Ngân hàng “xắn tay” quản lý dự án: Cứu người, cứu ta

Cập nhật 09/10/2013 15:39

Trong xu hướng “mắc kẹt” của nhiều chủ đầu tư và khách hàng vào các dự án BĐS khu vực Hà Nội, các ngân hàng đã không thể ngồi yên và tham gia vào việc quản lý dòng tiền của dự án để “cứu” cả chủ đầu tư và tự cứu mình.

Trong xu hướng “mắc kẹt” của nhiều chủ đầu tư và khách hàng vào các dự án BĐS khu vực Hà Nội, các ngân hàng đã không thể ngồi yên và tham gia vào việc quản lý dòng tiền của dự án để “cứu” cả chủ đầu tư và tự cứu mình.

Mới đây nhất, sau nhiều bê bối kéo dài tại dự án AZ Vân Canh (của Công ty CP BĐS AZ), Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Nam Hà Nội đã phải xắn tay vào thay chủ đầu tư quản lý dòng tiền để trực tiếp thanh toán cho nhà thầu theo tiến độ thi công thực tế. Đây được coi là cứu cánh cuối cùng cho dự án đã gần như bỏ hoang hai năm nay sau khi huy động không ít tiền của khách hàng, dẫn đến những vụ kiện cáo kéo dài trong thời gian qua.

Dự án AZ Vân Canh thi công trở lại sau khi khách hàng chấp nhận mô hình quản lý mới.

Sau khi dự án đình đốn, nhiều khách hàng cho rằng năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư không đảm bảo nên không tiếp tục rót vốn vào dự án này. Tuy nhiên, sau hội nghị giữa chủ đầu tư với khách hàng mới đây, tiếng nói chung đã được tìm ra với sự xuất hiện trực tiếp của Agribank Nam Hà Nội.

Theo đó, nhà thầu thi công dự án AZ Vân Canh là Công ty cổ phần xây dựng và Phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam sẽ cùng với chủ đầu tư dự án AZ Vân Canh mở một tài khoản mới tại ngân hàng, người mua nhà sẽ nộp tiền trực tiếp vào tài khoản đó để phía ngân hàng đứng ra quản lý số tiền mà khách hàng nộp. Việc ngân hàng giữ tiền cho khách hàng nhằm đảm bảo số tiền người mua nhà nộp vào chỉ phục vụ mục đích thi công dự án.

Căn cứ vào tiến độ thi công, ngân hàng sẽ giúp khách hàng giám sát dòng vốn để giải ngân theo tiến độ. Được biết, đến thời điểm hiện nay, tổng chi phí mà nhà thầu đã đã bỏ để thi công phần móng của công trình này đạt 70 tỷ đồng, trong đó ngân hàng đã giải ngân 40 tỷ đồng. Trong mô hình này, có thể thấy ngân hàng xuất hiện như vai trò của chủ đầu tư.

Hiện nay, sau khi thu tiền của khách hàng như hàng loạt dự án vẫn “đắp chiếu”, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo khiến nhà đầu tư mất ăn mất ngủ. Thậm chí, có nhiều chủ dự án còn mang tiền của khách hàng đi làm những việc khác, không đưa vào phục vụ dự án, gây ra nhiều bức xúc và khiếu kiện.

Sau nhiều động thái “có nặng, có nhẹ” với chủ đầu tư, nhiều khách hàng cho rằng, sự tham gia của Agribank trong việc quản lý dòng tiền sẽ giúp họ tạm thở phào và tiếp tục đóng tiền.

Ông Lê Văn Tuân, một khách hàng của dự án này cho biết, nếu không có sự vào cuộc của ngân hàng để “giữ tiền” của nhà đầu tư thì tâm lý người mua nhà sẽ rất “ngán” nếu tiếp tục đóng tiền vào dự án, vì họ không biết đồng vốn sẽ được chủ đầu tư sử dụng như thế nào. “Đây cũng là giải pháp khả thi trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn, vấn đề là khi ngân hàng đồng ý giữ đồng vốn và giải ngân theo tiến độ thi công thực tế thì khách hàng sẽ yên tâm đóng tiền theo như hợp đồng đã ký”, ông Tuân cho biết.


Khách hàng Usilk cũng tự tay quản lý dòng tiền của mình với sự tham gia của ngân hàng.

Theo ông Trần Văn Mạnh, Chủ tịch HĐQT - BID Việt Nam, với mô hình mới này, hiện nhà thầu đã thi công xong phần móng tòa A2 và đang triển khai xây dựng phần móng của tòa B2. Ông Mạnh cho biết cuối năm nay cả 4 tòa đều sẽ hoàn thành phần móng, và hai tòa A2, B2 sẽ xong tầng 5.

Tương tự AZ Vân Canh, một dự án mới đây cũng tìm được lối thoát sau thời gian dài kiện tụng trong bế tắc là Usilk City, dự án đã liên tục đình trệ nhiều năm và chủ đầu tư Sông Đà Thăng Long không trốn tránh thừa nhận đã cạn tiền để tiếp tục thi công khi khách hàng không đóng thêm tiền.

Sự khác biệt giữa hai mô hình “sáng tạo” này, là ở chỗ tại Usilk, khách hàng thông qua ban đại diện sẽ trực tiếp tham gia quản lý dòng tiền mà mình nộp vào tài khoản chung ở tại BIDV, và chỉ chuyển tiền cho nhà thầu theo tiến độ được nghiệm thu.

Thực tế, theo đánh giá của giới quan sát, các giải pháp nói trên có thể giúp “giải cứu” được dự án, tức giải cứu cả dòng tiền mắc kẹt của khách hàng, đồng thời giải cứu cả chủ đầu tư trước nguy cơ đối mặt với các chế tài pháp luật. Mặt khác, các ngân hàng có quan hệ tín dụng với các chủ đầu tư cũng tự cứu được mình trước nguy cơ sa lầy vào “núi” nợ xấu BĐS.

Một người trong Ban đại diện khách hàng của dự án Usilk cho biết: “Phải bỏ công bỏ việc đứng ra tham gia quản lý dự án rất mệt mỏi, nhưng sau quá nhiều phen trận với đủ cách thức, chúng tôi nhận thấy rằng nếu không chụm đầu lại với nhau thì cũng chết chùm”.

Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, việc “bắt tay” ba bên giữa ngân hàng, chủ đầu tư và đơn vị thi công là mô hình mà các nước trên thế giới đã thực hiện, đây là cách làm tốt trong bối cảnh thị trường BĐS hiện nay. Theo ông Võ, điều này đảm bảo không có rủi ro đối với khách hàng bởi nguồn vốn của họ được tổ chức tín dụng quản lý, giải ngân theo đúng thực tế công trình.

DiaOcOnline.vn - Theo Dân trí