Nhà đất công: lãng phí nhiều, thu hồi ít

Cập nhật 18/06/2009 08:10

Đề cập vấn đề lãng phí nhà đất công tại TP.HCM, ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, thành viên ban chỉ đạo...

Đề cập vấn đề lãng phí nhà đất công tại TP.HCM, ông Phạm Đình Cường, cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, thành viên ban chỉ đạo 09 (ban chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước), cho biết:

- Qua quá trình sắp xếp, xử lý đã thu được hơn 14.000 tỉ đồng, tương đương nguồn chi của ngân sách TP.HCM trong một năm. Đến nay TP.HCM cũng đã thu hồi 580.000m2 đất công sử dụng lãng phí để sắp xếp, sử dụng có hiệu quả hơn hoặc làm công viên cây xanh, trường học, bệnh viện... Điều này rất quý vì trong nhiều trường hợp có tiền cũng không thể làm được như vậy.

* Diện tích nhà đất công lãng phí khá lớn nhưng con số thu hồi vẫn còn ít so với thực tế, vì sao?

- Đúng là diện tích thu hồi còn ít so với hiện trạng sử dụng lãng phí. Thời gian qua, các đơn vị mới chỉ kê khai, kiểm tra, rà soát tính pháp lý, thông qua ban chỉ đạo 09…Thời gian tới, Bộ Tài chính và TP.HCM mới ra nhiều quyết định xử lý (có thể cho phép tiếp tục sử dụng, bán, chuyển mục đích sử dụng hoặc thu hồi). Đến nay đã có 96% số đơn vị kê khai, 65% được phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý, 1-2 năm nữa sẽ xử lý xong.



Ông Phạm Đình Cường, cục trưởng
Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính.

* Nhưng quá trình xử lý đang gặp phải sự giằng co của các đơn vị sử dụng vì lợi ích riêng. Chưa kể có sự can thiệp của các bộ chủ quản?

- Quá trình sắp xếp, xử lý nhà đất tất nhiên có sự xung đột quyền lợi nên các ngành, đơn vị liên quan vẫn còn nhiều quan điểm và cách tiếp cận khác nhau. Đi sâu vào từng trường hợp sẽ thấy việc ra quyết định thu hồi nhà, đất của các đơn vị không dễ chút nào. Ban đầu Nhà nước phân nhà, đất căn cứ vào nhiệm vụ, chức năng hay biên chế… của đơn vị, nhưng nay các căn cứ đó đã thay đổi. Đấy là tài sản chung của Nhà nước chứ không phải của một đơn vị, cá nhân nào nên việc sắp xếp lại phải dựa trên lợi ích chung.

Trước hết, các đơn vị phải tự thân làm việc này vì họ là người hiểu rõ hơn ai hết việc mình có lãng phí đất công hay không và vì sao lãng phí. Nếu không tự sắp xếp thì Nhà nước mới thu hồi. Cưỡng chế thu hồi là biện pháp cuối cùng, đến nay chưa có trường hợp nào phải cưỡng chế. Một trong những thành công trong đợt thu hồi vừa qua là các đơn vị đều đồng thuận bàn giao mặt bằng.

* Bộ Tài chính cũng là một trong những đơn vị quản lý, sử dụng nhiều nhà đất tại TP.HCM. Vậy trong quá trình xử lý, bộ sẽ “làm gương” trong vấn đề này ra sao?

- Tại TP.HCM, ngành tài chính sử dụng trên 100 cơ sở nhà đất, con số này khá nhiều. Nhưng không có nghĩa là ngành này đang sử dụng không hiệu quả mà do ngành có nhiều đơn vị liên quan theo hệ thống ngành dọc như kho bạc, thuế, hải quan, chứng khoán… Riêng Bộ Tài chính chỉ có hai nơi: cơ quan đại diện ở 138 Nguyễn Thị Minh Khai (Q.3) và nhà khách số 152 Lý Chính Thắng. Cơ sở 138 Nguyễn Thị Minh Khai đang sử dụng cho một số đơn vị trực thuộc và các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ Tài chính.

Khi sắp xếp, xử lý các văn phòng 2 (VP2) của các bộ, chúng tôi cũng đã tính toán sắp xếp lại theo chủ trương chung.

* Việc tập trung các VP2 tại TP.HCM về một nơi đã được đề cập từ lâu nhưng đến nay đề án này vẫn còn nằm trên giấy. Dường như không ít bộ ngành vẫn muốn có một “cõi riêng”?

- Đề án đang trong quá trình hoàn thiện nên các bộ, cơ quan ngang bộ chưa bàn chính thức. Song việc thực hiện cũng không phải hoàn toàn suôn sẻ. Mỗi bộ có một VP2 riêng thì cán bộ đi công tác có nơi làm việc, nghỉ ngơi riêng, muốn điều động xe trong phạm vi cơ quan mình cũng dễ dàng. Ngoài ra còn có thể sắp xếp được nơi làm việc cho các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ.

Tuy nhiên nhìn tổng thể các bộ có nhiều nhà, đất ở TP.HCM nhưng khi cần một phòng họp Chính phủ thì không có chỗ. Trước giờ mỗi kỳ họp vẫn sử dụng hội trường Thống Nhất quá chật. Do vậy ý tưởng tập trung các VP2 lại một nơi ngày càng đúng, phù hợp với xu hướng Chính phủ hiện đại. Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng tiếp tục việc này. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị một số phương án về trụ sở tòa nhà hành chính tập trung.

Việc tập trung các cơ quan đại diện về một trụ sở còn tiết kiệm được nhiều chi phí khác. Hiện nay 26 bộ, cơ quan ngang bộ có khoảng 100 ôtô, rồi lái xe, nhân viên bảo vệ, phục vụ, sử dụng hệ thống điện, điện thoại… riêng, chưa kể mỗi bộ còn có một nhà khách. Cứ mỗi lần vào TP.HCM làm việc, mỗi cơ quan có một lái xe riêng đi đón cán bộ đã thấy lãng phí. Nếu tập trung được trụ sở thì các đầu mối xe cộ, nhà nghỉ, nhân viên phục vụ, điện thoại… sẽ tập trung về văn phòng Chính phủ quản lý và điều phối sẽ tiết kiệm hơn nhiều. Như vậy mới hiện đại được công sở, đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

Thu hồi 129 địa chỉ

Tổng số nhà đất do các cơ quan thuộc TP.HCM quản lý là 8.433 địa chỉ với diện tích trên 136 triệu m2. Các bộ ngành trung ương có 2.102 địa chỉ nhà, đất với diện tích hơn 96 triệu m2. Đây là số liệu do các cơ quan kê khai và đề xuất phương pháp xử lý.

Tính đến nay, Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đã quyết định thu hồi 129 địa chỉ nhà đất. Thực tế đã thu hồi được 97 địa chỉ đưa vào thực hiện các dự án, 32 địa chỉ còn lại chưa thu hồi được do có các hộ dân đang ở hoặc cần phải xác định lại ranh giới...


DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi Trẻ