Với các nguyên nhân khách quan và chủ quan mà hai cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giải ngân gói hỗ trợ nhà ở trị giá 30.000 tỷ đồng là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đang nhìn nhận, người dân nghèo có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp còn phải dài cổ chờ.
Nguồn cung hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng không “thông”
|
Tính đến 15/3/2014, các ngân hàng đã cam kết cho 3.048 khách hàng vay với tổng số tiền cam kết đạt 2.909 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 3.023 khách hàng với dư nợ cho vay đạt 1.322 tỷ đồng, tăng 64% so với 31/12/2013.
Theo Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), các ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực triển khai cho vay, tiếp cận các dự án của doanh nghiệp, “tuy nhiên tốc độ giải ngân phụ thuộc vào tiến độ thi công cũng như khối lượng xây dựng của các dự án”. “Bộ Xây dựng đã đưa ra danh mục 81 dự án được vay vốn theo gói hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều dự án trong số 81 dự án trong danh mục do Bộ Xây dựng công bố vẫn chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý (ví dụ như thủ tục chuyển đổi công năng từ dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, thủ tục cấp giấy phép xây dựng…) dẫn đến các ngân hàng không thể ký hợp đồng và giải ngân đối với các dự án này” - Vụ Tín dụng cho biết.
Nguồn cung nhà ở xã hội, nhà thương mại giá rẻ đủ điều kiện vay gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng đến từ những dự án mới và dự án chuyển đổi, trong đó dự án chuyển đổi là nguồn quan trọng, vừa giúp nhanh có sản phẩm, vừa giải tỏa tồn đọng cho thị trường bất động sản.
Thế nhưng, theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, trên địa bàn cả nước có 25 dự án đăng ký chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Cụ thể, tại Hà Nội có 15 dự án, với tổng số căn hộ dự kiến chuyển đổi từ 5.478 căn thành 10.587 căn. Tại TP.HCM, có 10 dự án với quy mô số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội là 9.052 căn hộ, tăng 4.397 căn.
Con số dự án đăng ký chuyển đổi mục đích sử dụng không nhiều, nhưng số dự án được chấp thuận cho chuyển đổi lại càng khiêm tốn hơn. Cũng theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong số 15 dự án xin chuyển đổi tại địa bàn Hà Nội, chỉ có 6 dự án được chấp thuận về chủ trương cho phép chuyển đổi, 6 dự án đang được xem xét và có 3 dự án không đủ điều kiện.
Dù Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn về việc thực hiện chuyển đổi dự án thương mại sang nhà ở xã hội để được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi lãi suất 30.000 tỷ đồng, thế nhưng mới đây, khi trao đổi với báo chí về số lượng ít ỏi dự án ở Hà Nội được chuyển đổi, ông Vũ Ngọc Đạm - Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, đa phần các hồ sơ còn thiếu nhiều thủ tục liên quan, như dự án thương mại xin chuyển đổi phải đáp ứng đảm bảo đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Sơn - đại diện một chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khu vực Từ Liêm (Hà Nội) bày tỏ, dự án của ông đã huy động vốn khoảng 1/4 số lượng căn hộ, đã từng muốn xin chuyển đổi nhưng nay đành bỏ cuộc, chờ diễn biến thị trường để quyết định số phận dự án.
“Quy định trường hợp đã ký hợp đồng góp vốn, hợp đồng mua bán với khách hàng thì trước khi thực hiện điều chỉnh cơ cấu căn hộ, mục đích sử dụng thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của tất cả khách hàng đã ký hợp đồng là đúng. Nhưng thực hiện được thì vô cùng khó, bởi khách hàng mỗi người một ý, không tài nào tìm được đồng thuận của mấy chục con người mà hoàn chỉnh hồ sơ” - ông Sơn cho hay.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN