Trong hơn hai ngày, từ 11 - 13/6, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra với sự đăng đàn của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và 6 vị bộ trưởng.
Trong hơn hai ngày, từ 11 - 13/6, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII sẽ diễn ra với sự đăng đàn của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và 6 vị bộ trưởng.
Trước phiên chất vấn đầu tiên một ngày, Ban Dân nguyện của Quốc hội đã tập hợp chi tiết 1.731 ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này. Trước đó, 225 chất vấn của đại biểu Quốc hội cũng đã được tập hợp đầy đủ. Không chỉ là những bức xúc mà còn là sự quan tâm, trách nhiệm cao của cử tri đối với đất nước. Đây là những phản ánh tâm tư nguyện vọng của cử tri và cũng là tâm huyết, trí tuệ của các đại biểu Quốc hội.
Với thời gian hơn hai ngày, chỉ có 7/20 thành viên Chính phủ đã nhận được chất vấn để trả lời chất vấn trực tiếp, với phần đáng kể trong số 225 chất vấn đã gửi được hỏi - đáp công khai trên diễn đàn này. Có thể nói, những phiên chất vấn và trả lời chất vấn đã phần nào đáp ứng được các nguyện vọng của cử tri. Đọc kỹ hơn 200 chất vấn của đại biểu gửi Thủ tướng và 19 vị thành viên Chính phủ, có thể thấy trách nhiệm của đại biểu trước nhiều vấn đề lớn của đất nước như điều hành kinh tế vĩ mô, chống suy giảm kinh tế, lạm phát, đến các chính sách an sinh xã hội…
Một vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm tại phiên chất vấn lần này là chuyện lãng phí đất đai, như dự án sân golf nhưng lại kinh doanh bất động sản, lãng phí đất "vàng" tại đô thị. Gửi thẳng vấn đề này tới Thủ tướng, đại biểu Nguyễn Minh Hà (Hà Nội) hỏi: "Có tới 80% diện tích đất sân golf lấy từ đất nông nghiệp, nhưng chỉ 30% được sử dụng làm sân golf, còn lại để xây nhà vườn, biệt thự, khách sạn. Đầu tư sân golf chỉ phục vụ số ít người giàu, còn số đông nông dân mất đất không có việc làm. Chính phủ sẽ có giải pháp khắc phục?".
Đại biểu Danh Út (Kiên Giang), người thường xuyên chất vấn tại các kỳ họp trước về vấn đề nông nghiệp, nông thôn, cũng đề nghị Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường làm rõ trách nhiệm: "Cử tri phản ánh cả nước có khoảng 145 sân golf, chiếm gần 50.000 ha đất, trong đó có 2.000 ha chiếm dụng đất nông nghiệp. Xin hỏi Bộ trưởng, các sân golf được cấp phép có đúng quy hoạch không? Theo dư luận, đã có nhiều vấn đề nảy sinh trong việc cấp phép xây dựng sân golf, đó là lợi dụng đất sân golf để kinh doanh bất động sản. Xin Bộ trưởng cho biết chủ trương và giải pháp sắp tới".
Phiên chất vấn sẽ kéo dài 2 ngày rưỡi.
Khuyến nghị nghiêm cấm sử dụng đất nông nghiệp để làm sân golf
Thời gian qua, công luận đang “nóng lên” về các dự án phát triển sân golf ở Việt Nam và nhiều ý kiến trái ngược nhau. Sau hội thảo “Sân golf và xây dựng xanh” tổ chức tại Hà Nội tháng 5 vừa qua được các chuyên gia mổ xẻ vấn đề quy hoạch sân golf, Tổng hội Xây dựng Việt Nam vừa có văn bản gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và các bộ, ngành liên quan khuyến nghị 5 vấn đề:
1. Việt Nam với đặc điểm đất chật, người đông (tấc đất, tấc vàng) là nước nghèo đang phát triển, thu nhập còn thấp thì việc dự báo quy hoạch sử dụng đất đai tương lai trên cơ sở quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch đô thị, chúng ta sẽ xây dựng bao nhiêu sân golf, xây ở đâu, tốc độ phát triển như thế nào?... đòi hỏi các nhà quản lý từ Trung ương đến các địa phương phải có tầm nhìn để xây dựng chiến lược phát triển và quy hoạch tổng thể sân golf ở Việt Nam. Để có cơ sở thực hiện tốt việc này cần tổng kết đánh giá kết quả toàn diện của 18 sân golf đã đi vào hoạt động về các mặt sử dụng đất đai, hiệu quả kinh tế xã hội, tác động môi trường, thời gian sử dụng, số loại người tham gia.
2. Cần ban hành các tiêu chuẩn, tiêu chí cho các loại hình sân golf ở Việt Nam (sân tập, sân golf thuần túy; sân golf kết hợp điều dưỡng, du lịch; sân golf công cộng...) đảm bảo: Tiết kiệm đất, nghiêm cấm việc sử dụng đất nông nghiệp nhất là đất trồng lúa để làm sân golf. Ban hành các tiêu chuẩn đặc biệt đảm bảo về vệ sinh, môi trường (kể cả nguồn nước cấp và nước thải). Ban hành các tiêu chí, định mức việc tỷ lệ sử dụng đất đai cho các công trình phục vụ đồng bộ cho các loại sân golf (các nhà tiếp đón, CLB, nhà nghỉ, phòng tập ...) được hưởng các ưu tiên chính sách như các công trình thể thao, du lịch, điều dưỡng.
Các dự án có kinh doanh BĐS bên cạnh sân golf phải được điều tiết như các dự án kinh doanh BĐS khác (chính sách đền bù, thuế, thuê đất ...). Vừa đảm bảo thuận lợi cho nhà đầu tư, đồng thời chống thất thu ngân sách. Cần công khai minh bạch hiệu quả dự án để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.
3. Cần nghiên cứu ngoài các sân golf nhằm mục đích kinh doanh, du lịch, nghỉ dưỡng. Cần phát triển loại hình sân golf công cộng gắn vào các công viên cây xanh đô thị (cho mọi người dân, không cần thẻ).
4. Đề nghị giao cho Bộ VHTT&DL là cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với các ngành, địa phương để thực hiện về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch ban hành tiêu chuẩn tiêu chí để phát triển sân golf.
5. Nghiên cứu bổ sung sửa đổi các quy định liên quan đến đền bù, GPMB, giải quyết tái định cư, công ăn việc làm, giao thông cho việc thu hồi đất, cần làm đồng bộ và các quy định ngay từ giai đoạn lập, duyệt dự án kể cả phương án dân góp đất như là cổ phần đầu tư. Một số ý kiến đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt, phí chơi golf cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng