Nhà đất 2010: Khó có cơ hội cho người nghèo

Cập nhật 02/03/2010 08:30

Theo GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thị trường nhà đất 2010 sẽ thiếu vốn và bị ngưng trệ. Tuy nhiên, giá nhà đất vẫn cao và người nghèo vẫn rất khó có cơ hội sở hữu nhà.

Theo GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, thị trường nhà đất 2010 sẽ thiếu vốn và bị ngưng trệ. Tuy nhiên, giá nhà đất vẫn cao và người nghèo vẫn rất khó có cơ hội sở hữu nhà.

 
Cơ hội nào cho những người thu nhập thấp ở các khu đô thị này? - Ảnh: Phạm Yên

GS Đặng Hùng Võ nói: Trước hết cần phân tích để thấy năm 2009 thị trường nhà đất thiếu vốn, nhất là khi chúng ta thực hiện chính sách ổn định thị trường tiền tệ bằng cách ngăn một lượng vốn đổ vào bất động sản (BĐS).

Lúc đó nhiều dự án phải hạ giá, giao dịch giảm đáng kể. Nhưng sau đó, nhờ có gói kích cầu tập trung vào nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp làm thị trường ấm lên.


GS - TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Sau đó các nhà đầu tư tiếp tục thu hút vốn bằng cách gọi vốn bán nhà trên giấy. Thị trường BĐS phía bắc và Hà Nội đã xảy ra sốt cục bộ một vài nơi.

Cuối năm các ngân hàng có chủ trương hạn chế vốn đổ vào thị trường, lập tức các giao dịch bị ảnh hưởng. Hiện nay các giao dịch vẫn đang giảm mạnh bởi nguồn vốn vẫn thiếu.

Tiếp tục đói vốn

*Đặc điểm đó cho thấy thị trường BĐS vẫn đang rất nhạy cảm, phụ thuộc và bị ảnh hưởng trực tiếp từ thị trường vốn?

Sức sống thị trường BĐS gần như phụ thuộc vào chính sách điều tiết vốn của nhà nước. Khi ngăn vốn tín dụng vào, thị trường nhà đất trì trệ, khi chuyển một phần gói kích cầu vào thì thị trường lập tức sôi động trở lại.

Có thể nhận thấy thị trường BĐS năm 2010 tới thời điểm này cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ có đột biến gì lớn. Trái lại, thị trường vẫn sẽ thiếu vốn.

Nếu nguồn vốn tiếp tục bị ngăn chặn, thị trường sẽ ngưng trệ nên khó có những khởi sắc nào trong giai đoạn này.

Đáng lưu ý, nền kinh tế đặt trước bối cảnh có xu hướng tăng giá với những ưu tiên chống lạm phát. Vì thế lượng tiền cung từ các ngân hàng thương mại cho thị trường này sẽ giảm rõ rệt.

Cần đột phá vào chính sách thuế

 
Những căn hộ thuộc các khu dân cư gần trung tâm Hà Nội vẫn được nhiều người tìm mua - Ảnh: Phạm Yên

*Thị trường ấm hay lạnh, người có nhu cầu thật vẫn rất khó, thậm chí không thể mua được nhà ở. Mơ ước có một ngôi nhà nhỏ ngày càng xa vời khi giá cả leo thang, tại sao?

Đây là khuyết tật về quản lý. Khảo sát của một số tổ chức trong nước và quốc tế đều kết luận là tình trạng công khai, minh bạch của thị trường BĐS rất yếu. Trong khi đó, công cụ tài chính để quản lý BĐS, đất đai là giá đất và thuế đất đều bất cập, yếu kém.

Trên thực tế, giá đất tại địa phương rất ít đạt được giá thị trường cả trong trường hợp nhà đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất và việc tính giá bồi thường cho dân.

Hai yếu tố thiếu công khai minh bạch và hệ thống tài chính đất đai bất cập làm cho giá đất trên thị trường bị đẩy lên quá cao, ở đỉnh của thế giới.

Do quản lý yếu kém, giá đất trên thị trường không được kiểm soát, tăng vô lý đến mức người lao động, người thu nhập thấp khó mua được nhà.

*Nhà nước đã ban hành hàng loạt văn bản về quản lý thị trường nhà đất, Luật Đất đai cũng đã sửa nhiều lần nhưng thị trường BĐS vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn: Người có nhu cầu khó mua được nhà giá gốc, phải qua trung gian, thậm chí phải mua nhà trên giấy với nhiều rủi ro?

Tôi cho rằng cái gốc là phải công khai toàn bộ từng dự án: Dự án đó đang làm gì, đầu tư đến đâu, đã bán trên giấy cho bao nhiêu người, bán theo cách nào…

Vừa rồi ở Hà Nội có sàn đã rao bán cả những dự án BĐS chưa được giao đất. Đó là một mối quan hệ đầy rủi ro. Dân không biết dự án đó đã thực sự được giao đất, đã bồi thường cho dân chưa - tức là rất thiếu công khai, minh bạch.

Yếu tố thứ hai, như tôi đã nói, là phải sớm hoàn chỉnh cơ chế quản lý giá đất và thuế đất sao cho phù hợp với thị trường.

Đây chính là hai khâu cần đột phá, lâu nay chúng ta đã làm, đã tìm nhiều cách, nhưng nó chưa vượt qua được ngưỡng cần thiết.

*Vậy theo ông, để chống đầu cơ bất động sản, chính sách thuế cần phải tập trung vào đâu?

Thuế nhà đất hầu như chưa điều chỉnh được gì nhiều. Với mức thuế hiện nay, người đầu cơ vẫn muốn đầu cơ thêm, nên không chống được đầu cơ.

Tôi cho rằng phải cương quyết đánh thuế rất cao vào những đối tượng nhà đất bỏ không - tức là có mà không dùng, thứ hai là trường hợp dùng lãng phí, dùng không hiệu quả. Đánh vào hai trường hợp này là chống được đầu cơ.

BĐS kiểu này ta nhìn thấy khắp nơi, dự án đã xong nhưng có đến 3/4 đóng cửa, tắt điện để đấy. Nhà đầu tư nói bán hết rồi, nhưng thực ra là đang bán qua các tầng nấc trung gian. Người có nhu cầu thực sự không mua được, hoặc phải trả với chi phí chênh lệch rất cao.

TPHCM: Thị trường bất động sản vẫn nghỉ tết

Tiếp tục giấc ngủ đông từ cuối năm 2009, trong những ngày qua thị trường bất động sản (BĐS) tại TPHCM vẫn giao dịch rất chậm.

Không chỉ sức mua yếu do dòng tiền từ nhiều nguồn đang đóng băng, NH tăng lãi suất và hạn chế cho vay mua BĐS mà tháng giêng âm lịch hằng năm vẫn là tháng nghỉ Tết của thị trường này.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, phân khúc cao cấp người bán nhiều hơn kẻ mua. Còn phân khúc nhà cho người thu nhập trung bình, thấp, nguồn cung vẫn đang hạn hẹp.

Ông Phạm Văn Hải, Tổng GĐ Cty CP phần Địa ốc ACB nhận định: Trong quý 1-2010, thị trường BĐS sẽ khó khởi sắc do khách hàng mua để ở hay đầu tư đều có xu hướng chờ hàng hóa mới hoặc giá xuống.

Nhiều chuyên gia địa ốc dự báo thị trường BĐS tại TP HCM và các tỉnh lân cận phải đến cuối quý II đầu quý III 2010 khả năng tăng giá và giao dịch mới nhiều.



DiaOcOnline.vn - Theo Tiền Phong