Người thu nhập thấp ở TP Hồ Chí Minh có cơ hội mua nhà ở xã hội

Cập nhật 20/12/2014 09:02

Sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định cho vay gói 30.000 tỷ đồng, thị trường bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu ấm lên.

Sau khi Chính phủ nới lỏng các quy định cho vay gói 30.000 tỷ đồng, thị trường bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu ấm lên.

Những đối tượng có thu nhập thấp đang có cơ hội được mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2, hay căn hộ có tổng giá trị hơn 1 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Tuấn Anh/TTXVN)

Nới lỏng điều kiện, thời gian và lãi suất vay sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi, người thu nhập thấp sẽ có cơ hộ sở hữu nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Khoảng một tháng trở lại đây các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội có diện tích nhỏ (dưới 70m2) và có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng giao dịch rất tốt. Lượng khách hàng tìm đến các sàn bất động sản giao dịch tăng khoảng 25% so với cuối tháng 10/2014. Đa phần các đối tượng khách hàng là người trẻ dưới 40 tuổi, phần lớn là viên chức và người lao động.

Tại các sàn bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh, đến thời điểm hiện tại, đối tượng khách hàng được giải ngân gói 30.000 tỷ đồng nhiều nhất thuộc về dự án căn hộ Hưng Ngân Garden, ở phường Tân Chánh Hiệp, quận 12. Dự án này có 600 căn hộ bán ra, khách hàng đều được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, trong đó đã có hơn 500 hồ sơ đã được giải ngân.

Theo chủ đầu tư dự án Hưng Ngân Garden, việc vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng không khó như nhiều người lầm tưởng, quan trọng là dự án có đáp ứng đủ các tiêu chí để được vay vốn hay không. Trước đây, khách hàng gặp một số khó khăn khi làm thủ tục vay vốn, chủ yếu là từ sự thiếu thống nhất trong xét duyệt hồ sơ chứng nhận tình trạng nhà ở giữa ngân hàng và chính quyền địa phương. Thông tư 18/2013 của Bộ Xây dựng đã đưa ra những quy định cụ thể giải quyết vấn đề này, cho nên hiện tại, hồ sơ vay vốn không còn gặp nhiều khó khăn nữa.

Dự án City Gate Towers do Sàn giao dịch bất động sản Nam Việt phân phối, gồm hơn 1.000 căn hộ, mỗi căn hộ có diện tích từ 67-86m2, giá bán 16 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ 100% khách hàng có nhu cầu được vay vốn từ gói tín dụng ưu đãi này.

Hôm 6/12, Công ty cổ phần Hoàng Quân cũng mở bán căn hộ HQC Plaza thuộc dự án nhà ở xã hội, được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tại quận 8. HQC Plaza là một dự án nhà ở thương mại được phép chuyển sang nhà ở xã hội và dự án được Ngân hàng BIDV cam kết hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng, cũng như hỗ trợ khách hàng vay tối đa 80% giá trị căn hộ trong vòng 20 năm với lãi suất ổn định 6%/năm.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đến 31/10/2014 trên địa bàn đã có 1.444 cá nhân và 2 doanh nghiệp được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, với tổng số tiền vay là 1.050 tỷ đồng. Hiện nay, số các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có hỗ trợ khách hàng vay vốn gói 30.000 tỷ đồng đang được giao dịch rất tốt. Thị trường bất động sản ở Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối năm đang khởi sắc, khiến các doanh nghiệp của hiệp hội dễ thở hơn trước.

Theo ông Lê Hoàng Châu, đến thời điểm hiện tại chính quyền Thành phốHồ Chí Minh đã nỗ lực tối đa nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản cũng như người thu nhập thấp có cơ hội sở hữu nhà ở. Cụ thể, trong thời gian qua có 11 dự án xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để được vay vốn ưu đãi cũng như tiêu thụ được hàng tồn. Thành phố đã cho phép chuyển 8 dự án thương mại sang nhà ở xã hội, trong đó có 1 dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang làm bệnh viện. Các dự án chuyển đổi này cũng xin cơ cấu lại căn hộ, theo hướng chia nhỏ. Theo đó, tổng số căn hộ của 8 dự án trước khi xin cơ cấu là 3.522 căn, sau khi được phép chia nhỏ thành 7.613 căn có diện tích dưới 70m2.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua ở Thành phố Hồ Chí Minh đã có 24 dự án xin chia nhỏ căn hộ, nhưng lãnh đạo thành phố chỉ chấp thuận cho 9 dự án. Theo đó, 9 dự án này có tổng số căn hộ là 4.736 trước khi chia nhỏ, sau khi được phép họ đã chia ra thành 6.122 căn có diện tích 70m2 trở xuống. Việc xin chia nhỏ căn hộ kiểu, theo các chủ dự án là việc làm cực chẳng đã, nhưng cái chính là nhằm bán được sản phẩm tồn dư trong lúc thị trường khó khăn.

Theo các doanh nghiệp bất động sản, mặc dù các điều kiện được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng của Chính phủ đã được nới lỏng hơn trước, nhưng không phải dự án nào khách hàng cũng có thể tiếp cận được gói vay ưu đãi này. Q uan trọng nhất là cách làm của chủ đầu tư trong vai trò làm cầu nối giữa khách hàng với ngân hàng. Nếu chủ đầu tư năng động, coi việc hỗ trợ tài chính cho khách hàng là điều kiện tiên quyết để bán được sản phẩm thì khách hàng sẽ được lợi.

Vừa qua, Công ty cổ phần đầu tư Nam Long, một doanh nghiệp đầu tiên của Thành phố Hồ Chí Minh đã kết nối với ngân hàng để mở ngày hội tư vấn, giải đáp những thắc mắc cho khách hàng vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Hàng nghìn người tham dự cho thấy sự thiếu thông tin của khách hàng về gói tín dụng này. Có lẽ nhờ cách làm mới này, hầu hết dòng sản phẩm bình dân của Nam Long đã được khách hàng đón nhận. Tính đến nay, đã có khoảng 400 khách hàng của Nam Long được giải ngân vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.

Giám đốc Khối Phát triển Kinh doanh Công ty cổ phần đầu tư Nam Long Lê Minh Khánh cho rằng, việc mua nhà từ gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, ngoài xác nhận các vấn đề liên quan khách hàng, quan trọng nhất là chủ đầu tư dự án và ngân hàng hợp tác để cho khách hàng vay vốn. Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần có kế hoạch phát triển sản phẩm rõ ràng, giao nhà đúng hẹn, sản phẩm được kiểm chứng trên thị trường. Phía ngân hàng cho vay cũng cần chọn ngân hàng uy tín, rõ ràng, giải quyết thủ tục nhanh chóng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tính đến giữa tháng 11/2014, toàn thành phố đã có 1.658 hợp đồng được ký kết với tổng mức vay là 1.392 tỷ đồng, trong đó có 1.521 khách hàng (hai khách hàng doanh nghiệp và 1.519 khách hàng cá nhân) được giải ngân số tiền 823 tỷ đồng. So với cuối tháng 10, tổng mức tín dụng được ký kết vay là hơn 300 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đức Lệnh chia sẻ, nhu cầu nhà ở cao, giá cả giảm mạnh, nhưng tiến độ cho vay của gói tín dụng vẫn còn thấp, vẫn còn nhiều người dân mong muốn tiếp cận được gói hỗ trợ trên. Vướng mắc lớn nhất trong việc triển khai giải ngân gói tín dụng hỗ trợ thị trường là từ khâu xác nhận tình trạng nhà ở, hoặc thu nhập của người dân có nhu cầu vay vốn mua nhà với lãi suất thấp.

Để khắc phục tình trạng này, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính để giải quyết những khó khăn cho người thu nhập thấp được sở hữu nhà ở.

DiaOcOnline.vn - Theo TTXVN