"Nghẽn” giải phóng mặt bằng - hàng loạt công trình giao thông chậm tiến độ

Cập nhật 16/11/2013 09:38

Chậm tiến độ đang là tình trạng chung của các công trình giao thông trọng điểm ở nước ta. Và nguyên nhân của sự chậm trễ này chủ yếu nằm ở khâu không giải phóng được mặt bằng.

Chậm tiến độ đang là tình trạng chung của các công trình giao thông trọng điểm ở nước ta. Và nguyên nhân của sự chậm trễ này chủ yếu nằm ở khâu không giải phóng được mặt bằng.

Công trình không thể thi công khi không có mặt bằng


Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải, cả nước hiện có 26 công trình, dự án giao thông trọng điểm với tổng kinh phí đầu tư gần 577.000 tỷ đồng. Đến nay đã có 7 dự án bàn giao và đưa vào khai thác sử dụng, 19 công trình đang trong giai đoạn thực hiện, chuẩn bị hoàn thành, khởi công và đầu tư. Hầu hết các công trình hiện nay đều bị chậm vì không có mặt bằng để thi công, nhiều công trình mới đưa vào khai thác đã bị hư hỏng, phải sửa chữa.

Trong số 19 dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang được triển khai, thành phố Hà Nội đã có tới 10 dự án. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này đều đang bị chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng, có những dự án chậm đến mấy năm do không có mặt bằng thi công.


Công trình cầu Nhật Tân chậm tiến độ do không giải phóng được mặt bằng.
 
Theo ông Trương Quang Thiều – trưởng ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng, trong đó chủ yếu là thiếu nhà tái định cư, tiến độ di chuyển, hoàn trả công trình hạ tầng kỹ thuật, bàn giao chỉ giới dự án còn chậm, thiếu linh hoạt trong xử lý nguồn vốn…

Để giải quyết vấn đề “nghẽn” trong việc giải phóng mặt bằng, ông cho rằng trước hết nên ổn đinh khu tái định cư cho người dân, khu tái định cư nên sắp xếp sao cho gần với nơi dân đang ở để tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp tục sinh hoạt, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, phải biết xử lý nguồn vốn một cách linh hoạt, tránh tình trạng như khi xây dựng dự án đường nối cầu Nhật Tân đến sân bay Nội Bài, khi chuyển tiền để giải phóng mặt bằng thì chưa ổn định được các phương án tái định cư, khi giải phóng được mặt bằng thì lại thiếu nguồn vốn để thi công.

Việc chủ đầu tư và nhà thầu phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ sở cùng đội ngũ tư vấn giám sát để hỗ trợ người dân tới mức tối đa là cần thiết, bởi nếu vậy thì dù chi phí có tăng thêm một chút nhưng lại sớm có mặt bằng thi công, chủ đầu tư và nhà thầu sẽ tiết kiệm thêm được rất nhiều.

Cần nâng cao chất lượng công trình

Là những công trình giao thông trọng điểm, là đầu mối lưu thông quan trọng của cả nước, nhưng một số công trình vừa hoàn thành và được đưa vào sử dụng đã khiến người dân thất vọng và bức xúc vì chất lượng kém và sự xuống cấp trầm trọng.

Đường Vành đai 3 trên cao, công trình cầu cạn hiện đại bậc nhất cả nước nhưng chỉ đưa vào khai thác một thời gian ngắn đã xuất hiện tình trạng hằn lún vệt bánh xe.

Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, tuyến đường cao tốc hiện đại đầu tiên ở Hà Nội sau một thời gian khai thác cũng bị lún, bong tróc, xuất hiện nhiều ổ voi, ổ gà. Hay như dự án đầu tư nâng cấp quốc lộ 14, đang trong quá trình thi công nhưng đã bị phát hiện một số gói thầu không đảm bảo tiêu chuẩn gây hư hỏng mặt đường.

Gần đây nhất là quốc lộ 1A đoạn Hà Nam - Thanh Hóa, mặc dù vừa đưa vào sử dụng giai đoạn 2010-2013 nhưng đã xuất hiện tình trạng sụt lún, hư hỏng. Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm điểm từ đơn vị quản lý như Ban quản lý dự án đến Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công. Nhất là trong bối cảnh, nền kinh tế gặp khó khăn nhưng các nguồn vốn ngân sách, vốn ODA, vốn xã hội hóa vẫn ưu tiên cho các công trình giao thông, nhưng chất lượng không tương xứng khiến dư luận bất bình.

Lý giải cho việc đó, các cơ quan chức năng cho rằng những nguyên nhân gây hiện tượng sụt lún mặt cầu đường ở các công trình trên chủ yếu là do nguyên nhân khách quan như: hiện tượng xe tải trọng nặng hoạt động quá nhiều, do chất lượng của vật liệu xây dựng chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Nhưng dù là vì lý do gì thì các công trình giao thông ở nước ta cũng cần được quan tâm và quản lý chặt chẽ hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng, bởi đây đều là những công trình trọng điểm của quốc gia về giao thông vận tải, có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của cả nước.

DiaOcOnline.vn - Theo DSPL