Nhà đất "ăn theo" hạ tầng

Cập nhật 01/10/2010 09:30

Một loạt tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài khánh thành… đã hình thành một mạng lưới giao thông và đô thị khá hoàn chỉnh, mở ra một khu vực màu mỡ, đầy hứa hẹn đối với thị trường bất động sản phía Tây.

Một loạt tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài khánh thành… đã hình thành một mạng lưới giao thông và đô thị khá hoàn chỉnh, mở ra một khu vực màu mỡ, đầy hứa hẹn đối với thị trường bất động sản phía Tây.


Những tấm biển thông tin nhà đất mọc lên "nhan nhản" dọc đường xã Đông Xuân

Có phải sốt ảo?

Lý giải về việc đầu tư vào BĐS đang có dấu hiệu sôi động, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc người dân thích giữ đất, thích đầu tư BĐS là bởi không ai thích giữ tiền trong nhà do bị mất giá. Hiện nay lãi suất tiết kiệm không cao, các kênh đầu tư khác như vàng hay USD thì bấp bênh, người dân thường chỉ còn lựa chọn đầu tư vào đất, kể cả những người không hề kinh nghiệm gì về đầu tư nhà đất.

Theo đại diện xã Đông Xuân, thực chất giá đất ở các khu vực quanh xã đang tăng ảo. Nguyên nhân giá đất tăng do một số đại gia trước đó đã mua nhiều đất với giá rẻ, sau đó mua vài mảnh với giá rất cao để tạo thông tin ảo, bán lại cho người mua sau, kiếm lời. Nhiều người dân không nắm được thông tin, cũng tự tăng giá, khiến giá đất cao bất thường. Việc giá đất tăng chỉ là hậu quả từ việc "lướt sóng" của một số đầu nậu đất đai, chứ không phải là nhu cầu thực về đất ở.

Vị đại diện này cho biết, đối với đất màu, năng suất nhất là trồng rau củ thì mỗi năm cũng chỉ lãi 4-5 triệu đồng/sào; trồng ngô lãi 3-4 triệu. Trong khi đó, rất nhiều người ở nơi khác từng ngày đến hỏi mua đất ruộng để đầu cơ, chờ tăng giá, bán sang tay kiếm lời. Chính vì thế, việc mua bán đất diễn ra khá sôi động.

"Ăn theo" hạ tầng

Tuy nhiên, lý giải vì sao giá đất một số khu vực tăng trở lại thời gian gần đây, một số chuyên gia cho rằng điều đó không phải sự ngẫu nhiên. Việc Trung tâm hành chính Quốc gia không chuyển lên Ba Vì, hay trục Hồ Tây - Ba Vì chưa biết số phận ra sao khiến người dân đổ xô đi mua những nơi đã có quy hoạch, hạ tầng giao thông và xã hội ổn định. Khu vực Nhổn đất “rập rình” tăng giá bởi Hà Nội vừa khởi công tuyến đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội.

Một loạt tuyến đường như Đại lộ Thăng Long, đường Lê Văn Lương, Lê Trọng Tấn kéo dài khánh thành… đã hình thành một mạng lưới giao thông và đô thị khá hoàn chỉnh, mở ra một khu vực màu mỡ, đầy hứa hẹn đối với thị trường bất động sản phía Tây.

Cũng không vô cớ mà nhà đất khu vực Đông Xuân, Tiến Xuân vẫn "rộn ràng". Được biết Chính phủ đã phê duyệt dự án cho phép công ty Geleximco làm một con đường dài hơn 30 km nối từ Đại lộ Thăng Long chạy lên thành phố Hòa Bình theo hình thức BT. Geleximco cũng dự định sẽ xây dựng một khu đô thị sinh thái lớn nằm trên tuyến đường này. Thông tin về dự án hấp dẫn trên từ bấy lâu đã dấy lên một cuộc săn lùng đất dọc theo tuyến đường có độ dài chạy qua địa bàn Hà Nội khoảng trên 10 km, trong đó hai xã Đông Xuân, Tiến Xuân lọt vào "đích ngắm" đầu tiên.

Chị Vũ Thị Huyền Trang - Cán bộ địa chính, xây dựng xã Đông Xuân cho biết, toàn bộ xã có diện tích 1720,36 ha. Đối tượng mua đất chủ yếu là các đại gia ở Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hòa Bình... Chị Trang cũng khẳng định: “Trong 1, 2 tháng gần đây không có trường hợp thông qua xã làm thủ tục chuyển nhượng”. Tuy nhiên, trên thực tế, việc mua bán diễn ra nhiều hơn thống kê, vì theo quy định hiện hành, đối với đất nông nghiệp chưa được cấp bìa đỏ lâu năm thì không được chuyển nhượng. Do đó, người dân thường tự ý mua bán trao tay, không thông qua chính quyền, cũng vì thế vi phạm về đất đai ngày càng lớn.

Một trong những lý do khác cũng góp phần làm thị trường BĐS sôi động trong thời gian gần đây bởi từ ngày 8/8/2010, Nghị định 71 hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực không cho phép "bán nhà trên giấy". Do đó, bên cạnh đất thổ cư trong làng, những dự án đã có hạ tầng thì được mua bán với giá rất cao. Chẳng hạn khu A khu đô thị Geleximco giá lên tới 70 - 80 triệu đồng/m2. Ngoài ra, khi Trung tâm hành chính không chuyển lên Ba Vì, người dân kỳ vọng trung tâm sẽ được chuyển về Mỹ Đình hoặc khu vực Tây Hồ Tây nên hai khu vực này chắc chắn sẽ còn biến động.

>>BĐS Tây Hà Nội: Lại “nóng” theo hạ tầng

DiaOcOnline.vn - Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp