Tiền hỗ trợ thấp hoặc không lương, phải quản lý từ các khoản thu chi đến hội họp, vận hành, bảo trì tòa nhà, giúp cư dân đấu tranh với chủ đầu tư, song ban quản trị nhiều phen vẫn bị tẩy chay, có người từ chức vì buồn tủi.
Theo Quyết định 08 do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, các chung cư vận hành được một năm sẽ được triệu tập Hội nghị nhà chung cư để bầu ban quản trị. Thành viên ban quản trị là những người được cư dân tín nhiệm bầu ra, sẽ thay mặt cộng đồng giải quyết các vấn đề lớn bé của tòa nhà; đồng thời được chính quyền địa phương công nhận tư cách pháp nhân và có con dấu riêng.
Vai trò của ban quản trị quan trọng và phải gánh vác nhiều việc, nhưng đôi khi những người này vẫn bị chính hàng xóm của mình phản đối, chỉ trích. Vì thế mà hầu hết ban quản trị chung cư trên địa bàn TP HCM thường xuyên thay đổi nhân sự. Điển hình là câu chuyện của chung cư Gia Phú, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP HCM, 6 thành viên ban quản trị đều đồng loạt xin từ nhiệm. Ban quản trị cho rằng không thể nào hoàn thành được trọng trách người dân giao phó vì chủ đầu tư là Công ty TNHH Thiết kế và Xây dựng Trung Nam bất hợp tác, liên tục vi phạm các quy định pháp luật về vận hành nhà chung cư.
Cầu tạm vào chung cư Gia Phú, quận Bình Tân bị dở cũng là lúc ban quản trị chung cư Gia Phú "mệt mỏi" xin từ nhiệm. Ảnh: Vũ Lê. |
Thành viên ban quản trị chung cư Gia Phú, Lê An Tân cho biết: "Lúc đầu chúng tôi vô cùng tâm huyết, muốn xây dựng môi trường sống tốt đẹp, công bằng. Thế nhưng chủ đầu tư lờ đi mọi yêu cầu chính đáng của cư dân, còn chính quyền địa phương can thiệp quá chậm khiến mọi người chán nản".
Các thành viên trong ban quản trị cũng cho rằng, họ bị áp lực phải chuyên nghiệp, làm việc hiệu quả trong khi ý thức cộng đồng chưa cao, cách hành xử của bà con thiếu tôn trọng ban quản trị nên khó tránh khỏi chuyện buồn lâu ngày thành bất mãn.
Trong khi đó, tại cụm chung cư Conic thuộc huyện Bình Chánh, TP HCM, ban quản trị cũng gặp rắc rối vì bị một hộ dân nhận là đại diện cho 50 hộ khác đang sống tại chung cư Conic Đông Nam Á gửi thư chỉ trích. Tuy nhiên thư kiến nghị chỉ có một người đứng tên ký.
Nội dung xoay quanh câu chuyện chọn lựa ban quản lý cho tòa nhà không phù hợp, tố cáo ban quản trị hoạt động mờ ám, tỏ rõ thái độ không tin tưởng ban quản trị do chính họ bầu ra. UBND huyện Bình Chánh cũng chỉ dừng lại ở việc hướng dẫn theo quy định pháp luật chứ chưa có hướng giải quyết dứt điểm trường hợp này.
Chung cư Conic Đông Nam Á đang xảy ra sự cố cư dân phản đối ban quản trị. Ảnh: Vũ Lê. |
Trưởng ban quản trị chung cư Conic Đông Nam Á, Trần Thanh Dũng chia sẻ: "Hiện chủ đầu tư chưa bàn giao tài chính cho ban quản trị, chúng tôi làm việc không lương, tự nguyện bỏ thời gian lao tâm tổn trí, nếu bị lên án hoạt đồng mờ ám và không được tin tưởng thì còn gì đau lòng hơn".
Theo ông Dũng, nếu ban quản trị cũng được xem là một nghề thì đây là công việc hết sức khó khăn và vất vả. Thành viên ban quản trị vừa phải làm việc để lo cơm áo gạo tiền cho gia đình, vừa "đánh vật" với các khoản thu chi do chủ đầu tư công khai tài chính trong quá khứ, đòi quyền lợi cho cư dân theo đúng quy định pháp luật, vừa phải quản lý các vấn đề lớn nhỏ của tòa nhà, làm việc với ban quản lý... Thế nhưng nếu cư dân không ủng hộ, thiếu sự cảm thông thì ban quản trị rất dễ buông xuôi hoặc tan vỡ.
Đã nghỉ hưu nhưng muốn đóng góp cho cộng đồng, Trưởng ban quản trị chung cư Conic Garden (Bình Chánh) Nguyễn Trọng Phi lại kể về kỷ niệm của mình. Ông cho hay, đôi khi chỉ là ý kiến tổ chức ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 cho các cháu bé ở chung cư, hay chọn nhà mạng cung cấp đường truyền cho tòa nhà, cũng hết sức đau đầu vì tranh cãi của các hộ dân. "Đi tìm và xây dựng văn hóa nhà chung cư là một hành trình dài mà trong đó ban quản trị phải gánh vác nhiều trọng trách. Lẽ ra cả cộng đồng phải chung tay góp sức và cần phải có ý thức trách nhiệm hơn nữa thì nhà chung cư sẽ yên bình hơn", ông nói.
Gõ cửa từng nhà để bầu ban quản trị chung cư tại chung cư Conic Garden, Bình Chánh vốn khó khăn, khi có ban quản trị rồi, làm sao để đoàn kết, đồng lòng cũng không phải là chuyện dễ. Ảnh: Vũ Lê. |
Còn ông Nguyễn Khoa Minh, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Phú bộc bạch: "Ban quản trị cần được xem là công việc chuyên nghiệp vì nó đòi hỏi nhiều kỹ năng. Những buồn vui khi phục vụ cộng đồng là khó tránh khỏi, ở chung cư tôi thành viên ban quản trị cứ sau một năm lại thấy nhiều tên mới, người cũ vì nhiều lý do xin rút lui".
Ông Minh cho hay, dù đã có chút kinh nghiệm nhưng ông luôn bị rơi vào cảm giác lo lắng mỗi khi ban quản trị thông báo tăng các khoản chi phí hay kêu gọi mọi người ký đơn tập thể yêu cầu chủ đầu tư trả lại diện tích chung: nhà để xe, sân thượng, phòng sinh hoạt cộng đồng...
Trưởng văn phòng luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, các quy định pháp luật và văn hóa nhà chung cư còn quá mới mẻ đối với người Việt Nam. Vì thế, để tìm được tiếng nói chung khi sống ở chung cư không phải là chuyện dễ dàng. Tuy nhiên, luật sư Hậu lại cho rằng để giải quyết các xung đột quyền lợi nhà chung cư hoặc bất hoà giữa cư dân và ban quản trị, điều đầu tiên chính quyền địa phương cần quản lý sâu sát hơn. "Nếu chính quyền địa phương có chân trong ban quản trị thì sẽ hỗ trợ được cư dân nhiều hơn", ông Hậu nói.
Ông Hậu phân tích, ban quản trị phải chuyên nghiệp, cư dân phải có ý thức cao, chủ đầu tư phải tâm huyết với dự án để xây dựng thương hiệu còn chính quyền địa phương phải sâu sát thì việc vận hành nhà chung cư mới ổn định.
Ông cũng cho rằng, hiện Quyết định 08 của Bộ Xây dựng về quản lý vận hành nhà chung cư không thể theo kịp những diễn biến phức tạp của thực tế nên cần phải nhanh chóng bổ sung, điều chỉnh để gần gũi với cuộc sống hơn.
DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress