Người mua nhà vấp nhiều rào cản

Cập nhật 17/07/2013 08:28

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giải quyết tồn kho nhưng tiến độ rã băng thị trường bất động sản vẫn chậm

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giải quyết tồn kho nhưng tiến độ rã băng thị trường bất động sản vẫn chậm

Vừa qua, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội khá xôn xao khi một dự án nhà ở xã hội thuộc diện vay ưu đãi từ gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỉ đồng bắt đầu mở bán nhưng người mua gần như phải về tay không vì mức chênh lệch giá trong - ngoài quá cao.

Cò lại đẩy giá

Đó là dự án chung cư VP5 Linh Đàm của chủ đầu tư là Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu. Giá gốc của dự án từ 14-15,5 triệu đồng/m2, tùy vị trí, nhưng ngay trong ngày mở bán đầu tiên (2-7), cò đất đã đẩy chênh lệch giá thêm 135 triệu đồng cho các căn hộ ở tầng 15-16 và gần 300 triệu đồng đối với các căn hộ ở tầng trung và diện tích rộng hơn. Đáng lưu ý là chủ đầu tư không trực tiếp bán lẻ căn hộ mà chỉ giao dịch đối với khách mua tối thiểu 5 căn nên người dân gần như chỉ còn một cách mua nhà qua cò môi giới. Do giá nhà qua đội ngũ môi giới bị đẩy lên 17,5 triệu đồng đến gần 20 triệu đồng/m2, nhiều người mua nhà phải ngậm ngùi ra về tay không. Đối với chung cư VP5, người dân vẫn ngóng giá rẻ vì đây là dự án thuộc gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng. Mặc dù ít khách giao dịch thành công nhưng đến ngày 8-7, giá dự án VP5 rao bán trên các sàn BĐS vẫn giữ nguyên mức chênh lệch từ 61,5 triệu đồng đến 250 triệu đồng/căn. Không bình luận trực tiếp về dự án VP5 nhưng một chuyên gia kinh tế nhận định rất có thể đây là một chiêu lách luật của doanh nghiệp, đẩy giá xuống để đáp ứng được điều kiện hưởng ưu đãi gói 30.000 tỉ đồng.

Một khu căn hộ tại TP HCM. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: HỒNG THÚY

Tại nhiều dự án BĐS ở Hà Nội, mức chênh lệch giá trong - ngoài chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/căn áp dụng cho cả chung cư cao cấp, bình dân và thời hạn giao nhà còn rất ngắn. Giá chênh không lớn nhưng tính thanh khoản của thị trường vẫn chậm vì việc mua bán trao tay đang bị quản lý chặt hơn. Do cơ quan quản lý thắt chặt điều kiện mua nhà nên nhiều người có suất mua nhà giá gốc muốn bán lại cũng không được sang tay ngay mà buộc phải đứng tên sở hữu. Hoạt động của đội ngũ cò BĐS cùng với hiện tượng "thổi" giá bắt đầu có dấu hiệu nóng trở lại như thời kỳ bong bóng, song thị trường vẫn chậm thanh khoản vì người có nhu cầu nhà ở vẫn vấp phải nhiều rào cản.

Có thể không đạt mục tiêu giải ngân 15.000 tỉ đồng

Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ để giải quyết tồn kho nhưng tiến độ rã băng thị trường BĐS vẫn chậm. TS Cao Sỹ Kiêm, Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia, cho biết hiện mới có vài doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ vay vốn nhà ở xã hội 30.000 tỉ đồng. Số người mua nhà được vay ưu đãi cũng mới chỉ có khoảng chục người. Khả năng giải ngân 15.000 tỉ đồng từ nay đến cuối năm rất có thể không đạt mục tiêu, vì đến nay vẫn chưa xác định được thế nào là người có thu nhập thấp đủ điều kiện vay mua nhà ở. Ngay cả quy định thế chấp tài sản là nhà ở hình thành trong tương lai đến nay vẫn rối, chưa biết cơ quan nào ra thông tư hướng dẫn.

Tại hội nghị Chính phủ mở rộng diễn ra cuối tháng 6, lãnh đạo UBND TPHCM cho biết từ cuối năm 2012 đến nay, thành phố đã bán được 2.100 căn hộ trong tổng số 14.000 căn hộ, giảm 14% tồn kho bất động sản. Sau khi nắm lại nhu cầu nhà ở xã hội của các ngành giáo dục, y tế, lực lượng vũ trang, lãnh đạo thành phố dự báo nếu triển khai gói cho vay lãi suất 6% kéo dài 10-15 năm, tập trung dồn vào các đối tượng này thì dự kiến đến cuối năm sẽ giảm tồn kho 3.000 căn hộ nữa. Dự kiến, thời gian để giải quyết xong BĐS tồn kho là khoảng 3 năm.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động