Các khách hàng khi mua căn hộ, nền đất phải tính toán cân nhắc đến khoản tiền sử dụng đất cũng như khoản thuế thu nhập cá nhân từ lợi nhuận của việc mua bán, giao dịch, chuyển nhượng... bất động sản.
Các khách hàng khi mua căn hộ, nền đất phải tính toán cân nhắc đến khoản tiền sử dụng đất cũng như khoản thuế thu nhập cá nhân từ lợi nhuận của việc mua bán, giao dịch, chuyển nhượng... bất động sản
“Mua căn hộ, nền đất ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 - TPHCM không bao giờ sợ lỗ!”. Đây là câu nói cửa miệng của các khách hàng, nhà đầu tư khi nói về thị trường bất động sản tại đây trong một thời gian dài. Thế nhưng hiện nay, nhận định nói trên đã trở nên lỗi thời bởi thị trường nhà, đất khu vực này đang rơi vào “mùa” rớt giá.
“Đóng băng” giao dịch
Hơn tháng qua, kể từ ngày xảy ra vụ khách hàng phải nộp khoản tiền sử dụng đất (SDĐ) tương đương với việc phải mua nhà đất hai lần, hầu hết các giao dịch đối với nhà, đất chưa có giấy chủ quyền xem như “đóng băng”.
Chưa hết, kể từ ngày 26-9, cơ quan thuế buộc khách hàng khi giao dịch nhà, đất dạng “lúa non” (nhà, đất chỉ mới có hợp đồng mua bán, chưa làm ra giấy chủ quyền) cũng phải kê khai nộp thuế thu nhập cá nhân khi chuyển dịch, càng làm cho thị trường ở đây thêm ảm đạm.
Anh Thái Công, chủ nhân một căn hộ ở khu Hưng Vượng, than thở: “Tháng 5-2009, tôi mua căn hộ giá 1,4 tỉ đồng với diện tích hơn 60 m². Đến tháng 10-2009, tôi quyết định rao bán lại với giá 1,45 tỉ đồng. Thế nhưng gần tháng qua, có người đến xem nhưng khi hỏi đến pháp lý chỉ mới ở dạng hợp đồng mua bán, ai cũng lắc đầu và “lặn” mất tăm!...”.
Quá ngạc nhiên với thái độ của người đến coi nhà, anh Công lên hỏi nhân viên phòng kinh doanh của Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng (Công ty Phú Mỹ Hưng) mới biết nếu muốn làm ra giấy chủ quyền, anh phải chuẩn bị gần 250 triệu đồng để nộp tiền SDĐ.
Giao dịch nhà đất tại Phú Mỹ Hưng đang chững lại. Ảnh: T.Thạnh. |
Chưa hết, anh Công còn phải tính toán khoản tiền thuế thu nhập cá nhân phải đóng từ việc chuyển nhượng bất động sản. Điều đáng nói, dù căn nhà thực tế anh phải mua 1,4 tỉ đồng nhưng giấy tờ, hóa đơn công ty xuất ra cho anh chỉ có 300 triệu đồng.
Nếu bây giờ ngành thuế căng ra lấy lợi nhuận đầu cuối trừ chi phí đầu vào và áp thuế suất 25% (do có giấy tờ chứng minh), xem như anh phải đóng 25% cho khoản lời 1,15 tỉ đồng, điều này tương đương anh phải nộp hơn 280 triệu đồng tiền thuế từ việc bán nhà...
Nghe đến đây anh Công phải than trời, bởi bỏ ra 1,4 tỉ đồng mua nhà nhưng chỉ trong vòng 4 tháng, nếu anh bán lại sẽ mất thêm 530 triệu đồng (tương đương hơn 1/3 giá trị căn hộ - PV).
Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, trường hợp anh Công không phải là cá biệt, bởi hiện có hàng ngàn trường hợp chỉ mua bán thông qua hợp đồng mà chưa có giấy chủ quyền. Như vậy, nếu khách hàng hiện đã có căn hộ để ở thì chưa sao, còn làm giấy chủ quyền hoặc bán, chuyển nhượng nhà, đất còn ở dạng hợp đồng thì xem như mất từ 10% đến 40% trên tổng giá trị căn nhà là điều cầm chắc trong tay.
Tiền sử dụng đất sẽ tăng tiếp?
Theo thông tin từ Công ty Phú Mỹ Hưng, kể từ ngày 15-10, đơn vị này sẽ hạn chế nhận hồ sơ xin cấp giấy chủ quyền, bởi vì có thể không giải quyết kịp cho người dân. Nếu nộp hồ sơ tại thời điểm này, các trường hợp trên khi cấp giấy sẽ được tính tiền SDĐ theo khung giá năm 2009; còn bằng hồ sơ giải quyết từ 1-1-2010 đến 31-12-2010, chắc chắn sẽ áp theo khung giá đất mới của năm 2010.
Theo các chuyên gia địa ốc, khung giá đất của các tuyến đường trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng, từ năm 2004 đến nay, nhiều tuyến đường đã tăng giá hơn 500 lần (từ 26.000 đồng lên 13 triệu đồng). Nếu so sánh riêng khung giá của năm 2008 và năm 2009, nhiều tuyến đường tăng từ 100% đến 200%, thậm chí có nơi 300%.
Theo chiều hướng khung giá đất hằng năm sẽ tiệm cận với giá thị trường thì rất có thể năm 2010, khung giá đất sẽ tăng nữa và như vậy số tiền SDĐ của người dân khi làm giấy chủ quyền sẽ phải nộp nhiều hơn năm 2009.
Trong công văn mới đây gửi UBND TP, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phú Mỹ Hưng, ông Nguyễn Hoàng Dũng, lo ngại: Hiện nhiều ngân hàng trong và ngoài nước cho công ty vay vốn đã đặc biệt lưu tâm và liên tục gọi điện hỏi thăm tin tức.
Khách hàng không còn tham khảo mua nhà Phú Mỹ Hưng vì họ chờ đợi quyết định của Nhà nước. Ông Dũng cho rằng tình hình này nếu dồn dập xảy ra có thể nhanh chóng làm “đóng băng” hoạt động của Công ty Phú Mỹ Hưng.
Vì vậy, ông cầu cứu TP sớm có phương hướng giải quyết hợp lý và thông tin chính thức nhằm ổn định tâm lý người mua nhà Phú Mỹ Hưng. Theo các chuyên gia địa ốc, bài toán đặt ra hiện nay là Phú Mỹ Hưng cần tự điều chỉnh chiến lược giá bán sản phẩm sao cho hợp lý để tăng tính cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.
Chưa đồng thuận việc nộp tiền sử dụng đất
Sáng 24-10, hơn 100 cư dân mua nhà, đất tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng đã có buổi đối thoại cùng chủ đầu tư là Công ty Phú Mỹ Hưng. Theo phát biểu của người đại diện cư dân, căn cứ theo những quyết định do UBND TP ban hành thì họ không phải nộp tiền SDĐ khi xin cấp giấy chủ quyền, bởi đây là nghĩa vụ của chủ đầu tư phải thực hiện đối với Nhà nước. Do cuộc họp chưa có hướng ra và hai bên chưa đồng thuận về cách thức giải quyết của từng bên nên người dân cho biết họ sẽ gửi đơn khiếu nại lên Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động