Nghị trường nóng vì cho nước ngoài thuê rừng

Cập nhật 12/06/2010 09:10

Phần chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT sáng 11-6 đã cho thấy có những “lỗ hổng chết người” trong phân cấp quản lý và cấp phép cũng như hậu kiểm các dự án cho thuê đất rừng.

Phần chất vấn bộ trưởng Bộ NN&PTNT sáng 11-6 đã cho thấy có những “lỗ hổng chết người” trong phân cấp quản lý và cấp phép cũng như hậu kiểm các dự án cho thuê đất rừng.

Các đại biểu cho rằng việc cho thuê này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường, kinh tế, xã hội mà còn đe dọa đến an ninh quốc gia. Sức nóng của phiên chất vấn này đã làm lu mờ cả phần trả lời chất vấn về lãng phí lễ hội của bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch vào buổi chiều.

Chưa biết cho thuê 305.000 hay 380.000 ha?

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát đã nhận được 25 lượt chất vấn, tập trung vào việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng, đe dọa đến an ninh quốc gia.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) “mở hàng”: “Tôi muốn hỏi việc kiểm tra, rà soát các dự án cho nước ngoài thuê rừng theo yêu cầu của Thủ tướng bao giờ xong? Các tỉnh có tiếp tục cấp giấy chứng nhận đầu tư cho thuê đất rừng nữa không?”. Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) cũng hỏi: “Việc cho thuê như thế có phù hợp với pháp luật và an ninh quốc gia, biên giới, bảo vệ môi trường, tài nguyên rừng… hay chỉ cần theo Luật Đầu tư mà thôi?”.

Không khác báo cáo đã gửi đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định cấp phép các dự án cho thuê đất rừng được phân cấp cho UBND tỉnh, đúng pháp luật về đầu tư, chủ yếu là rừng sản xuất, đã được thẩm định cả về kinh tế-xã hội và an ninh, quốc phòng. Ông cho biết thêm: Trong số hơn 305.000 ha đất được 10 tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư, thực tế mới giao hơn 33.800 ha, trong đó hơn 15.600 ha đất rừng trên 50 năm… “Còn việc Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, rà soát nhưng không giao cụ thể thời hạn, tuy nhiên các bộ cố gắng cao nhất để làm rõ vấn đề, sớm có chủ trương tiếp theo” - ông Phát cho biết.

Với việc cho thuê vượt khả năng thực tế, cho thuê cả đất đã có chủ, rừng tự nhiên… Bộ trưởng lý giải: Việc cấp giấy chứng nhận đầu tư không có nghĩa là toàn bộ diện tích hơn 305.000 ha đã giao cho nhà đầu tư. Mà trên cơ sở giấy phép này, nhà đầu tư phải phối hợp với chính quyền cấp huyện làm rõ từng khu đất cụ thể, chỉ giao khi đủ điều kiện… Các địa phương chỉ dựa trên thông tin khảo sát sơ bộ nên có diện tích chồng với đất đã giao cho bà con nông dân hoặc có rừng. “Tôi cũng đã đề nghị địa phương kiểm điểm trách nhiệm của các sở, ban ngành khi thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh” - ông nói.


Chỉ riêng Công ty InnovGreen (Hong Kong - Trung Quốc) đã chiếm tới 87% diện tích rừng được cho thuê có mặt ở sáu tỉnh.

Theo yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc giải thích thêm việc kiểm tra về việc cho thuê đất rừng. Ông Phúc cho biết: Bước đầu xác định khoảng 380.000 ha đất trong các dự án cho nước ngoài thuê và tập trung vào một công ty khoảng 200.000 ha. “Chúng tôi đã đi kiểm tra. Hướng xử lý là dừng tất cả dự án triển khai về lâm nghiệp lại. Những cái nào hợp lý, quy mô vừa phải thì cho tiếp tục, cái nào không hợp lý, không đúng, diện tích quá nhiều, vào vùng quốc phòng, an ninh thì dứt khoát rút giấy phép”…

Về phân cấp đầu tư, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng cho biết sẽ có quyết định mới về điều kiện, lĩnh vực phân cấp, phân cấp đến mức độ nào…

Điều hành chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nói: “Chất vấn sáng mai (12-6), Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng sẽ làm rõ thêm”…

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh):

Đề nghị Quốc hội xem chỉ số tín nhiệm

 
Qua trả lời cho thấy bộ trưởng không nắm được vấn đề. Đồng chí ở Ủy ban Quốc phòng và An ninh nói rằng đã cho thuê gần 400.000 ha, có nghĩa bằng diện tích của một tỉnh Tây Ninh mà ở trên vẫn chưa biết, như vậy trách nhiệm tổng tư lệnh trong quản lý ngành, lĩnh vực của đồng chí tới đâu?

Quốc hội đã giao cho đồng chí cả “chìa lẫn ổ khóa” và hàng ngàn cán bộ kiểm lâm được trang bị vũ khí để giữ “kho vàng” nhưng đồng chí chỉ “gác” ở cổng trước lại mở cổng sau, cổng ngách để cho kẻ trộm lẻn vào lấy và sau đó không nhìn rõ trách nhiệm của mình. Đồng chí đã ra một quy định rằng rừng dưới 100 m3 gỗ là rừng nghèo và kể cả rừng giàu nằm xen với rừng nghèo vẫn bị chặt để trồng cao su, đây là quy định dựa vào căn cứ khoa học nào, căn cứ pháp luật nào?

Với Thông tư 58 hướng dẫn chuyển đổi đất rừng nghèo sang trồng cao su, chính Bộ NN&PTNT đã bật đèn xanh cho việc phá rừng tự nhiên. Việc này Bộ Tư pháp đã khẳng định là sai nhưng tới giờ này cũng chưa được sửa.

Tôi nhận thấy bộ trưởng đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình, đã gây ra những nguy cơ cho đất nước trong vấn đề phòng chống thiên tai, bão lũ… Tôi đề nghị các cơ quan của Quốc hội và Quốc hội xem xét chỉ số tín nhiệm của bộ trưởng.

Không ai muốn mất lòng cấp trên nhưng…

Tôi theo đuổi chủ đề bảo vệ, phát triển rừng nhiều năm. Tôi cũng đã nhiều lần phát biểu ý kiến, chất vấn các bộ trưởng, tiếp xúc, gặp gỡ… để thúc đẩy sự nghiệp này nhưng kết quả không đáng kể. Mà cứ đà này, đến hết nhiệm kỳ Quốc hội, đất nước sẽ mất đi một diện tích rừng rất lớn.

Đến kỳ họp này, từ việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài được chứng nhận đầu tư hàng trăm ngàn hecta rừng ở vị trí trọng yếu an ninh, quốc phòng, là rừng đầu nguồn, phòng hộ… đã bật ra rằng các bộ, trong đó có Bộ NN&PTNT đã buông lỏng quản lý. Vì vậy, tôi sử dụng quyền đại biểu Quốc hội. Mục tiêu của tôi không phải để thay thế ông bộ trưởng, mà là một cách mạnh mẽ nhất đưa chính sách bất cập này ra mổ xẻ thấu đáo. Tôi bảo lưu đề nghị của mình. Các đại biểu Quốc hội khác có thể ủng hộ hoặc không.

Yếu kém trong quản lý, phát triển rừng là có hệ thống. Đầu tiên là quy hoạch lại ba loại rừng, cho rằng rừng phòng hộ đang thừa, cho phép chuyển thành rừng sản xuất, rồi từ rừng sản xuất chuyển sang cao su. Kể cả việc coi cao su là cây lâm nghiệp cũng chỉ là một bước làm giảm diện tích rừng. Làm vậy là trái với pháp luật, nghị quyết của Quốc hội.

Không ai muốn làm mất lòng người khác, nhất là cấp trên của mình (đại biểu Nguyễn Đình Xuân hiện là phó giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, Tây Ninh - PV). Nhưng tôi không còn biện pháp nào khác. Đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm là công cụ cuối cùng mà đại biểu Quốc hội có thể làm theo quy định của pháp luật. Tôi buộc phải nói điều này và chấp nhận có thể phải trả giá, khó khăn về sau.

Cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm thực ra rất chặt chẽ để bảo vệ những người được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Có thể đề nghị của tôi sẽ không hội đủ các điều kiện khắt khe của luật để thực thi. Nhưng ngay cả khi ý kiến đó bất khả thi, nó vẫn có tác dụng nào đó. Ở khóa trước, đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm với chánh án TAND Tối cao đã không thực hiện được nhưng cuối cùng ông ấy vẫn ra đi…

Trong công việc ở cơ quan, tôi sẽ tuân thủ lệnh của cấp trên trong hệ thống hành chính. Nhưng ở đây, tôi đề nghị với tư cách đại biểu Quốc hội được cử tri tín nhiệm bầu ra. Tôi không nhầm vai được. Ở đây, tôi thay mặt cử tri giám sát việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên, môi trường. Tôi sẵn sàng cống hiến toàn bộ thời gian của mình, tất cả những gì mình có để hoàn thành nhiệm vụ này. Tôi biết công cuộc bảo vệ rừng mình đang theo đuổi sẽ không dừng ở đây. Tôi sẽ tiếp tục cho dù có tiếp tục là đại biểu Quốc hội hay không. Tôi theo đuổi nó đến cuối đời.

Bộ trưởng Cao Đức Phát:

Bộ chỉ quản rừng chứ không quản đất!


Bộ NN&PTNT được giao quản lý nhà nước về rừng. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao quản lý nhà nước về đất. Các địa phương được phân cấp và cho thuê đất chứ không cho thuê rừng nên không hỏi ý kiến Bộ NN&PTNT khi cho thuê đất. Chỉ khi có ý kiến của dư luận và được Thủ tướng Chính phủ giao, chúng tôi mới điều tra và có báo cáo với Chính phủ, Quốc hội. Rõ ràng là chúng tôi có trách nhiệm cùng với các thành viên Chính phủ trước các vấn đề có liên quan của đất nước.

Việc cho khai thác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, chúng tôi luôn bám vào các quy định của luật pháp để hướng dẫn và giám sát các địa phương thực hiện. Còn trong những trường hợp cụ thể như quy định bao nhiêu mét khối rừng thì được gọi là rừng nghèo, bao nhiêu mét khối thì được gọi là rừng nghèo kiệt đã có hội đồng khoa học “gút” chứ không phải ý chí chủ quan của bộ trưởng. Chúng tôi xin đảm bảo là luôn nghiêm túc tuân theo trình tự, quy định của luật pháp trong các việc trên. Nếu như có điểm gì làm không đúng luật pháp, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Quốc hội và Chính phủ”.

Chỉ riêng Công ty InnovGreen (Hong Kong - Trung Quốc) đã chiếm tới 87% diện tích rừng được cho thuê có mặt ở sáu tỉnh.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP