Nhà chung cư phải có tỷ lệ trên 80% tổng số nhà ở

Cập nhật 09/06/2011 11:10

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% tổng số nhà ở.

Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, các dự án phát triển nhà ở tại Hà Nội và Tp.HCM phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% tổng số nhà ở.

Tăng cường diện tích chung cư tại các đô thị mới


Theo Dự thảo Báo cáo chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, việc tăng tỷ lệ nhà ở chung cư cao tầng phù hợp với điều kiện của từng đô thị để tiết kiệm quỹ đất, tạo diện mạo và cuộc sống đô thị văn minh, công nghiệp và hiện đại sẽ được thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020, nâng tỷ lệ nhà ở chung cư tại khu vực đô thị trên cả nước đạt 15% (hiện tại là 4%); tại Hà Nội tỷ lệ chung cư đạt 25-30% (hiện tại là 17%); tại thành phố Hồ Chí Minh tỷ lệ chung cư đạt 18-20% (hiện tại là 6%); tại các đô thị loại I tỷ lệ nhà ở chung cư đạt 15% (hiện tại là 4-6%); tại các đô thị khác tỷ lệ nhà ở chung cư đạt 5-7% ()

Bên cạnh đó, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) vừa có kiến nghị bổ sung vào Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về “Tình hình thị trường bất động sản và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường bất động sản hoạt động lành mạnh”, một số giải pháp trong đó có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đối với hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% tổng số nhà ở.

Chung cư sẽ là loại hình nhà ở phổ biến tại các đô thị lớn

Nguồn cung căn hộ hiện tại

Theo số liệu từ Colliers International, tính đến quý 1/2011, nguồn cung hiện tại là khoảng 45 000 căn hộ và ước tính 11 006 căn hộ mới sẽ được chào bán. Đến cuối giai đoạn 2010 – 2014, tổng số căn hộ tại Hà Nội sẽ tăng nhanh và đạt khoảng 111 084 căn hộ.

Tổng cộng số căn hộ thuộc về nguồn cung mới trong năm 2011 sẽ tăng gấp 4 lần năm 2010, tạo ra cơ hội mới cho người mua và nhà đầu tư tận dụng được các mức giá cạnh tranh hơn.

Nguồn cung mới trong quý 1/2011 chủ yếu nằm ở phía Tây Hà Nội như quận Hà Đông - chiếm 28% tổng số, Thanh Xuân - chiếm 29% và huyện Từ Liêm - chiếm 14%.

Phân khúc trung bình và cao cấp chiếm tương ứng 45% và 32% tổng nguồn cung. Phân khúc giá rẻ chiếm 27% còn lại, mặc dù có tỷ lệ bán cao hơn.

Tại TPHCM: Theo thống kê từ Savills Việt Nam có khoảng 23 dự án với hơn 14.500 căn hộ sẽ được chào bán trong quý 2 và quý 3 năm 2011. Cùng với 15.000 căn hộ tồn đọng từ các dự án hiện tại, nguồn cung căn hộ sẽ vô cùng dồi dào trong năm 2011, dẫn đến các dự án căn hộ phải chịu áp lực giảm giá từ nguồn cung lớn này.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì nhu cầu nhà ở tại Việt Nam nói chung và các thành phô lớn nói riêng còn rất lớn. Theo Chương trình Phát triển nhà ở của TP.HCM đến năm 2010, thì Thành phố phấn đấu đạt trung bình 14,3 m2/người và đến năm 2011 là 15 m2/người.

 
 Do đó, lượng cung căn hộ hiện tại chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của người dân. Tuy nhiên, hiện tại thị trường căn hộ đang khó tiêu thụ là do cung vẫn chưa gặp cầu (do khả năng chi trả của đa số người có nhu cầu ở thực chưa đáp ứng được giá bán trên thị trường), ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như tín dụng thắt chặt, lãi suất cho vay cao,…

Xét về trung và dài hạn thị trường nhà ở Việt Nam vẫn phát triển tốt bởi nhu cầu hiện tại là rất lớn. Dự thảo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia 2020-2030, đặt mục tiêu đến năm 2020 diện tích nhà ở bình quân cả nước sẽ đạt mức 25m2 sàn/người, trong đó nhà ở đô thị bình quân đạt 29m2 sàn/người. Đến năm 2030, diện tích nhà ở bình quân đô thị bình quân đạt mức 30m2 sàn/người

Hạn chế phát triển nhà thấp tầng

Cũng theo Dự thảo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 mà Bộ Xây dựng trình Chính phủ, Bộ Xây dựng có đề xuất một loạt những chính sách nhằm khắc phục những khiếm khuyết của thị trường BĐS, hạn chế đầu cơ…

Trong đó, Bộ Xây dựng đề xuất hạn chế tối đa việc phát triển nhà ở biệt thự, nhà ở riêng lẻ để tiết kiệm đất đai tại các khu đô thị; phát triển nhà ở với cơ cấu diện tích căn hộ khác nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa hình thức và thời hạn sở hữu nhà ở (sở hữu lâu dài, sở hữu có thời hạn) theo từng khu vực quy hoạch và từng thời kỳ đáp ứng nhu cầu của người dân

Thống kế từ Savills Việt Nam, tại Hà Nội có khoảng 34.600 biệt thự/nhà liền kề từ 103 dự án ở 14 quận được nghiên cứu. Trong số đó, 78 dự án được bán dưới hình thức hợp đồng mua bán, số còn lại được bán dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Vùng 1 (Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, Từ Liêm, Long Biên, Gia Lâm) có 52 dự án, cung cấp khoảng 8.700 biệt thự/nhà liền kề trong khi Vùng 2 có 26 dự án cung cấp số biệt thự/nhà liền kề gần gấp đôi so với Vùng 1. Vùng 2 (Hà Đông, Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng và Mê Linh), chiếm một nửa nguồn cung của thị trường biệt thự/ nhà liền kề, đang trở thành nguồn cung chính của thị trường

Trong trung hạn, ước tính có khoảng 60 dự án biệt thự/nhà liền kề sẽ có mặt trên thị trường, với tổng diện tích khoảng 4.500 ha. Vùng 2 là nguồn cung tương lai chính của thị trường biệt thự/nhà liền kề Hà Nội.

DiaOcOnline.vn - Theo Cafef