Thời gian qua, việc thu và sử dụng quỹ 2% để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư đã gây ra nhiều tranh cãi, xung đột. Vậy, quy định về việc sử dụng kinh phí này trong Dự thảo Luật Nhà ở mới đây có thực sự khắc phục được những tồn tại đó?
Thời gian qua, việc thu và sử dụng quỹ 2% để bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư đã gây ra nhiều tranh cãi, xung đột. Vậy, quy định về việc sử dụng kinh phí này trong Dự thảo Luật Nhà ở mới đây có thực sự khắc phục được những tồn tại đó?
Dự thảo Luật nhà ở vừa được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 13. Tại Dự thảo này, các vấn đề liên quan đến việc quản lý, vận hành nhà chung cư là những điều rất quan trọng, bởi nó gắn với quyền lợi của rất nhiều người dân đô thị. Hơn nữa, trong thời gian qua, chính những quy định chưa rõ ràng của Luật cũng như các văn bản dưới luật đã dẫn đến những xung đột của cư dân các tòa nhà chung cư với Chủ đầu tư cũng như các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư.
Đơn cử như trong vụ tai nạn thang máy khiến một người bảo vệ tử vong tại tòa nhà N5A Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội), nhiều người dân tại tòa nhà đã đặt câu hỏi: Không biết số kinh phí 2% này đi đâu mà không được đơn vị quản lý nhà mang ra sửa chữa, bảo trì thang máy dẫn đến chết người? Trong khi đó, chính người dân tại tòa nhà này đã phải cùng nhau đóng góp tiền để thuê thợ vào sửa chữa, tuy nhiên khi chưa kịp sửa thì tai nạn đau lòng đã xảy ra.
Ngược lại, theo người dân phản ánh thì đơn vị quản lý tòa nhà cho biết, họ không có trong tay số tiền 2% này cho nên không thể tiếp tục bảo trì thang máy. Vấn đề là người dân vẫn là những người đang phải gánh chịu hậu quả của những tranh cãi này.
Ngoài ra, cũng còn nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh những quy định đối với phần kinh phí này. Đó là: Ai là người thực sự có quyền nắm giữ số tiền 2% này? Và nếu Ban quản trị Nhà chung cư được quản lý số tiền đó thì Ban quản trị sẽ hoạt động theo cơ chế nào?
Trong khi Dự thảo Luật vẫn được lấy ý kiến thì mới đây, Bộ Tài chính đã ra Thông tư quy định về diện tích tầng 1. Theo đó, đối với công trình xây dựng là nhà cao tầng, nhà chung cư, nhà có mục đích sử dụng hỗn hợp thì tiền sử dụng đất được phân bổ cho từng đối tượng sử dụng theo hệ số phân bổ nhân (x) với diện tích nhà của từng đối tượng sử dụng.
Trường hợp nhà có tầng hầm thì 50% diện tích tầng hầm được cộng vào tổng diện tích nhà của các đối tượng sử dụng để tính hệ số phân bổ. Trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu chung của các đối tượng sinh sống trong toà nhà thì diện tích các tầng hầm được phân bổ đều cho các đối tượng sử dụng nhà.
Trường hợp diện tích các tầng hầm được xác định là thuộc sở hữu của chủ đầu tư thì diện tích các tầng hầm được phân bổ để tính thu tiền sử dụng đất cho đối tượng là chủ đầu tư.
Đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê thì thực hiện phân bổ tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.
Thông tư này ngay lập tức được dư luận chú ý và một số ý kiến cho rằng, điều đó có nghĩa là chuyển trách nhiệm trả tiền sử dụng đất từ chủ đầu tư sang khách hàng. Tuy nhiên, cũng ngay sau đó, Bộ Tài chính đã lên tiếng cho rằng, những ý kiến này là không đúng, hiểu sai bản chất của Thông tư.
Trước đó, trao đổi về vấn đề này, đại biểu Quốc hội, TS.Trần Du Lịch cho rằng, trên thế giới, hầu hết chủ đầu tư sở hữu đất vô thời hạn, còn người mua chỉ sở hữu bằng tuổi thọ công trình. Việc bán nhà có thời hạn cũng góp phần giảm giá thành căn nhà.
Ảnh minh họa
|
Phần sở hữu riêng:
Phần diện tích bên trong căn hộ, bao gồm cả diện tích ban công, lôgia gắn liền với căn hộ đó; Phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng cho chủ sở hữu nhà chung cư thông qua hình thức mua bán, góp vốn, hợp tác đầu tư hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật; Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật sử dụng riêng gắn liền với căn hộ hoặc phần diện tích thuộc sở hữu riêng.
Phần sở hữu chung:
Là phần diện tích nhà còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng; Không gian và hệ thống kết cấu chịu lực, trang thiết bị kỹ thuật dùng chung trong nhà chung cư, gồm khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, sân thượng, hành lang, cầu thang bộ, thang máy, đường thoát hiểm, lồng xả rác, hộp kỹ thuật, hệ thống cấp điện, nước, ga, thông tin liên lạc, phát thanh, truyền hình, thoát nước, bể phốt, thu lôi, cứu hoả và các phần khác không thuộc phần sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; Hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài nhưng được kết nối với nhà chung cư đó; Các công trình công cộng trong khu vực nhà chung cư nhưng không thuộc diện đầu tư xây dựng để kinh doanh hoặc phải bàn giao cho Nhà nước theo nội dung dự án đã được duyệt, gồm sân chung, vườn hoa, công viên, nơi sinh hoạt cộng đồng và các công trình khác được xác định trong nội dung của dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt.