn cực lớn đang có nhu cầu đầu tư thì kênh đầu tư BĐS mới có khả năng hấp thụ số vốn này trong thời gian ngắn. Việc đầu tư của các tổ chức này không chỉ có yếu tố đầu cơ mà có giá trị gia tăng khá cao thông qua việc chuyển đổi công năng, thiết kế và xây dựng để tạo ra sản phẩm cao cấp.
 
Còn NĐT cá nhân mua đất dạng đầu cơ chờ tăng giá hay mua sản phẩm đầu cuối (chung cư, biệt thự...) thì khó có mức sinh lợi hơn 12% - 15%/năm. Đó là chưa kể NĐT phải có số vốn lớn từ vài trăm triệu trở lên, và khi cần một lượng tiền thì NĐT không thể cắt một phần BĐS ra bán như bán CK, do vậy tính linh động thấp hơn nhiều so với CK.

* Như vậy theo ông thì đầu tư vào thị trường BĐS không hấp dẫn bằng đầu tư vào TTCK?

- Điều đó còn tùy thuộc vào vị thế và mục đích của NĐT, nhưng tôi khẳng định với nền kinh tế thị trường phát triển ổn định thì cơ sở để đầu tư BĐS hấp dẫn chính là sự phát triển mạnh, ăn nên làm ra của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế.

Điều này ở các nước phát triển đã thấy quá rõ. Khi nền kinh tế Mỹ bị suy yếu thì BĐS ở đây bị đóng băng. Trước đó, Nelson đã đưa vốn liếng Ngân hàng Bearing vào thị trường địa ốc Nhật, khi nền kinh tế Nhật suy thoái dẫn tới thị trường địa ốc sụp đổ thì ngân hàng lâu đời và tiếng tăm nhất Anh quốc này phải phá sản.

Quan sát ở Việt Nam, các thời kỳ địa ốc tăng mạnh vào thập niên 90 và sau năm 2000 đều xuất phát từ những sự khởi sắc của nền kinh tế. Thế nhưng nếu cứ đổ dồn vào đây, giá BĐS tăng mạnh hơn sức phát triển của nền kinh tế thì NĐT sẽ bị thiệt hại.
 
Như vậy, nếu giai đoạn hiện nay thị trường BĐS hấp dẫn các quỹ đầu tư nước ngoài, có nghĩa là sức phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp sẽ rất tốt. Chúng ta có thể quan sát thấy tỷ lệ đầu tư vào CK và BĐS của các quỹ đầu tư nước ngoài.

* Ông có thể nói rõ hơn về vị thế và mục đích của NĐT để chọn kênh đầu tư thích hợp?

- Thứ nhất, kênh gửi tiền tiết kiệm hay mua vàng, kể cả tiết kiệm ngoại tệ đều mang mục đích bảo toàn vốn là chính chứ không thể gọi là đầu tư. Kênh mua trái phiếu chỉ tốt đối với tổ chức tài chính lớn có nguồn vốn dài hạn và đòi hỏi an toàn cao như các công ty bảo hiểm nhân thọ, một phần của quỹ cân bằng hay quỹ tương hỗ. Như vậy BĐS và CK luôn là những kênh hấp dẫn nhất đối với NĐT cá nhân.

Tuy nhiên, nếu NĐT có vốn lớn trên vài tỉ đồng thì nên phân bổ hợp lý giữa hai kênh này, còn vốn trên dưới một vài trăm triệu thì kênh đầu tư CK vẫn hấp dẫn hơn vì nó có mức sinh lời từ 15% - 30%/năm với một độ an toàn và rủi ro tương đương BĐS. Đặc biệt, kênh CK cho phép NĐT liên tục bổ sung vốn từ thu nhập của mình.

Hiện nay một số cổ phiếu của ngân hàng, các công ty trên sàn và cả trên thị trường OTC có giá hợp lý, lợi nhuận tăng trưởng và thông tin minh bạch là cơ hội rất hấp dẫn để đầu tư. Sau cùng dù là đầu tư BĐS hay CK thì NĐT cá nhân cần nhớ quan điểm của Warren Buffett (người đã biến 106.000 USD thành 42 tỉ USD bằng việc đầu tư vào TTCK): "Đầu tư là việc tìm kiếm lợi nhuận một cách thích đáng trên cơ sở bảo toàn đồng vốn".

Theo Hùng Sơn - Thanh Niên