Người dân mù mờ, chính quyền lúng túng

Cập nhật 30/11/2009 11:20

Việc đập một căn nhà trái phép làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, do đó việc rà soát không thể làm qua loa được.

Việc đập một căn nhà trái phép làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, do đó việc rà soát không thể làm qua loa được.

Hôm nay (30-11) là thời hạn các quận, huyện phải gửi báo cáo thống kê danh sách số lượng nhà được tồn tại hay phá dỡ theo Thông tư 24/2009 cho Sở Xây dựng TP.HCM. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay được các quận, huyện phản ánh là việc xử lý đối với những nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp bởi Điều 15 Thông tư 24 không hề nhắc gì đến việc này.

Tìm hiểu tại huyện Bình Chánh, nơi có số lượng nhà thuộc dạng này rất nhiều, chúng tôi thấy việc thống kê, đề xuất hướng xử lý của chính quyền gặp không ít khó khăn, còn người dân thì không biết nhà mình thuộc diện nào.

Người dân: Mù mờ thông tin

“Tôi đi làm có nghe mấy người đọc báo nói lại là nhà xây trái phép trước 1-5-2009 cho tồn tại. Mình là dân lao động, nghe nhà nước nói vậy cũng an tâm đi làm chứ không lo chuyện nhà cửa nữa” - anh Lê Ngọc Thảo (tổ 13, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A) cho biết như vậy. Tuy nhiên, hỏi anh có biết nhà thuộc diện như thế nào thì được tồn tại không, anh nói không biết.

Nhà do “đầu nậu” xây dựng trái phép đã bán thì vẫn được xem xét cho tồn tại theo Thông tư 24. Trong ảnh: Hai dãy nhà do “đầu nậu” Phan Văn Mập tự phân lô và xây cất để bán tại xã Vĩnh Lộc B. Ảnh: N.NAM


Anh Thảo là người Cần Thơ, lên TP kiếm sống đã lâu. Nhà anh có bốn người, thu nhập của hai vợ chồng chỉ khoảng 4 triệu đồng, lo cho hai đứa con đi học lại phải trả tiền thuê nhà hằng tháng cả triệu bạc rất tốn kém. Thấy người ta sao mình vậy nên anh Thảo cũng mua một mảnh “đất trồng cây lâu năm” để cất tạm căn nhà ở, đỡ được khoản tiền gần một triệu đồng thuê nhà mỗi tháng. Khu nhà anh ở có khoảng hai chục hộ, mỗi nền nhà chưa đầy 30 m2, xài nước giếng, điện câu nhờ, điều kiện vệ sinh không đảm bảo...

Hộ bà Huỳnh Văn Hà (tổ 14, ấp 3, xã Vĩnh Lộc A) khi mua nhà cũng đến xã hỏi rất kỹ và biết không nằm trong quy hoạch giải tỏa bà mới mua. “Tui không biết Thông tư 24 nói gì nhưng mà tui quan tâm bao giờ mình được làm giấy tờ nhà thôi. Giờ người ta sao mình vậy chứ tui cũng không biết thế nào...” - bà Hà tâm sự.

Huyện chưa thống kê xong

Ông Huỳnh Văn Hải, Chánh thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh, cho biết việc rà soát và thống kê nhà xây trái phép có được tồn tại hay phải phá dỡ được huyện giao cho chủ tịch UBND các xã phối hợp với Phòng Công thương thực hiện. “Tuy nhiên, việc này tốn rất nhiều thời gian vì khu vực ngoại thành khó tìm chứ không như nội thành có đường, có số nhà.

Có nhà xây trái phép giữa cánh đồng mênh mông thì địa chính phải ngồi xác định xem nhà đó nằm trên thửa nào rồi mới áp vào bản đồ. Hoặc có xã đã thay mấy đời chủ tịch, việc tìm lại những hồ sơ nhà trái phép cũ rất mất thời gian chứ chưa nói gì đến việc áp bản đồ để xem nhà đó có được tồn tại hay không. Việc đập một căn nhà trái phép làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, do đó việc rà soát không thể làm qua loa được” - ông Hải nói.

Theo thống kê của Thanh tra xây dựng huyện Bình Chánh, đến ngày 25-11 mới có sáu xã (Đa Phước, Phạm Văn Hai, Phong Phú, Tân Quý Tây, Tân Túc, Bình Lợi) gửi danh sách số vụ và hướng xử lý. Thống kê ban đầu cho thấy trong số 177 vụ vi phạm thì hầu hết được tồn tại.

Tuy nhiên, ông Hải cho rằng số nhà không được tồn tại có thể nằm nhiều ở ba xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B và Bình Hưng. Bởi trong 10 tháng đầu năm nay, toàn huyện có khoảng 1.300 vụ vi phạm thì ba xã này chiếm khoảng 80% số vụ.

Đa phần là phải đập

“Thông tư 24 không nhắc gì đến việc xử lý nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp. Huyện đã hỏi Sở Xây dựng và Sở nói rằng tùy quận, huyện xử lý từng trường hợp cụ thể. Vì thế, quan điểm của huyện là những nhà xây dựng trái phép nằm trong khoản 1 và 2 Điều 15 (xin xem box) thì mới xem xét, còn nhà trái phép nằm trên đất nông nghiệp thì không xem xét” - ông Hải cho biết.

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của ông Hải, nếu hiện nhà đó đang nằm trên đất nông nghiệp nhưng đã có quy hoạch xây dựng làm gì đó rồi thì sẽ được xem xét theo khoản 1 và 2 Điều 15 chứ không phải mọi nhà trên đất nông nghiệp đều đập hết. Nghĩa là chỉ những nhà nằm trên đất nông nghiệp và tới đây, khu vực đó vẫn quy hoạch là đất nông nghiệp thì mới tháo dỡ. “Tôi cũng đã kiến nghị phương án xử lý này để UBND huyện xem xét rồi nhưng chưa biết kết quả thế nào” - ông Hải nói.

Về việc nhà do “đầu nậu” tự phân lô xây cất, theo ông Hải, “đầu nậu” sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai phạm của mình, còn nhà được tồn tại hay không thì sẽ theo quy định của Thông tư 24.

Nhà được tồn tại theo khoản 1 và 2 Điều 15 Thông tư 24:

1. Nếu công trình xây dựng vi phạm nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư ổn định mà xây dựng sai phép về số tầng, về diện tích xây dựng nhưng không ảnh hưởng đến công trình lân cận thì cho phép chủ đầu tư được giữ nguyên công trình xây dựng với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.

2. Nếu công trình xây dựng vi phạm không nằm trong quy hoạch xây dựng khu dân cư nhưng quy hoạch xây dựng khu vực này cũng chưa thực hiện ngay thì yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tự phá dỡ và không được bồi thường khi thực hiện quy hoạch xây dựng khu vực này.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP