“Nguy hiểm”… quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất?

Cập nhật 18/04/2013 10:29

Trong các điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chỉ quy định rất ngắn gọn về quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, nếu quyền này được công nhận thì rất “nguy hiểm”. Đây là một trong những nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật diễn ra vào hôm qua.

Trong các điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chỉ quy định rất ngắn gọn về quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, nếu quyền này được công nhận thì rất “nguy hiểm”. Đây là một trong những nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật diễn ra vào hôm qua.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Thu hồi đất nông nghiệp của người không có nhu cầu sử dụng

Liên quan đến thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng, bên cạnh một số kiến nghị giao đất nông nghiệp ổn định lâu dài hoặc kéo dài hơn so với quy định của Dự thảo Luật (50 năm) thì có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, đặc biệt là điều chỉnh lại đất nông nghiệp của những người đã thoát ly, người đã chết để giao cho các hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu phân tích, chủ trương tiếp tục giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân khi hết thời hạn và không chia lại đã được khẳng định nhất quán trong Luật Đất đai qua các thời kỳ. “Nếu đặt vấn đề điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao khi hết thời hạn sẽ là một sự thay đổi lớn về chính sách, có thể gây xáo trộn khu vực nông thôn, tác động đến ổn định xã hội” – ông Giàu lo ngại.

Không những thế, việc chia lại ruộng đất sẽ xóa bỏ những thành quả đã thu được trong quá trình thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về dồn điền, đổi thửa, quy hoạch lại đồng ruộng, thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa cũng như tạo ra sự không bình đẳng giữa những người sử dụng đất. Vì vậy, ông Giàu đề nghị không quy định điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước lại đồng tình với đề xuất điều chỉnh lại đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân để giao cho các hộ gia đình, cá nhân chưa được giao đất. Ông Phúc cho rằng, cần quy định thu hồi đất của những người không có nhu cầu sử dụng, nhất là những người thoát ly đã lâu, bởi “họ không trực tiếp sử dụng đất mà thường cho thuê”.

Còn ông Phước lý giải, lâu nay chúng ta vẫn thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”, song điều đó không có nghĩa họ sẽ mãi mãi chỉ là “người cày” (có thể đi làm những công việc khác) nên cần tính tới việc điều chỉnh lại đất nông nghiệp để phát huy tốt nhất hiệu quả của đất đai.

Không thể “bỏ rơi” các dự án phát triển kinh tế - xã hội

Điều 163 Dự thảo Luật liệt kê một số quyền của người sử dụng đất, bao gồm các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì có cả quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và không có hướng dẫn cụ thể nào.

Đánh giá về quy định trên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý, quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất là không đúng vì những trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng thì không thể được bồi thường. “Nếu quy định đây là một loại quyền, sẽ rất nguy hiểm” – ông Lý bày tỏ quan điểm. Ngoài ra, ông Lý cho rằng phải rà soát lại, làm rõ hơn quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước để xác định được trong chế độ sở hữu toàn dân về đất đai thì quyền của người dân có gì thêm không hay nằm trọn vẹn trong quyền đại diện chủ sở hữu.

Riêng về mục đích thu hồi đất, ông Lý cho rằng không thể thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội một cách chung chung, mà nên phân thành 2 loại: loại thứ nhất là vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, còn loại thứ hai là vì mục đích thương mại, lợi nhuận, kinh doanh sản xuất.

Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận định rằng, các dự án phát triển kinh tế, xã hội cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải được điều chỉnh trong Luật chứ không nên bỏ ra.

“Dự thảo Luật lần này không làm rõ mà đã bỏ đi quy định thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội cũng như chưa rõ các loại đất nào cần thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, công cộng thì sẽ không khả thi” – Chủ tịch Quốc hội phát biểu và yêu cầu: “Dự thảo Luật cần làm rõ được loại đất này làm dự án này, thuộc diện thu hồi; loại đất kia làm dự án kia thì trưng thu, trưng mua. Hay loại nữa là Nhà nước không thu hồi, không trưng thu, trưng mua, mà do DN thỏa thuận với người dân”…

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN