“Nghệ thuật kỳ dị”

Cập nhật 05/04/2010 16:15

Trong khi chính quyền còn loay hoay lập thiết kế đô thị để quản lý xây dựng ở các tuyến đường mới thì nhà dân đang mọc lên từng ngày, có những tuyến đường nhà dân đã xây gần xong mà vẫn chưa có thiết kế đô thị...

Trong khi chính quyền còn loay hoay lập thiết kế đô thị để quản lý xây dựng ở các tuyến đường mới thì nhà dân đang mọc lên từng ngày, có những tuyến đường nhà dân đã xây gần xong mà vẫn chưa có thiết kế đô thị khiến bộ mặt của chúng giống như những thử nghiệm “nghệ thuật kỳ dị”.


Trên một đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nhà cửa thấp cao, to nhỏ lộn xộn... - Ảnh: Thuận Thắng

Thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư kinh phí khá lớn để mở rộng các tuyến đường. Ngoài việc lưu thông, đây còn là cơ hội để chỉnh trang bộ mặt đô thị. Nhưng thực tế ở những tuyến đường đã mở và đang mở, có nhiều “kiểu” kiến trúc khiến các kiến trúc sư phải... lắc đầu.

Hộp “que diêm”

Chúng tôi xuôi theo đại lộ Đông - Tây - con đường mới mở rất đẹp hướng từ quận 1 về huyện Bình Chánh. Ở đoạn gần cầu Calmette đến đường Đề Thám thuộc phường Cô Giang (quận 1), bên phải là dãy nhà xây dựng từ thời Pháp, kiến trúc khá đồng bộ, hầu hết một trệt, một lầu. Ông Lê Thượng Đức, một người dân sống tại đây hơn 60 năm, cho biết dãy nhà này có khoảng 100 năm tuổi. Qua bao thập kỷ đổi thay, chúng đã xuống cấp nhiều và người dân chủ yếu sửa chữa bên trong nên vẫn giữ được nét kiến trúc cũ. Vậy mà giữa dãy nhà này lại chen vào các công trình cao tầng đang xây dựng.

Cách đó vài trăm mét, cũng thuộc quận 1 (góc đường Hồ Hảo Hớn), phía bên trong là những cao ốc đã và đang hoàn thiện, còn bao bọc bên ngoài là dãy nhà cũ cái thấp, cái nhô cao, cái hoành tráng, cái xập xệ... chen nhau như một bản hòa tấu kiến trúc lạc nhịp. Xen giữa các công trình, nhà ở là những khoảng trống, lối đi ngoằn ngoèo, uốn cua...

Chạy về hướng quận 5, góc đường Phan Phú Tiên, phường 10 là dãy phố vật liệu xây dựng. Điều gây chú ý cho mọi người khi đi qua đây là những căn nhà có diện tích khá nhỏ, được xây dựng từ phần còn lại sau khi bị giải tỏa bởi dự án đại lộ Đông - Tây. Rất nhiều khu đất có diện tích trên dưới 20m2 nhưng được cơi lên 2-3 tầng. Những căn nhà dạng siêu mỏng, siêu nhỏ như vậy xuất hiện ở nhiều nơi khác trên đại lộ này. Góc đường Phùng Hưng là căn nhà hai tầng có chiều sâu chỉ khoảng 2m.

Đặc trưng nhà đô thị ở VN là nhà phố, kiến trúc hình hộp. Nhưng dọc hai bên đại lộ Đông - Tây đến thời điểm này, có thể nói đó là những chiếc hộp “que diêm” với chiều sâu mỏng hơn chiều ngang.

Nhà siêu mỏng


Theo ranh giải tỏa, chúng tôi đi dọc con đường đang mở, tương lai sẽ là đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài, từ phường 13, quận Bình Thạnh qua phường 1, quận Gò Vấp. Hai bên đường, rất nhiều nhà dân đang xây dựng, có nhà hai ba tầng, có nhà sửa chữa tạm bợ. Điểm chung dễ nhận thấy là đa số đều xây dựng theo kiểu “có bao nhiêu xây bấy nhiêu”, nhiều nhất là nhà siêu mỏng với chiều sâu chỉ nhỉnh hơn 2m.

Căn nhà 352B/11 đường Phan Văn Trị, phường 11, quận Bình Thạnh sau khi giải tỏa chỉ còn khoảng 10m2. Chủ nhà, ông Võ Thượng Hiền, phải hợp khối với nhà của con gái bên cạnh cũng còn khoảng 12m2 để xây cao ba tầng, chỗ rộng nhất của căn nhà là 3m. Ông Hiền nói: “Tôi biết là nhà nhỏ xây cao thấy khó coi lắm nhưng không xây thì không có chỗ ở”. Tệ hơn nhà ông Hiền, căn nhà 525 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp, mặt tiền rộng không hơn 1m. Một căn nhà khác được xây như biệt thự hai tầng với mái hình chóp và lợp ngói đỏ nhưng chiều sâu lại chưa tới 2m.

Cũng theo lời ông Hiền, UBND quận Bình Thạnh cho phép chủ nhà được xây dựng theo quy mô như cũ. Nhà ông trước kia cao ba tầng với diện tích đất 80m2, nay ông cũng xây lại ba tầng như cũ. Chính kiểu cho phép này đã tạo nên những căn nhà mặt tiền mỏng như lá lúa.

Nhà ông Nguyễn Thành Long ở khu phố 1, phường 13, quận Bình Thạnh trước đây rộng 80m2, có ba tầng. Tháng 3-2009, sau khi giao 55m2 để làm đường, phần còn lại sau giải tỏa là rẻo đất 25m2 hình tam giác nhọn hoắc được ông Long xin phép sửa chữa lại theo nguyên trạng trông rất kỳ cục. Chính ông cũng bảo: “Khu phố tôi nhà cửa tạp nhạp, lồi ra thụt vô, sơn xanh, đỏ, vàng nhìn lộn xộn quá. Chúng tôi sẵn sàng làm theo mẫu nhà thiết kế của Nhà nước để phố phường sáng sủa nhưng biểu dân chờ mấy ổng thì lúc nào mới có chỗ ở”.

Chờ 4 năm chưa có thiết kế đô thị

Đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đoạn từ Hoàng Văn Thụ đến Võ Thị Sáu) nối sân bay Tân Sơn Nhất về trung tâm TP.HCM đang trong giai đoạn hoàn thành sẽ là một trong những tuyến đường đẹp nhất của TP. Đường rộng thoáng, vỉa hè đẹp và sáng sủa. Tuy nhiên, tuyến đường để đón khách du lịch đến TP.HCM này nhận được không ít ý kiến không hài lòng.

Kiến trúc sư Lê Quang Ninh, Hội Kiến trúc sư VN, nhận định “xấu không xấu nhưng đẹp thì không đẹp”. Một kiến trúc sư khác nói rằng “quá uổng” khi để các công trình xây dựng mặt tiền như hiện nay. Do là tuyến đường trung tâm, vị trí “đất vàng” nên các chủ công trình tận dụng tối đa không gian để nâng tầng cao khiến kiến trúc dọc con đường này chỗ trồi chỗ thụt, chỗ thấp chỗ cao trông như những chiếc răng cưa...

Theo một cán bộ Phòng quản lý đô thị quận 3, từ năm 2005, khi giải tỏa nhà dân để mở rộng đường, UBND TP.HCM đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu việc thiết kế đô thị cho tuyến đường, làm căn cứ để cấp phép xây dựng. Nhưng đến nay sau bốn năm, trong khi nhà người dân hai bên đường đã xây dựng gần xong mà thiết kế vẫn chưa có!

Hi sinh mỹ quan đô thị

Tại các quận, những nhà bị giải tỏa một phần đều được xây dựng lại với tầng cao bằng nhà cũ. Chủ nhà không cần phải xin phép xây dựng lại mà được UBND phường xác nhận vào đơn xin sửa chữa nhà và được sửa chữa theo nguyên trạng. Nói là sửa chữa nhưng hầu hết đều xây dựng lại với kết cấu, kiến trúc hoàn toàn mới.

Đại diện Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp cho rằng đó là cách tốt nhất để người dân bị giải tỏa một phần nhà nhanh chóng đi vào ổn định cuộc sống. Ông Trần Hữu Cảnh, phó chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp, thừa nhận: “Ví dụ như một căn nhà rộng 60m2, sau khi giải tỏa chỉ còn lại 20m2, nếu chỉ sửa chữa thì làm sao bảo đảm an toàn để ở?”. Một cán bộ quản lý đô thị ở quận Bình Thạnh nói: “Nếu người dân đã giao phần lớn căn nhà của mình cho dự án, phần còn lại không được xây nhà để ở thì ai chịu giao? Đành chấp nhận hi sinh mỹ quan đô thị ở một mức nào đó”.

Còn đây là ý kiến của phó chủ tịch UBND quận Bình Thạnh Hoàng Song Hà: “Tôi biết là cấp giấy phép cho dân xây nhà kiên cố thì sau này sẽ khó thực hiện thiết kế đô thị. Nhưng hiện tại chưa có cơ sở gì để từ chối”.

Trong khi đó, với khoảng 3,9km thuộc tuyến đại lộ Đông - Tây qua địa bàn, UBND quận 6 đang cấp phép xây dựng theo quy định về kiến trúc nhà liên kế. Đối với một số dự án có diện tích tương đối lớn, UBND quận yêu cầu chủ đầu tư nên chờ UBND TP.HCM ban hành thiết kế đô thị và dựa vào đó cấp phép.

Ông Trần Hữu Trí, phó chủ tịch UBND quận 6, nói nếu UBND quận tiếp tục cấp phép cho người dân xây dựng nhà kiên cố thì sẽ gây lãng phí xã hội rất lớn khi thực hiện các dự án sau này. Đó là chưa kể những căn nhà xây dựng kiên cố sẽ làm chi phí bồi thường tăng cao, một yếu tố làm chùn tay các nhà đầu tư. Nhưng rồi ông lại đắn đo bảo rằng “không cấp phép thì sẽ vi phạm quyền lợi của người dân”. Thật khó mà nói hết được những rối rắm này khi chưa có thiết kế đô thị!

Cần có ngay thiết kế đô thị cho các trục đường mới

Các thành phần của thiết kế đô thị:

Quy hoạch vị trí: khoảng lùi, vị trí không gian mở, vòng xoay, phân lô, các vùng đệm, góc nhìn, tầm nhìn, hiệu quả thị cảm.

Kiến trúc: chiều cao, khối tích, vị trí xây dựng, kiểu dáng (qua sự mô tả), phối màu, kiểu mái, tỉ lệ, quy mô, phân vị đặc rỗng.

Kiến trúc cảnh quan:
phối cảnh, phối kết thực vật (cây xanh), phối kết vật thể (công trình), mặt nước, vị trí, kích thước, sự bao phủ tối thiểu, chiếu sáng, vị trí mặt trời, màu sắc.

Bảng hiệu, quảng cáo:
đặc điểm, vị trí kiểu vật liệu, kích thước, chiếu sáng, màu sắc, tầm nhìn.

Các yếu tố đặc biệt: cảnh quan đường phố, khu dân cư thương mại, công trình lịch sử, bảng chỉ dẫn, cảnh quan nước, sảnh vào, các chương trình khuyến mãi và tặng thưởng.

Tại sao lại cần thiết kế đô thị, vì thiết kế đô thị là cầu nối giữa công trình kiến trúc và quy hoạch đô thị.

Các đô thị hiện nay còn nhiều điểm chưa như mong muốn, chất lượng không gian sống chưa cao, bộ mặt đô thị còn lộn xộn và chưa đẹp. Vì vậy mới cần phải có thiết kế đô thị.

Hiện nay, TP.HCM còn quản lý đô thị theo cảm tính. Mật độ sử dụng đất bằng nhau, tầng cao như nhau nên khá đơn điệu. Muốn khác đi thì phải xin - cho. Một khi có thiết kế đô thị rồi thì đó là pháp lệnh, không phải xin - cho mà không gian đô thị vẫn đẹp và có bản sắc.

Tâm lý nhà đầu tư khi xây dựng ai cũng muốn có lợi nhuận cao. Song, nếu chiều theo đó thì ta sẽ có một đô thị hỗn độn, không gian cảnh quan kiến trúc vỡ rạn và kém thẩm mỹ. Cái khó là chúng ta hòa những cái riêng vào cái chung nhưng vẫn giữ được bản sắc, bảo đảm lợi ích cho từng dự án. Điều này chỉ được giải quyết khi có thiết kế đô thị. Nhất là đối với các trục đường mới mở.

Trên cơ sở thiết kế đô thị, chính quyền ban hành các quy định có tính chất chỉ đạo và khống chế đối với thiết kế kiến trúc về địa điểm xây dựng, quy mô công trình, hình thức và điều phối tổng thể.

Tuy nhiên, thiết kế đô thị không được can thiệp quá mức vào tính chủ động và tích cực của sáng tạo kiến trúc. Thiết kế đô thị là vì con người, cho con người. Chính quyền thành phố quy hoạch và thiết kế đô thị, còn cộng đồng dân cư tham gia vào quy hoạch và thiết kế đô thị đó. Có như vậy, quy hoạch và thiết kế đô thị mới từng bước đi vào cuộc sống.

Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)


>>Vừa làm vừa nghiên cứu
>>Bộ mặt đô thị TP.HCM ngày càng xấu


DiaOcOnline.vn - Theo Địa Ốc TTO