Cơn lốc giảm giá nhà đất tại TP.HCM đã không đủ sức càn quét thị trường Hà Nội. Trong khi rất nhiều dự án ở phía Nam đã buộc phải giảm giá căn hộ tới 40% sau phát pháo lệnh của Hoàng Anh Gia Lai thì hầu như không có chủ đầu tư nào tại Hà Nội tuyên bố giảm giá.
Trường hợp hy hữu là chủ đầu tư Khu đô thị Xa La tại Hà Đông tuyên bố giảm 2 triệu đ/m2, xuống còn 11 triệu đ/m2 áp dụng đối với 400 căn hộ của dự án này. Ngay sau khi giảm giá, toàn bộ số căn hộ này đã được bán hết và giá ngay lập tức quay trở lại mức 12-13 triệu đ/m2.
Một trường hợp tuyên bố giảm giá khá ấn tượng là khu căn hộ cao cấp Golden Westlake đang được hoàn thiện trên đường Hoàng Hoa Thám. Chủ đầu tư tuyên bố giảm giá 33% đối với gần 100 căn hộ còn lại và giá bán khởi điểm hiện nay chỉ còn … 2.400USD/m2. Nhưng thực tế, đây chỉ là một “chiêu” thu hút khách của chủ đầu tư chứ giá không hề giảm so với đa phần căn hộ bán trước đây.
Giá BĐS tăng nhanh theo tiến độ của các công trình giao thông đi qua.
Một ví dụ khác, số căn hộ còn lại nằm trong số 189 căn hộ của một quỹ đầu tư mua sỉ vào cách đây gần 2 năm với trị giá 15 triệu USD. Theo báo cáo của quỹ này thì giữa năm ngoái, quỹ đã bán ra một nửa số căn hộ và thu về 14,7 triệu USD, đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư lên tới 85%. Với số lượng căn hộ còn lại bán theo mức giá mới thì quỹ này sẽ tiếp tục thu về một khoản lợi nhuận khổng lồ. Hơn nữa, vào lúc cao điểm, một số căn hộ tại Golden Westlake được giao dịch với giá 3.400 - 3.600 USD/m2 nhưng số lượng căn hộ bán giá này rất ít. Giá bán trung bình của đa phần các căn hộ tại Golden Westlake trước đây chỉ dao động từ 1.500 - 2.000 USD/m2. Chính vì thế, việc chủ đầu tư công bố giảm giá những căn hộ còn lại xuống còn 2.400 USD/m2 thì vẫn còn cao hơn nhiều so với đa phần các căn hộ đã bán. Hơn nữa, số căn hộ còn lại chỉ nằm ở tầng 6 trở xuống nên giá bán thường thấp hơn so với căn hộ tầng trên. Theo nhận xét của giám đốc một công ty tư vấn bất động sản thì việc chủ đầu tư tự đẩy giá lên cao, sau đó lại tuyên bố giảm giá là “chuyện bình thường vì họ chẳng mất gì”.
Ngoài 2 dự án trên, không còn dự án nhà đất nào tại Hà Nội công khai tuyên bố giảm giá. Trong khi đó, tại TP.HCM, sau khi Hoàng Anh Gia Lai tuyên bố giảm giá căn hộ Hoàng Anh Riverview và Phú Hoàng Anh từ 2.300 USD/m2 và 1.800 USD/m2 xuống còn 1.350 USD và 1.200 USD thì rất nhiều dự án căn hộ khác như Sunview, Trường Thọ, Daewon Cantavil cũng tuyên bố giảm giá từ 10 - 40%.
Ông Phan Xuân Cần - Giám đốc Cty Tư vấn đầu tư Tiger Invest, lý giải, giá nhà đất tại TP.HCM tụt giảm nhanh là do người mua sử dụng rất nhiều công cụ nợ. “Họ vay rất nhiều tiền của ngân hàng để mua nhà đất nên giá nhà đất được đẩy lên rất nhanh. Nhưng khi ngân hàng thắt chặt cho vay như hồi cuối năm ngoái thì họ buộc phải bán đi trả nợ, dẫn đến giá nhà đất lại tụt rất nhanh. Các chủ đầu tư cũng bị cuốn vào vòng xoáy tăng giá nhưng khi thị trường sụt giảm thì họ cũng buộc phải giảm giá thì mới bán được. Trong khi đó, tại Hà Nội, đa phần khách hàng mua đất bằng vốn tự có nên không phải chịu áp lực trả nợ, và vì thế giá không giảm nhiều” - ông Cần phân tích.
Ông Nguyễn Xuân Đạo - Giám đốc Cty Tư vấn bất động sản Vietnam Property, cho biết thêm, do nguồn cung căn hộ tại TP.HCM quá lớn, dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ đầu tư và họ buộc phải giảm giá. Tính sơ bộ, chỉ riêng 2 dự án Hoàng Anh Riverview và Phú Hoàng Anh của Hoàng Anh Gia Lai đã cung cấp cho thị trường 3.000 căn hộ. Trong vòng một năm qua còn có rất nhiều dự án lớn tung ra bán như The Vista, Estella, Blooming Park, Sky Garden 3, trong đó, mỗi dự án có từ 1.000 - 1.700 căn hộ. Ngoài ra, còn hàng chục dự án quy mô nhỏ và vừa, với hàng nghìn căn hộ tung ra thị trường. Cầu giảm đi trong lúc cung tăng vọt, tất yếu buộc các chủ đầu tư phải giảm giá.
Trong khi đó, nguồn cung tại Hà Nội lại rất hạn chế. Trong vòng hơn một năm qua, dự án lớn nhất tung ra thị trường là 918 căn hộ Keangnam Hanoi Landmark Tower. Mới đây nhất có thêm 300 căn hộ Mipec Tower và 480 căn hộ Sky City Tower. Về đất dự án, chỉ có Khu đô thị Dương Nội xây dựng được cơ sở hạ tầng và có hàng tung ra thị trường. Ngoài ra, rất nhiều dự án đô thị lớn như Tây Hồ Tây, Bắc An Khánh, Khu chung cư quốc tế Booyoung vẫn trong quá trình giải phóng mặt bằng hoặc làm thủ tục đầu tư nên không có căn hộ hoặc nền đất tung ra thị trường. Ông Đạo cho biết, chính sự khan hiếm hàng hóa có chất lượng khiến cho những dự án nào triển khai được vẫn giữ giá và thu hút được khách hàng.
Theo ông Đạo, giá nhà đất tại Hà Nội sau khi đã giảm 10 - 30% trong năm 2008 thì trong vòng 4 tháng đầu năm 2009, giá nhà đất đã bắt đầu đi ngang. Thậm chí giá tại một số dự án có dấu hiệu nhích lên đặc biệt là các dự án đang sử dụng hoặc chuẩn bị bàn giao. Căn hộ tại Trung Hòa - Nhân Chính có giá từ 27 - 30 triệu đ/m2 và Mỹ Đình 2 từ 19 - 21 triệu đ/m2, M5 Nguyễn Chí Thanh chuẩn bị giao nhà cũng được giao dịch với giá 30 triệu đ/m2. Các dự án dọc theo đường Lê Văn Lương kéo dài tăng giá liên tục vì ăn theo “tin tốt” khởi công phần còn lại của đường Lê Văn Lương giá đất khu Trung Văn, Văn Khê đều tăng mạnh.
Cá biệt, Khu đô thị Dương Nội tại Hà Đông mặc dù chủ đầu tư đã tăng giá từ 5 - 20% từ 1/3/2009 nhưng vẫn hút hàng và nay đang “tạm dừng” - giới đầu cơ nháo nhào tìm mua vì dự đoán “tạm dừng” là dấu hiệu của sự tăng giá. Trong khi đó, giá gốc tại Happy House Garden thuộc Khu đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên đã nhích từ 7 triệu lên 10,5 triệu đ/m2 nhưng người mua hiện không thể mua được giá gốc do chủ đầu tư đã bán hết và muốn mua lại phải trả chênh lệch từ 100 - 200 triệu đ/căn.
Ông Đạo nhận định, tình hình kinh tế đang được cải thiện, thị trường chứng khoán tăng mạnh trong thời gian gần đây sẽ có ảnh hưởng tích cực đến thị trường nhà đất Hà Nội. “Giá nhà đất tại Hà Nội đã thực sự đến đáy và khó có thể giảm tiếp. Bây giờ chính là cơ hội mua vào, kể cả để ở hay để đầu tư” - ông Đạo khẳng định.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng