Người dân ở các khu tái định cư tại Hà Nội: Chưa an cư nên chưa thể lạc nghiệp

Cập nhật 14/07/2013 10:13

Tại nhiều khu tái định cư hiện nay, cuộc sống của người dân đang rất chông chênh và thực tế cho thấy khi đưa người dân vào các khu tái định cư chỉ căn nhà không thôi thì chưa đủ.

Tại nhiều khu tái định cư hiện nay, cuộc sống của người dân đang rất chông chênh và thực tế cho thấy khi đưa người dân vào các khu tái định cư chỉ căn nhà không thôi thì chưa đủ.

Chông chênh cuộc sống tái định cư

Trước khi giải phóng mặt bằng thuộc khu vực Đàn Xã Tắc, gia đình chị Nguyễn Thị Lân chỉ có một căn nhà nhỏ hơn 20m2. Tại nơi ở cũ này dù chỉ mở một tiệm tạp hóa nhỏ chị vẫn có thể đảm bảo cuộc sống được cho gia đình với 1 đứa con đi học. Tuy nhiên kể từ khi chuyển đến nơi ở mới thuộc khu tái định cư Nam Trung Yên (Cầu Giấy), gia đình chị phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Căn hộ 1008, nhà B11B hơn 50m2 dù có điều kiện ăn ở rộng hơn chỗ ở cũ nhưng chuyển về đây từ năm 2006, và đến tận bây giờ chị vẫn chưa thể kiếm được cho mình một công việc để mưu sinh ổn định. Chồng đau yếu, chị nghĩ ra đủ mọi kiểu để kiếm cơm từ bán trà đá, đến bán quà sáng… Tuy nhiên ở khu tái định cư, dân cư thưa thớt không thể buôn bán được, phải quay ra buôn thúng bán mẹt ở các khu chợ quanh khu vực Thanh Xuân. Gia cảnh chị Lân là một trong hai hộ tại nhà B11B, về nơi ở mới được 7 năm, từ một hộ trung bình đến nay đang trong diện xét hộ nghèo, hộ còn lại đã bán nhà đi nơi khác.

Công ăn việc làm là bài toán nhức nhối hiện nay của đa số người dân trước kia sinh sống chủ yếu bằng kinh doanh, buôn bán. Không tạo lập được công việc cố định nên dưới chân các nhà thuộc khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính là những dãy hàng bán nước, ăn sáng… Tuy nhiên, người bán thậm chí còn đông hơn cả khách nên thu nhập cũng chẳng được là bao.

Cuộc sống của nhiều người dân tại khu tái định cư đang rất bấp bênh. Ảnh: Khu nhà B11A - Khu tái định cư Nam Trung Yên.

Chị Nguyễn Ngọc Dương, một công dân tái định cư ở đây chia sẻ, gia đình chị thuộc diện giải tỏa tại nút giao thông Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến. Tại nơi ở cũ dù trong ngõ nhưng với một tiệm tạp hóa, cùng với lương chồng làm công nhân thì cuộc sống cũng tạm ổn. Tuy nhiên từ khi chuyển về đây không buôn bán được, nguồn thu chủ yếu dựa vào lương của chồng, 2 đứa con lại đang ăn học nên cuộc sống lúc nào cũng phải nặng đầu tính toán.

Bà Nguyễn Thị Yến, Tổ trưởng tổ dân phố nhà B11, khu tái định cư Nam Trung Yên cho hay, khu nhà B11 có 480 hộ tái định cư, tuy nhiên đến nay chỉ còn 1/3 số hộ tái định cư ở lại còn đa số đều đã bán nhà đi nơi khác. Theo bà Yến, nguyên nhân chính là việc đến nơi ở mới buôn bán không được mà để kiếm được một công việc ổn định rất khó. Có những gia đình cả bố mẹ và con cái lớn đều không công ăn việc làm đành phải bán nhà đi ra những khu vực xa trung tâm mua nhà tìm kế sinh nhai.

Bà Yến cho biết thêm, cả khu tái định cư với gần 4.000 hộ vào ở từ những năm 2006 đến nay nhưng hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Đặc biệt là hệ thống trường học. Mới đây đã có trường cấp 1, cấp 2, nhưng trường mầm non vẫn chưa có nên nhiều gia đình phải gửi trẻ ở các trường tư thục đắt đỏ càng khiến cuộc sống khó khăn hơn.

Thiếu những quy định cụ thể

Ở Hà Nội, nhiều người dân tái định cư đang phải sống trong những khu nhà vừa xuống cấp, vừa nhếch nhác và các cư dân đô thị này đang phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Điều này có nguyên nhân không nhỏ phát sinh từ việc chưa có các quy định cụ thể để quản lý mặt bằng tại đây của các cơ quan chức năng. Tại khu nhà B3, khu tái định cư Nam Trung Yên, một số tòa nhà có 2, 3 tầng dưới cùng để kinh doanh buôn bán. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ thì chẳng có mấy hộ tái định cư được kinh doanh ở đây mà chủ yếu là trà đá, quán nước…

Theo tìm hiểu, mới đây chợ tạm Nam Trung Yên cũng đã được hình thành để lấy chỗ cho các hộ ở đây kinh doanh. Tuy nhiên, chợ tạm này cũng chỉ có vài chục ô bán hàng và cũng đang được phường thông báo giải tỏa bởi nó nằm trên đất dự án của một doanh nghiệp. Dưới chân các nhà tái định cư ở Trung Hòa - Nhân Chính thì nhà hàng, quán café ngày càng phình to nhưng người dân tái định cư ở đây lại không có chỗ để kinh doanh.

Trước đây, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan tạm dừng xem xét, giải quyết cho các đơn vị thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại nhà chung cư tái định cư và nhà ở xã hội được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách. Nhưng dường như, phần diện tích kinh doanh dịch vụ của một số khu tái định cư ngày càng phình to thêm.

Trao đổi với PV, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho rằng, việc cho thuê lại tầng 1 khu tái định cư hiện nay không rõ ràng. Quy định của thành phố yêu cầu đơn vị quản lý tổ chức đấu thầu giá thuê theo giá thị trường, nhưng đa số tầng làm dịch vụ của tòa tái định cư bị chủ đầu tư cho thuê một cách tùy tiện và thiếu công khai do đó quyền lợi của người dân không được đảm bảo. Theo ông Liêm, đây chính là sự yếu kém trong việc quản lý các khu tái định cư.

Trước thực trạng của người dân tái định cư, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định phát triển và quản lý nhà ở tái định cư. Một trong những vấn đề nổi bật được nêu ra theo dự thảo này là việc ưu tiên cho các hộ dân tái định cư được tham gia hoạt động dịch vụ kinh doanh ngay chính tại nơi ở mới. Nếu các tòa nhà thương mại có lẫn căn hộ tái định cư thì ưu tiên hộ gia đình được khai thác diện tích kinh doanh, dịch vụ thông qua đấu giá nếu mức giá trúng thầu ngang bằng nhau.

Tại các khu nhà ở tái định cư được đầu tư xây dựng trực tiếp thì chủ đầu tư phải dành tối đa 2/3 diện tích kinh doanh, dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân tái định cư thuê (nếu có nhu cầu) thông qua đấu giá theo nguyên tắc công khai, minh bạch nhằm tạo công ăn, việc làm cho người dân, đảm bảo nguyên tắc khi phát triển loại hình nhà ở này là phải bảo đảm để các hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư có điều kiện ở, sinh hoạt, sản xuất tốt hơn hoặc tương đương nơi ở cũ.

DiaOcOnline.vn - Theo CAND