Nhà đất 2008 sẽ “sốt” cao

Cập nhật 19/12/2007 09:00

Cuối năm, trong khi giá nhà đất tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai... tăng chóng mặt thì giá nhà đất tại TP.HCM chỉ giao dịch ở mức cầm chừng...

Thuế, vốn ngoại, Việt kiều được mua nhà... làm thị trường bất động sản sẽ bùng lên dữ dội.

Cuối năm, trong khi giá nhà đất tại các tỉnh lân cận như Long An, Bình Dương, Đồng Nai... tăng chóng mặt thì giá nhà đất tại TP.HCM chỉ giao dịch ở mức cầm chừng.

Chuyển vùng đầu tư

Gần một tháng nay, nhiều nhà đầu tư từ TP.HCM ùn ùn đổ về Bình Dương săn đất. Chỉ trong vòng một tháng, giá đất tại khu đô thị Chánh Nghĩa (thị xã Thủ Dầu Một) được đẩy lên gấp 10 lần, thậm chí có nơi được hét giá đến 26 triệu đồng/m2, ngang bằng giá đất mặt tiền đường 8 m ở dự án Him Lam -Kênh Tẻ (quận 7).

Còn đất ở khu vực huyện Thuận An tiếp giáp với thành phố, nhiều chủ đất đã không bán ra nữa vì sợ hố giá. Ông Nguyễn Khánh Hưng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất Xanh, cho biết không phải bây giờ mà ngay từ đầu năm nhà đất ở Bình Dương đã tăng giá. Còn gần đây, giá đất tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư cùng lúc đổ về mua.

Tương tự, đất tại Long An những ngày cuối năm cũng hút mạnh dòng vốn của các nhà đầu tư. Giá đất nhiều nơi ở Long An đã tăng gấp đôi so với cách đây một tháng.
 
Trong đó, đất dự án Công ty Tân Đô đã đội lên trên bốn triệu đồng/m2. Riêng những khu vực tiếp giáp TP.HCM, nhất là gần cửa ngõ vào đường Nguyễn Văn Linh (quận 7) giá đất có nơi đội sổ bảy triệu đồng/m2. Tại Đồng Nai cũng vậy, hướng đi sân bay Long Thành đang được nhiều người mua đón đầu.

Giải thích vì sao lại có hiện tượng chuyển hướng đầu tư sang các tỉnh lân cận, giám đốc một công ty kinh doanh bất động sản ở quận 3 cho biết là do các tỉnh trên đều giáp thành phố, hệ thống giao thông được kết nối thông suốt.

Mặt khác, trong quy hoạch tổng thể vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, những khu vực trên sẽ phát triển mạnh. Ngoài ra, nếu mua bây giờ, giá đất những nơi này còn rẻ.

Nhiều yếu tố làm “sốt” giá

Dù hiện tại giao dịch nhà đất ở TP.HCM đã chựng lại, giá đất nhiều nơi đã giảm nhưng thị trường lại tiềm ẩn cho một đợt bùng lên dữ dội.

Ông M. Townsend, Giám đốc điều hành Công ty CBRE Việt Nam, nhận định năm 2008 thị trường nhà đất tại TP.HCM sẽ bùng trở lại và giá căn hộ sẽ tăng khoảng 20% dù một loạt các dự án như Saigon Pearl, Phú Mỹ Hưng, The Everich, Cantavil, River Garden... bung hàng.

Vì sao có chuyện ngược dòng như vậy khi nguồn cung tăng dồi dào? Ông M. Townsend cho biết nguyên nhân là do các chủ đầu tư tính luôn phần tiền bỏ ra xây móng và cả tiền trượt giá vào giá bán căn hộ.

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, cũng cho rằng sang năm mới thị trường nhà đất sẽ sôi động trở lại, có thể còn khủng khiếp hơn năm 2007. Lý do thuế đánh vào bất động sản đã rõ ràng và nhiều chính sách về nhà đất thông thoáng hơn.

Việc Chính phủ xem xét cho người nước ngoài, Việt kiều được sở hữu nhà được dân kinh doanh bất động sản chờ đợi. Nếu việc này được thông qua, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến giá nhà đất.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng, cũng đồng tình với nhận định trên và cho rằng nhà đất trong năm 2008 sẽ tăng nóng do vốn ngoại đổ vào mạnh. Theo ông Hà, hiện nay đang có 13 quỹ đầu tư quốc tế hoạt động ở Việt Nam và đánh giá thị trường nhà đất Việt Nam còn sơ khai.
 
Và động thái mới nhất là nhiều quỹ bất động sản ngoại đã tăng thêm vốn. Ông Hà cho rằng điều này có thể hiểu là một thông điệp của các nhà đầu tư ngoại tính chuyện làm ăn dài hạn. Thực tế trong hai năm qua, nhiều dự án bất động sản có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD được khởi công. Đơn cử như dự án Khu đô thị mới Bắc An Khánh (Hà Tây), dự án Keangnam Landmark Tower (Hà Nội), dự án Kumho Asiana Plaza (TP.HCM)...

Một yếu tố thường làm cho thị trường bất động sản cuối năm bật lên là dòng tiền kiều hối đổ vào. Nếu mọi năm dòng tiền này chảy dồn vào đất thì năm nay hơi ngược lại. Đến nay gần năm tỷ USD kiều hối chuyển về phần lớn vẫn còn trong túi cá nhân.

Giải thích điều này, giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho là do nhiều người dân còn phân vân chính sách. Điều này cũng giải thích lý do vì sao đất vùng ven hay các tỉnh lân cận vẫn sốt, trong khi đất ở các khu đô thị mới ảm đạm.

Tuy nhiên, với thói quen tiêu dùng của người Việt thì nếu cuối năm không mua nhà thì đầu năm nguồn vốn này cũng được sử dụng cho chuyện mua đất.

Theo Pháp Luật TP.HCM