Hơn 3,7 triệu m2 đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong tổng số 6,3 triệu m2 đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM, là một con số rất lớn. Nhưng, đấy chỉ là sự lãng phí...
Hơn 3,7 triệu m2 đất bỏ hoang hoặc chưa sử dụng trong tổng số 6,3 triệu m2 đất do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang trực tiếp quản lý trên địa bàn TP.HCM, là một con số rất lớn. Nhưng, đấy chỉ là sự lãng phí có khả năng hạch toán. Nền kinh tế đang gánh chịu những thiệt hại không dễ định lượng. Môi trường kinh doanh đã rất lệch lạc do một bộ phận doanh nghiệp được giao một lượng vốn khổng lồ từ đất đai, nhà xưởng. Trong khi phần lớn các doanh nghiệp khác phải xoay xở để có “mặt bằng” với chi phí, hàng chục lần, đắt hơn.
“Thu hồi, đấu giá…” là những biện pháp đã được một số đại biểu Quốc hội, tuần qua, đề nghị. Số nhà, đất bị lãng phí nói trên có nguồn gốc công sản, nay Nhà nước thu về cũng là hợp lẽ. Nhưng, không như những chủ sở hữu khác, vấn đề không phải là Nhà nước thâu tóm được bao nhiêu nhà đất mà làm sao để lượng nhà đất ấy có thể sinh lợi cho xã hội tốt hơn.
Các doanh nghiệp nhà nước đã được “thuê” hàng triệu mét vuông nhà đất ấy với giá bao cấp. Giá thuê thấp so với giá thị trường đã “kích thích động cơ cho thuê lại để hưởng chênh lệch giá” và, nếu bỏ hoang thì cũng chẳng “thua lỗ” cho họ bao nhiêu. Tình trạng ấy kéo dài hàng chục năm qua, không những đã khiến cho “chủ sở hữu” không thu được “lợi tức” tương xứng, mà xã hội đã chịu thiệt hại vì một nguồn vốn quan trọng đã lưu thông không hiệu quả.
Nhưng, tai hại hơn, “bao cấp nhà đất” đã tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng. Những doanh nghiệp nắm giữ số nhà, đất này, không những có lợi thế áp đảo về vốn so với các doanh nghiệp khác, mà tiêu cực còn rất dễ phát sinh. Trên thực tế, rất ít khi các doanh nghiệp khác có thể thuê lại những nhà, đất ấy với giá đúng như giá vẫn được ghi trên hợp đồng.
Trong số 410 khu đất ở TP.HCM với diện tích 6,3 triệu m2, chỉ có hơn 2,5 triệu m2 đất được sử dụng đúng mục đích; số đất còn lại bị đem cho thuê, cho mượn, bị lấn chiếm, đang tranh chấp, chưa sử dụng, bị bỏ hoang... Đối sách với từng trường hợp có thể khác nhau, nhưng chính sách của Nhà nước với lượng nhà đất này thì phải rất là nhất quán. Đất đai là tài sản có giá, giá trị của nó phải được định đúng. Nếu Nhà nước thu hồi để bán thì phải theo giá thị trường. Nếu tiếp tục giao cho doanh nghiệp thì cũng phải trên cơ sở thị trường để định đúng giá trị rồi “đầu tư” phần vốn ấy lại cho doanh nghiệp.
Khi không còn phần chênh lệch giữa giá thuê bao cấp và giá có thể cho thuê lại trên thị trường, các doanh nghiệp đang nắm giữ đất đai trong tay lập tức phải chọn lựa: tiếp tục kinh doanh phần vốn ấy hay trả lại để Nhà nước bán hoặc giao cho doanh nghiệp khác khai thác tốt hơn, cho dù đấy là doanh nghiệp tư nhân hay nhà nước.
Trong ba năm qua, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp nhà nước chỉ ở mức 10%. Số doanh nghiệp có lãi chiếm 77%, nhưng chỉ khoảng 40% trong số đó có mức lãi cao hơn lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại. Đấy là chưa tính đủ giá trị những tài sản khổng lồ mà các doanh nghiệp nhà nước này đang nắm giữ. Để tài sản quốc gia trong tay các doanh nghiệp quốc doanh tưởng là “chắc ăn”. Nhưng, kinh doanh mà không có được “mức lãi cao hơn lãi suất huy động vốn của các ngân hàng” thì thực chất là vốn đang bị mất dần chứ không phải là đang được bảo tồn dù vẫn nằm trong tay Nhà nước.
Ý định chấn chỉnh tình trạng sử dụng đất công trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã được đặt ra nhiều năm qua, nhưng tới nay vẫn đem lại không nhiều kết quả. Lợi ích của các doanh nghiệp, lợi ích của những người lãnh đạo doanh nghiệp có quyền khai thác phần chênh lệch do chính sách bao cấp mang lại đó là không dễ từ bỏ. Cho nên, việc đầu tiên là phải bãi bỏ chính sách bao cấp, “vốn hoá” nhà đất theo nguyên tắc của thị trường.
Nhà đất đang thuộc quyền sử dụng của các tổ chức hành chánh sự nghiệp mà không dùng hết thì giao lại cho cục Công sản. Đã là hành chính sự nghiệp thì không được kinh doanh. Nhà đất đang được các doanh nghiệp khai thác thì, hoặc là để các doanh nghiệp ấy tiếp tục thuê, mua lại, hoặc tiếp nhận như là một khoản vốn đầu tư. Vấn đề quan trọng nhất của tiến trình định giá, mua, bán này là minh bạch. Sự thất thoát không chỉ nằm ở chỗ Nhà nước có bán được những bất động sản ấy với giá cao nhất hay không mà còn là có đưa được những tài sản ấy tới tay những người kinh doanh tốt nhất.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị